Ngành quản trị bán hàng trình độ cao đẳng là gì? Học ngành quản trị bán hành trình độ cao đẳng thì cần đáp ứng yêu cầu gì về kiến thức theo quy định?
Ngành quản trị bán hàng trình độ cao đẳng là gì?
Theo mục 1 Mục A Chương 1 Quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng các ngành, nghề thuộc lĩnh vực kinh doanh, quản lý và pháp luật do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành kèm theo Thông tư 20/2019/TT-BLĐTBXH, trong đó có giải thích về ngành quản trị bán hàng trình độ cao đẳng như sau:
- Quản trị bán hàng trình độ cao đẳng là ngành, nghề hỗ trợ, điều phối bán hàng, là cầu nối giữa người bán và người mua giúp doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu bậc 5 trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
- Đây là ngành, nghề có sự kết hợp của khoa học và nghệ thuật quản lý - kinh doanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt các mục tiêu kinh doanh nói chung và hoạt động bán hàng nói riêng.
+ Quản trị bán hàng liên quan đến hoạch định, tổ chức, lãnh đạo/điều hành và kiểm soát hoạt động bán hàng (hoạt động tiêu thụ sản phẩm), tạo điều kiện phối hợp chặt chẽ giữa các hoạt động quản trị như quản trị mua, bán và dự trữ sản phẩm.
+ Quản trị bán hàng giúp doanh nghiệp thực hiện mục tiêu đã xác định của doanh nghiệp, góp phần nâng cao vị thế cạnh tranh và uy tín của doanh nghiệp.
+ Ngoài ra, quản trị bán hàng còn giúp doanh nghiệp nâng cao tính chủ động trong hoạt động kinh doanh trên cơ sở xây dựng và tổ chức các phương án bán hàng cho phù hợp với từng tình huống, từng thương vụ.
- Phạm vi chủ yếu của ngành/nghề Quản trị bán hàng bao gồm bán hàng, thanh toán, dịch vụ sau bán hàng và các hoạt động liên quan.
+ Các nội dung công việc chính gồm nghiên cứu thị trường, trưng bày sản phẩm, bán hàng, quản lý kho vận, chăm sóc khách hàng và hỗ trợ bán hàng, giám sát bán hàng.
+ Người làm trong lĩnh vực ngành, nghề này thường có cường độ làm việc cao, chịu áp lực về thời gian, phải linh hoạt để thích nghi với nhiều thay đổi và tìm ra giải pháp thích hợp cho từng vấn đề nhằm đảm bảo sự hài lòng cho doanh nghiệp, khách hàng và đối tác.
Khối lượng kiến thức tối thiểu: 2.340 giờ (tương đương 88 tín chỉ).
Yêu cầu về kiến thức đối với ngành quản trị bán hàng trình độ cao đẳng?
Theo mục 1 Mục A Chương 1 Quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng các ngành, nghề thuộc lĩnh vực kinh doanh, quản lý và pháp luật do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành kèm theo Thông tư 20/2019/TT-BLĐTBXH, trong đó có đề cập người học ngành quản trị bán hàng trình độ cao đẳng cần đáp ứng các yêu cầu sau về kiến thức:
- Giải thích được các khái niệm cơ bản trong lĩnh vực quản trị, marketing, bán hàng và hành chính - nhân sự;
- Xác định được kiến thức cần thiết của nghề bán hàng như: tâm lý khách hàng, chính sách liên quan đến bán hàng, quy định liên quan đến đấu thầu, hành vi khách hàng, sản phẩm, thị trường tiêu thụ, kênh phân phối, văn hóa doanh nghiệp,..;
- Xác định được các phân khúc thị trường, khách hàng mục tiêu và thị trường mục tiêu của doanh nghiệp;
- Liệt kê được nguồn cung ứng sản phẩm và các phát sinh trong quá trình bán hàng;
- Xác định được các nguyên tắc cơ bản về quản lý kho vận và các loại rủi ro trong quản lý kho vận;
- Xác định được các phương pháp, quy trình trưng bày sản phẩm;
- Xác định được tầm quan trọng của quảng cáo, tiếp thị sản phẩm trong bán hàng;
- Trình bày được quy trình tổ chức một sự kiện, nắm được trình tự và nội dung công việc trong tổ chức sự kiện;
- Xác định được các nguyên tắc đạo đức trong kinh doanh bán hàng;
- Mô tả được quy trình bán hàng: bán lẻ, đại lý, siêu thị, trực tuyến;
- Xác định được quy trình kiểm kê sản phẩm và giám sát hoạt động bán hàng;
- Cập nhật được các chính sách thuế và khai báo thuế đối với sản phẩm;
- Xác định được nội dung cơ bản về đảm bảo an toàn lao động và phòng chống cháy nổ;
- Xác định được nội dung, quy định trong kế hoạch chăm sóc khách hàng và hỗ trợ bán hàng của doanh nghiệp;
- Xác định được các phương pháp quản trị bán hàng, phương pháp xây dựng quan hệ nội bộ;
- Xác định được các yếu tố cơ bản về pháp luật của Nhà nước, chú trọng đặc biệt về Luật Giao dịch điện tử, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Lao động và Luật Phòng cháy chữa cháy;
- Trình bày được nguyên tắc khai thác và sử dụng thông tin, quy định về bản quyền, sở hữu trí tuệ;
- Trình bày được những kiến thức cơ bản về chính trị, văn hóa, xã hội, pháp luật, quốc phòng an ninh, giáo dục thể chất theo quy định.
Tóm lại, ngành quản trị bán hàng trình độ cao đẳng là ngành, nghề hỗ trợ, điều phối bán hàng, là cầu nối giữa người bán và người mua giúp doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu bậc 5 trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam và các yêu cầu về kiến thức như quy định trên.