Để nâng chất, luật sư phải có máu lửa với nghề, tự nâng cao trình độ, các cơ quan tố tụng cũng phải dỡ bỏ những rào cản không đáng với luật sư…
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM Trần Công Ly Tao bộc bạch: “Không thể chần chừ được nữa, đã đến lúc chính đội ngũ luật sư phải tự nhìn lại mình để tự nâng tầm mình lên!”.
Siết chặt đầu vào
Luật sư Ly Tao cho hay ở Đoàn Luật sư TP.HCM đã có trường hợp một sinh viên đang học ĐH luật năm thứ ba đã mang chứng chỉ lớp đào tạo luật sư đến để xin đi tập sự gia nhập đoàn. Lãnh đạo đoàn hết sức ngỡ ngàng nhưng vẫn phải yêu cầu: “Cứ chờ đến khi tốt nghiệp ĐH xong rồi… tính tiếp”.
Ông kiên quyết muốn luật sư có “chất” thì các nhà quản lý phải triển khai nhiều việc. Đầu tiên là siết chất lượng đầu vào. Phải quy định sinh viên học luật chính quy mới được học chứng chỉ hành nghề luật sư và muốn học lớp luật sư phải thi tuyển chọn lọc kỹ chứ không nên vừa thi vừa xét tuyển như đang làm. Hiện việc đào tạo luật sư còn coi trọng chuyện đủ số lượng, tức mỗi năm phải có đủ số người có chứng chỉ lớp luật sư như chỉ tiêu đặt ra.
Một luật sư có tiếng tại Đoàn Luật sư TP Hà Nội thì tâm sự: “Khi chứng kiến cảnh một một sư trẻ làm nghề sáu năm tư vấn cho khách hàng nhưng không biết phân biệt giữa tạm giam và tạm giữ, tôi thực sự thấy xấu hổ với nghề…”. Theo vị luật sư này, quan trọng hơn cả là từng cá nhân luật sư phải có ý thức tôn trọng nghề và đặc biệt phải có kiến thức chuyên sâu và liên tục cập nhật pháp luật để hành nghề. Những nhà quản lý luật sư phải sẵn sàng loại bỏ những người hành nghề để mưu sinh không có lý tưởng ngay từ khi xét tuyển đầu vào. Tự nâng tầm mình là một việc làm thiết thực nhất để nâng cao chất cho đội ngũ luật sư.
Luật sư đang bào chữa cho bị cáo tại một phiên tòa ở TAND TP.HCM. Ảnh: HTD
Có môi trường pháp lý tốt
Theo nhiều ý kiến, đầu tiên là phải có phiên tòa tranh tụng đúng nghĩa mà luật sư là một thành tố không thể thiếu. Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị xác định phải nâng cao và coi chất lượng tranh tụng tại tòa là khâu đột phá của cải cách tư pháp. Để có luật sư giỏi thì công tố viên phải chịu “cãi” cho ra vấn đề và tòa án phải tạo điều kiện làm việc ấy. Nhưng hiện nay phần lớn quá trình tranh tụng tại tòa kém chất lượng vì nhiều lý do.
Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh thẳng thắn: Luật Luật sư không cho người tập sự hành nghề luật sư tham gia tranh tụng tại tòa là một rào cản lớn, cần phải gỡ bỏ. Đây là một bức xúc mà nhiều luật sư từng nêu ra nhưng chưa gỡ được. Tranh tụng tại tòa là một nghệ thuật, phải rèn luyện, nếu không tốt thì luật sư không thể giỏi lên được. Luật sư phải được tranh tụng bình đẳng với VKS từ lúc khai mạc phiên tòa cho tới trước lúc nghị án.
Mới đây tại buổi tọa đàm nâng cao chất tranh tụng, Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) góp ý muốn luật sư có chất thì chúng ta phải tạo môi trường pháp lý công bằng cho họ. Để tham gia một vụ án hình sự thì thủ tục với một kiểm sát viên rất đơn giản, chỉ cần một quyết định phân công của lãnh đạo VKS. Trong khi đó, luật sư thì phải nộp đủ mọi loại giấy tờ như thẻ luật sư, giấy giới thiệu của văn phòng, giấy yêu cầu luật sư… rồi đi tới đi lui mới được cơ quan tố tụng cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Như vậy là quy định pháp luật đã chưa công bằng với luật sư.
