Những ngày qua, dư luận cả nước xôn xao trước thông tin thí sinh Bùi Kiều Nhi (sinh năm 1997, ở Quảng Bình) đạt 29 điểm nhưng không đủ điều kiện đỗ Đại học tại các trường Công an Nhân dân vì đã khai báo không trung thực trong phần khai xét lý lịch.
Trong công văn số 2240/CV-CAH ghi rõ, qua xác minh hồ sơ đương sự trong phần thí sinh dự thi tự khai, Công an huyện Tuyên Hoá trả lời như sau: Tra cứu hệ thống thông tin nghiệp vụ của Công an tỉnh Quảng Bình cũng như hồ sơ lưu trữ lại TAND huyện Tuyên Hoá cho thấy, ông Bùi Vĩnh Tường (SN 1965, đã mất năm 2013) là bố đẻ của chị Bùi Kiều Nhi, đã bị từng bị TAND huyện Tuyên Hoá xử phạt 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Chống người thi hành công vụ" (theo bản án số 02 HS-TA ngày 18/5/92).
Tuy nhiên, trong phần khai lý lịch của Bùi Kiều Nhi khai về bố lại không có án tích và đã cam đoan, chịu trách nhiệm về lời khai của mình trước pháp luật.
|
Em Bùi Kiều Nhi thất thần khi biết mình không được theo học tại các trường công an vì 23 năm trước bố mình "dính" án treo 9 tháng (Nguồn Internet)
Tuy nhiên, lý do mà ngành Công an đưa ra chưa thật sự thuyết phục. Cụ thể như sau:
- Một là, Mẹ em khẳng định “không biết bố em có án tù treo vào năm 1992”, đương nhiên em Nhi cũng không thể biết được điều này. Bởi vậy, không thể cho rằng em đã khai gian dối.
- Hai là, Theo quy định của Bộ luật Hình sự 1985 “người được xóa án coi như chưa can án”, như vậy, Bố em Nhi được coi như một công dân bình thường như bao người khác. Pháp luật đã coi bố em Nhi “trong sạch” thì không có lý do gì ngành công an buộc em Nhi phải coi bố mình không “trong sạch”.
- Ba là, Hiến pháp 2013 đã quy định rất rõ ràng để đảm bảo quyền con người, quyền công dân (trong trường hợp này là đảm bảo quyền lời của em Nhi), cụ thể như sau:
Điều 14.
1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Điều 16.
1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Từ những lý do nêu trên rất mong ngành Công an sớm xem xét nhận em Nhi vào trường Đại học của ngành, như thế sẽ đảm bảo tính hợp Hiến và phù hợp thực tiễn.