Luật hôn nhân gia đình 2014 không thừa nhận vấn đề ly thân, cũng không quy định ly thân trong thời gian bao lâu thì được phép ly hôn. Do đó cần phải hiểu đây chỉ là một thuật ngữ xã hội mà không phải là một thuật ngữ pháp lý.
Chính vì vậy, dù ly thân trong khoảng thời gian bao lâu thì xét về mặt pháp luật đó vẫn là quan hệ hôn nhân chính thức được pháp luật thừa nhận, mọi quyền và nghĩa vụ của các bên về vấn đề tài sản, con chung... vẫn phải tuân theo các quy định của Luật hôn nhân gia đình.
Ly thân không làm chấm dứt mối quan hệ pháp lý giữa vợ và chồng nên trong thời gian sống ly thân, các bên vẫn có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ đối với con chung và tài sản.
Căn cứ để ly hôn được quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình như sau: "Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”.
Trong nhiều trường hợp, vợ chồng trải qua thời gian ly thân lại trở về sống chung với nhau mà không phải ly hôn. Có thể nói, ly thân là giải pháp cần thiết để vợ chồng suy nghĩ cặn kẽ, nhìn lại khiếm khuyết của nhau trước khi quyết định ly hôn. Ly thân là một thực tế cần được nhà nước và xã hội thừa nhận. Nhiều đại biểu cho biết, ly thân sẽ giúp tránh được bạo lực gia đình, hạn chế gia đình tan vỡ và “biết đâu” sau khi ly thân, có thời gian suy nghĩ lại mà người ta lại trở về với nhau.