Theo luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM), cách nhìn và hành xử của các cơ quan tố tụng cũng là những rào cản không đáng có khiến luật sư không thể nâng tầm. Chẳng hạn, Luật Tố tụng hình sự quy định luật sư được tham gia ngay từ giai đoạn điều tra nhưng thực tế không cơ quan tố tụng nào chịu thực hiện (trừ những vụ bắt buộc phải có luật sư). Nhiều vụ án năm lần bảy lượt luật sư cầm hồ sơ đến xin tiếp xúc với bị can nhưng cán bộ điều tra cứ khất lần... Rồi nhiều khi vụ án đã được lên lịch xử, luật sư cũng không biết do không được ai thông báo. Trước khi xử, luật sư phải năn nỉ thư ký tòa cho sao chụp từng tờ bút lục. Xử xong, luật sư lại phải chạy lên tòa năn nỉ xin bản án để nghiên cứu làm kháng cáo…
Bồi dưỡng để hội nhập
TS Nguyễn Văn Tiến (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) nhìn nhận nên có nhiều giải pháp tổng thể. Chẳng hạn với luật sư đang hành nghề thì Nhà nước nên chọn lọc đầu tư cho họ đi học nước ngoài, vừa cải thiện ngoại ngữ vừa biết luật quốc tế. Mời chuyên gia nước ngoài chuyên sâu trong từng lĩnh vực đào tạo cho những luật sư trẻ có tay nghề cao. Với những luật sư yếu về chuyên môn kiến thức thì Liên đoàn Luật sư phải tích cực bồi dưỡng nội bộ để họ tự ý thức về nghề, không có tâm lý vì mưu sinh mà thiếu “lửa nghề”.
Cũng theo ông Tiến, bản thân người giảng dạy đào tạo nghề luật sư phải có kiến thức giỏi, truyền được đạo đức nghề nghiệp ngay từ lúc học. Thậm chí các trường ĐH luật cũng có thể xây dựng những môn học chuyên đề để những sinh viên nào yêu thích nghề luật sư có thể tìm hiểu, tham gia. Ngoài ra, các chức danh lãnh đạo của Liên đoàn Luật sư phải hội đủ các tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, đạo đức, đặc biệt phải có bề dày kinh nghiệm trong hoạt động tư pháp…
Nhiều nội dung nâng chất trong năm 2012
Theo Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh, trong chương trình hành động năm 2012 của Liên đoàn có nhiều nội dung nhằm nâng “chất” luật sư. Cụ thể, Liên đoàn sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức pháp luật và kỹ năng tranh tụng cho luật sư mới vào nghề. Liên đoàn sẽ kết hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam bồi dưỡng chuyên sâu cho luật sư về lĩnh vực trọng tài thương mại, đầu tư xây dựng dự án. Liên đoàn cũng sẽ kết hợp với Bộ Tư pháp xây dựng chương trình luật sư hội nhập bồi dưỡng về tranh tụng quốc tế và nâng cao trình độ ngoại ngữ. Về hợp tác quốc tế năm 2012, Liên đoàn sẽ tiếp tục liên kết với tổ chức luật sư của Nhật Bản, Đức, Na Uy, Canada… để tập huấn học hỏi kinh nghiệm. Hiện Liên đoàn đang là thành viên chính thức của Hội Luật châu Á-Thái Bình Dương và đang tìm hiểu để tham gia tổ chức luật sư thế giới.
Chính phủ luôn tạo điều kiện
Giới luật sư phải luôn tự trau dồi năng lực, nâng cao tay nghề. Chính phủ cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để giới luật sư có “đất dụng võ”. Liên đoàn Luật sư cần lưu ý phối hợp với các cơ quan tư pháp có những chương trình cụ thể để đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ luật sư.
Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG phát biểu tại cuộc tọa đàm với giới luật sư cuối năm 2009 tại Hà Hội
Từng bước chuyển biến tích cực
Tôi cho rằng chất lượng luật sư tham gia tố tụng ngày càng tốt. Trong án hình sự có luật sư góp phần quan trọng làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án, rất nhiều vụ quan điểm bào chữa của luật sư được HĐXX ghi nhận để ra phán quyết cuối cùng. Có những luật sư tranh luận rất hay vì họ bỏ nhiều công sức, trí tuệ, thời gian để nghiên cứu vụ án. Có những phiên tòa càng xử càng sáng vì kiểm sát viên và luật sư cãi nhau nảy lửa, cuối cùng ra vấn đề.
Phát biểu của Thẩm phán VŨ PHI LONG, Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM, tại hội nghị tổng kết năm năm thi hành Luật Luật sư ở TP.HCM hồi tháng 9-2011
Luật sư Nguyễn Văn Nguyên - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội (theophapluattp.vn)
Luật sư: NGUYỄN VĂN NGUYÊN
CÔNG TY LUẬT HƯNG NGUYÊN - ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
http://dichvutuvanluat.com - http://dichvuluatsu247.com
Hotline: 0987.756.263/0947.347.268
ĐT: 04.8585 7869