Quy định pháp luật về năng lực pháp luật dân sự và trách nhiệm dân sự của pháp nhân? Giải thế pháp nhận và xử lý hệ quả khi giải thể pháp nhân?
Năng lực pháp luật dân sự và trách nhiệm dân sự của pháp nhân?
Theo quy định tại Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015, pháp nhân là một tổ chức đáp ứng đầy đủ 04 điều kiện mà pháp luật quy định sau đây: (i) Được thành lập hợp pháp theo quy định pháp luật; (ii) Có cơ cấu tổ chức theo quy định chung tại Điều 83 Bộ luật Dân sự 2015; (iii) Có tài sản độc lập và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; (iv) Nhân danh chính mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Trong đó, năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân được quy định tại Điều 86 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
- Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng của pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan quy định khác.
- Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập; nếu pháp nhân phải đăng ký hoạt động thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm ghi vào sổ đăng ký.
- Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân chấm dứt kể từ thời điểm chấm dứt pháp nhân.
Về trách nhiệm dân sự của pháp nhân, Điều 87 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau:
- Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân.
Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự về nghĩa vụ do sáng lập viên hoặc đại diện của sáng lập viên xác lập, thực hiện để thành lập, đăng ký pháp nhân, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
- Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình; không chịu trách nhiệm thay cho người của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do người của pháp nhân xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.
- Người của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Giải thế pháp nhận và xử lý hệ quả khi giải thể pháp nhân?
Theo quy định tại Điều 93 Bộ luật Dân sự 2015 thì pháp nhân sẽ bị giải thể trong các trường hợp sau đây:
+) Theo quy định của điều lệ;
+) Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+) Hết thời hạn hoạt động được ghi trong điều lệ hoặc trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Trước khi giải thể, pháp nhân phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài sản theo quy định của pháp luật có liên quan.
Liên quan đến nội dung thanh toán tài sản của pháp nhân bị giải thể, Điều 94 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau:
- Tài sản của pháp nhân bị giải thể được thanh toán theo thứ tự sau đây:
+) Chi phí giải thể pháp nhân;
+) Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;
+) Nợ thuế và các khoản nợ khác.
- Sau khi đã thanh toán hết chi phí giải thể pháp nhân và các khoản nợ, phần còn lại thuộc về chủ sở hữu pháp nhân, các thành viên góp vốn, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Trường hợp quỹ xã hội, quỹ từ thiện đã thanh toán hết chi phí giải thể và các khoản nợ theo quy định trên, tài sản còn lại được chuyển giao cho quỹ khác có cùng mục đích hoạt động.
Trường hợp không có quỹ khác có cùng mục đích hoạt động nhận tài sản chuyển giao hoặc quỹ bị giải thể do hoạt động vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì tài sản của quỹ bị giải thể thuộc về Nhà nước.