Ném xác động vật xuống sông có thể bị truy cứu hình sự?

Chủ đề   RSS   
  • #613001 20/06/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 26668
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 550 lần
    SMod

    Ném xác động vật xuống sông có thể bị truy cứu hình sự?

    Xác động vật đã chết không tiêu hủy mà ném xuống sông thì bị xử phạt như thế nào? Có truy cứu trách nhiệm hình sự không? Khi tiêu hủy phải tuân thủ những nguyên tắc nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

    (1) Mức xử phạt cho hành vi ném xác động vật xuống sông

    Căn cứ Điểm a Khoản 6 Điều 5 Nghị định 90/2017/NĐ-CP có quy định người nào có hành vi vận chuyển hoặc vứt gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng ra môi trường thì bị xử phạt từ 05 đến 06 triệu đồng.

    Đồng thời, còn bị buộc phải tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật, xác động vật và sản phẩm của chúng đối với hành vi vi phạm.

    Theo đó, hành vi ném xác gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng ra môi trường sẽ bị phạt tiền 05 đến 06 triệu đồng. Tuy nhiên, mức phạt nêu trên là mức phạt đối với cá nhân, trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi.

    (2) Ném xác động vật xuống sông có thể bị truy cứu hình sự?

    Việc vứt xác động vật chết ra môi trường hay cụ thể hơn là xuống sông là hành vi tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan các mầm bệnh, gây ô nhiễm môi trường. 

    Theo đó, trường hợp có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động, thực vật được quy định tại Điều 241 Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2017 như sau:

    - Người nào thực hiện một trong các hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật gây thiệt hại về tài sản từ 100 đến dưới 500 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong những hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

    - Trường hợp gây thiệt hại về tài sản từ 500 đến dưới 01 tỷ đồng hoặc dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc cấp tỉnh thì bị phạt tù từ 02 đến 05 năm.

    - Trường hợp gây thiệt hại về tài sản 01 tỷ đồng trở lên hoặc dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. 

    Bên cạnh những mức xử phạt nêu trên, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    (3) Nguyên tắc tiêu hủy xác động vật như thế nào?

    Căn cứ Phụ lục 06 được ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT có quy định về nguyên tắc khi tiêu hủy xác của động vật mắc bệnh như sau:

    - Phải làm chết động vật bằng điện hoặc phương pháp khác (nếu có). 

    - Địa điểm tiêu hủy: Theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ưu tiên chọn địa điểm tiêu hủy tại khu vực chăn nuôi có động vật mắc bệnh hoặc địa điểm thích hợp khác gần khu vực có ổ dịch.

    Về biện pháp tiêu hủy: Có thể chọn áp dụng giữa chôn lấp và đốt.

    Về việc vận chuyển xác động vật, sản phẩm động vật đến địa điểm tiêu hủy:

    - Trường hợp tiêu hủy ở ngoài khu vực có ổ dịch, xác động vật, sản phẩm động vật phải được cho vào bao, buộc chặt miệng bao và tập trung bao chứa vào một chỗ để phun khử trùng trước khi vận chuyển.

    - Trường hợp động vật lớn không vừa bao chứa phải sử dụng tấm nilon hoặc vật liệu chống thấm khác để lót bên trong (đáy và xung quanh) thùng của phương tiện vận chuyển.

    - Phương tiện vận chuyển xác động vật, sản phẩm động vật phải có sàn kín để không làm rơi vãi các chất thải trên đường đi.

    - Phương tiện vận chuyển phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc theo hướng dẫn trước khi vận chuyển và sau khi bỏ bao chứa xuống địa điểm tiêu hủy hoặc dời khỏi khu vực tiêu hủy.

    Về quy cách hố chôn:

    - Địa điểm: Phải cách nhà dân, giếng nước, khu chuồng nuôi động vật tối thiểu 30m và có đủ diện tích. Nên chọn nơi chôn trong vườn (tốt nhất là vườn cây ăn quả hoặc lấy gỗ).

    - Kích cỡ: Phải đủ rộng phù hợp với khối lượng động vật, sản phẩm động vật và chất thải cần chôn. 

    Về các bước chôn lấp:

    Sau khi đào hố, rải một lớp vôi bột xuống đáy hố theo tỷ lệ khoảng 1kg vôi /m2, cho bao chứa xuống hố, phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi bột lên trên bề mặt, lấp đất và nện chặt. Yêu cầu khoảng cách từ bề mặt bao chứa đến mặt đất tối thiểu là 0,5m, lớp đất phủ bên trên bao chứa phải dày ít nhất là 1m và phải cao hơn mặt đất để tránh nước chảy vào bên trong gây sụt, lún hố chôn. Phun sát trùng khu vực chôn lấp để hoàn tất quá trình tiêu hủy.

    Về quản lý hố chôn:

    - Phải có biển cảnh báo người ra vào khu vực.

    - UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý, tổ chức kiểm tra định kỳ và xử lý kịp thời các sự cố sụt, lún, xói mòn, rò rỉ, bốc mùi của hố chôn.

    - Địa điểm chôn phải được đánh dấu trên bản đồ của xã, ghi chép và lưu giữ thông tin tại UBND cấp xã.

    Trường hợp thuê các tổ chức, cá nhân khác thực hiện tiêu hủy, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương tổ chức giám sát việc thực hiện, bảo đảm tuân thủ kỹ thuật theo các quy định nêu trên.

     
    157 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận