Nên hiểu thế nào về 'Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu'?

Chủ đề   RSS   
  • #573765 20/07/2021

    vankhanhnhu
    Top 200
    Female
    Lớp 7

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:10/11/2020
    Tổng số bài viết (445)
    Số điểm: 8732
    Cảm ơn: 8
    Được cảm ơn 536 lần


    Nên hiểu thế nào về 'Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu'?

    Nên hiểu như thế nào về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu?

    Nên hiểu như thế nào về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu? - Minh họa

    Hai từ “thiết yếu” bỗng dưng trở thành tâm điểm chú ý của xã hội kể từ khi các biện pháp tăng cường chống dịch Covid-19 được triển khai ở nhiều tỉnh thành. Từ người dân cho đến cơ quan chức năng, các đơn vị có thẩm quyền, mỗi bên đều có những cách hiểu khác nhau, có quan điểm khác nhau khi triển khai chính sách. Như vậy, phải hiểu "hàng hóa, dịch vụ thiết yếu" là như thế nào?

    Theo quan điểm của cá nhân tôi, vì nhu cầu của mỗi người, mỗi ngành nghề là khác nhau, tùy thuộc vào từng giai đoạn, từng địa phương nên chỉ có thể đưa ra cách hiểu chung sao cho tường tận, linh hoạt về khái niệm này, chứ không thể liệt kê chi tiết danh mục “nhu cầu thiết yếu”. Tiếp đó, để thống nhất trong cách hiểu, có lẽ chúng ta phải tham khảo quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến các loại hàng hóa, dịch vụ.

    Cụ thể, tại Luật Giá 2012 có một khái niệm như sau:

    “Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, bao gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh.”

    Có thể thấy rằng, theo cách định nghĩa trên thì những yếu tố quan trọng để xác định “Như thế nào là thiết yếu” phụ thuộc vào việc mặt hàng, dịch vụ đó có mang tính "không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh” và “đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người” hay không. Tạm chưa xét đến quốc phòng và an ninh, ta chỉ phân tích hai lĩnh vực là sản xuất và đời sống.

    Lấy một ví dụ: Đối với người ở những địa phương mà nông, lâm, ngư nghiệp là ngành nghề chính của cư dân nơi đó, ta có thể nói phân bón là một mặt hàng thiết yếu! Mặt khác, nếu bạn đang sinh sống ở TP. HCM và trong thời điểm này, bạn nói muốn ra đường mua phân bón chăm cây, chăm rau trên sân thượng thì chúng ta lại có cơ sở để nói rằng nhu cầu mua phân bón của bạn là không thiết yếu!

    Tương tự như vậy, xin bàn một chút về văn bản của Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa ban hành sau vụ “bánh mì không phải là lương thực”. Văn bản này chỉ nhắc đến thiết bị y tế trong danh mục "hàng hóa thiết yếu", còn băng vệ sinh thì không! Với cánh đàn ông, những vật dụng này đúng là không thiết yếu, nhưng với chị em phụ nữ thì khác!

    Mùa mưa bão đang đến, nói không xa, vừa mới hôm qua trên địa bàn nhiều quận ở TP. HCM xảy ra dông lốc mạnh, nếu trong trường hợp này nhà người dân bị tốc mái, hư hỏng,... liệu việc đi mua vật liệu về gia cố hay sửa chữa có được coi là thiết yếu hay không?

    Câu chuyện “sức khỏe của mèo có quan trọng bằng sức khỏe của người không?” tại tỉnh Long An vài ngày trước sẽ trở nên phức tạp hơn nếu nó xảy ra với một người dân sống bằng nghề chăn nuôi. Chẳng hạn gia đình anh X có một con trâu “là đầu cơ nghiệp”, con trâu của anh ta gặp vấn đề sức khỏe.

    Cơ sở thú y không thuộc quản lý của ngành Y tế mà là ngành Nông nghiệp, nên nếu văn bản chỉ đạo của địa phương không cho phép thú y hoạt động thì khả năng cao con trâu của anh X có thể chết vì bệnh chứ chưa nói đến mắc Covid hay không!

    Tất nhiên, chúng ta cũng cần căn cứ vào văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của từng tỉnh thành để biết được những nhu cầu nào được liệt vào hàng “không thiết yếu”, chẳng hạn như tại TP. HCM, Công văn 2279 liệt kê hàng loạt ngành nghề phải ngưng hoạt động, như vậy nếu chúng ta muốn sử dụng dịch vụ của những doanh nghiệp trong ngành này, dù với bạn nó là thiết yếu thì đáng buồn là chúng cũng đang bị ngưng hoạt động.

    Những ví dụ tôi vừa đưa ra nói lên một điều rằng: Để hiểu được như thế nào là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, cái khó là người có thẩm quyền xử phạt phải nắm được đặc điểm dân cư, nắm được nhu cầu chung của người dân ở từng khu vực. Muốn làm được như thế trong một thành phố lớn, một đô thị lớn đông đúc dân cư gần như là điều không thể, bởi đương nhiên số lượng người làm việc trong các cơ quan chức năng, các chốt kiểm soát dịch chỉ bằng 1 phần chục, có khi là một phần trăm số cư dân!

    Thiết nghĩ, đối với mỗi con người, có ba nhu cầu không thể thiếu là: Nhu cầu dinh dưỡng, Nhu cầu sức khỏe và Nhu cầu lao động. Sẽ chẳng có quy định nào hạn chế người dân thực hiện quyền phục vụ những nhu cầu này của mình bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới sự sống còn và phát triển của người dân trong tình hình khó khăn như hiện nay.

    Như vậy, khi nói về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, nên chăng chúng ta hãy căn cứ vào việc địa phương mình có mở cửa hoạt động buôn bán, kinh doanh, sản xuất mặt hàng hay dịch vụ mình cần không? Tiếp theo, mỗi người dân cần ý thức đưa những nhu cầu dinh dưỡng, sức khỏe, lao động lên hàng đầu, tạm thời chấp nhận hạn chế những nhu cầu khác vì mục tiêu chung của toàn xã hội!

    Làm được chuyện đó, cả người dân và cơ quan chức năng sẽ dễ dàng thống nhất 2 vấn đề: (1) Tôi có lý do chính đáng để cần hàng hóa, dịch vụ này và (2) Nhà nước không cấm sản xuất hàng hóa, không cấm hoạt động dịch vụ ấy!

    Cũng cần nói thêm, thẩm quyền đưa ra văn bản, căn cứ xác định "thế nào là thiết yếu" thuộc về UBND tỉnh và Ban chỉ đạo phòng chống dịch. Các tổ công tác tại các chốt chặn chỉ là người thực thi chỉ đạo chứ không có quyền quyết định theo ý kiến chủ quan! Nếu bạn cảm thấy không đồng tình khi bị xử phạt hành chính, bạn hoàn toàn có thể khởi kiện ra Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính!

     
    1562 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn vankhanhnhu vì bài viết hữu ích
    HAIDIA (26/07/2021) admin (21/07/2021)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận