Nên làm gì khi xe ô tô đỗ chắn trước cửa nhà? Hành vi "vẽ bậy" lên xe ô tô bị phạt bao nhiêu?

Chủ đề   RSS   
  • #611192 04/05/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 533 lần


    Nên làm gì khi xe ô tô đỗ chắn trước cửa nhà? Hành vi "vẽ bậy" lên xe ô tô bị phạt bao nhiêu?

    Nhiều người thắc mắc hành vi “vẽ bậy” lên xe ô tô khi bị xe đỗ chắn trước nhà có bị phạt không? Xe ô tô đỗ trước cửa nhà người dân có vi phạm luật giao thông đường bộ không?

    (1) "Vẽ bậy" lên xe ô tô do đỗ xe chắn trước nhà có thể bị phạt lên đến 50 triệu đồng

    Những sự việc “vẽ bậy” lên xe ô tô do ô tô đỗ xe chắn ngang trước cửa nhà, lối ra vào của các căn nhà mặt tiền cũng không phải là mới xuất hiện gần đây. 

    Các xe ô tô bị xịt sơn, ghi chữ “Đỗ ngu” hoặc bị cào xước sơn, đập phá được chụp lại rồi lan truyền trên mạng. Có nhiều luồng ý kiến trái chiều như chủ xe vô ý thức, đỗ xe chắn lối ra vào làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của người khác nên bị vậy là xứng đáng, có người cho rằng việc đỗ xe ở những nơi không có biển cấm đỗ xe là không sai với quy định của pháp luật, do đó dù cho xe có đỗ trước cửa nhà thì người dân cũng không được xịt sơn, vẽ bậy, phá hoại xe ô tô.

    Hành vi xịt sơn, vẽ bậy, đập phá xe ô tô của người khác có thể bị truy cứu hình sự theo tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại Điều 178 Bộ Luật Hình sự 2015.

    Theo đó, khoản 1 Điều 178 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định mức phạt đối với tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản như sau:

    Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

    - Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

    - Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

    - Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

    - Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

    - Tài sản là di vật, cổ vật.

    Căn cứ theo quy định trên, người có hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đến dưới 50 triệu thì bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

    Nếu hành vi gây thiệt hại dưới 2 triệu nhưng xe ô tô đó là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ thì người phạm tội cũng sẽ bị phạt tương tự.

    Ngoài ra, đối với tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản còn có khung hình phạt tăng nặng lên đến 20 năm tù và phạt tiền lên đến 100 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế thì hành vi tạt sơn, vẽ bậy lên xe ô tô sẽ không đến mức đặc biệt nghiêm trọng để truy cứu khung hình phạt tăng nặng này.

    Khi người dân bị xe ô tô đỗ chắn trước cửa nhà, chắn lối đi làm ảnh hưởng công việc kinh doanh nên bình tĩnh, quan sát trên xe ô tô có số điện thoại để liên hệ với chủ xe không, nếu có thì có thể liên hệ người này dời xe đỗ sang chỗ khác hoặc có thể báo cho công an phường trung gian giải quyết vì nếu để các bên tự hành xử, có thể dẫn đến mất an ninh trật tự của địa phương.

    Chủ nhà không nên có hành vi xịt sơn, phá hoại xe ô tô đỗ chắn cửa vì có thể chủ nhà sẽ bị cuốn vào vòng xoáy pháp lý.

    (2) Có chế tài với trường hợp đỗ xe làm ảnh hưởng công việc kinh doanh của người khác không?

    Luật Giao thông đường bộ 2008 có nhiều điều khoản quy định về dừng, đỗ xe trên đường bộ. 

    Cụ thể, khoản 3 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định:

    Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định như:

    - Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình.

    - Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó.

    - Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết;

    Ngoài ra, khoản 4 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng nêu rõ, người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:

    - Bên trái đường một chiều;

    - Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất;

    - Trên cầu, gầm cầu vượt;

    - Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;

    - Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;

    - Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau;

    - Nơi dừng của xe buýt;

    - Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức;

    - Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe;

    - Trong phạm vi an toàn của đường sắt;

    - Che khuất biển báo hiệu đường bộ.

    Trong khi đó, đối với người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường phố, Điều 19 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, lái xe phải tuân theo quy định tại Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định và phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. 

    Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét. 

    Bên cạnh đó, lái xe không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định.

    Như vậy, trong trường hợp tài xế đã đỗ xe đúng với những quy định nêu trên thì đương nhiên không bị xử phạt, kể cả khi đỗ xe chắn trước cửa nhà người khác. 

    Tuy nhiên, cánh tài xế cũng cần lưu ý, cân nhắc địa điểm trước khi đỗ xe để tránh ảnh hưởng công việc kinh doanh của người khác. Tài xế nên để lại số điện thoại liên hệ để liên hệ trong trường hợp xe của mình đỗ chắn lối làm ảnh hưởng người khác.

    Chủ nhà và tài xế nên nhường nhịn nhau một chút, “dĩ hòa vi quý” khi có tình huống đỗ xe chắn lối trước nhà để các bên đều thuận lợi thực hiện được việc mình cần làm mà không gây mất an ninh trật tự.

    Đối với việc xử phạt, khi tài xế dừng đỗ xe vi phạm những điều khoản kể trên, tùy trường hợp sẽ có mức phạt hành chính khác nhau, từ 400.000 đồng – 2.000.000 đồng.

     
    2493 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn motchutmoingay24 vì bài viết hữu ích
    admin (28/06/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #612376   05/06/2024

    hanhkv
    hanhkv

    Sơ sinh

    Vietnam
    Tham gia:05/06/2024
    Tổng số bài viết (1)
    Số điểm: 20
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 0 lần


    Nên làm gì khi xe ô tô đỗ chắn trước cửa nhà? Hành vi "vẽ bậy" lên xe ô tô bị phạt bao nhiêu?

    Người điều khiển ô tô, khi đỗ xe, tắt máy về số "N" và ra khỏi xe nhưng quên không kéo phanh tay, dẫn đến xe tự trôi gây va chạm với xe khác; thì xử lý thế nào?

     
    Báo quản trị |  
  • #612394   06/06/2024

    phucpham2205
    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 29242
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 626 lần
    SMod

    Chào anh, trường hợp của anh có thể tham khảo câu trả lời như sau:

    Căn cứ Khoản 3 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định khi dừng, đỗ xe trên đường bộ người lái xe chỉ được phép dừng, đỗ xe khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn, trong đó bao gồm cả việc đã kéo phanh tay.

    Đồng thời, tại Điều 584 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

    - Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ Luật Dân sự 2015 hay luật khác có liên quan quy định khác. 

    - Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. 

    - Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định.

    Từ dẫn chiếu quy định nêu trên, có thể thấy, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại không bao gồm yếu tố lỗi. Nghĩa là trong trường hợp này, chiếc xe tự di chuyển do lỗi của tài xế là quên kéo/chưa kéo hết phanh tay khi đỗ xe hay kể cả do lỗi kỹ thuật của xe thì vẫn phát sinh trách nhiệm bồi thường trong vụ việc. Theo đó, 02 bên va chạm trong trường hợp này có thể tự thỏa thuận về mức bồi thường đối với thiệt hại thực tế.

     
    Báo quản trị |