Trí tuệ vốn là tài sản của công dân, vì vậy, bản thân các quan hệ của quyền tác giả, quyền liên quan quyết định nội dung pháp luật bảo hộ nó. Thực tế cho thấy, hiện nay, tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực với các hình thức và mức độ khác nhau, nhất là trong lĩnh vực âm nhạc, văn học, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng… Tình trạng này gây thiệt hại và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sáng tạo, môi trường đầu tư, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ đầu năm đến nay, Thanh tra Bộ phối hợp với C15 tiến hành thanh tra 21 doanh nghiệp, phát hiện các vụ vi phạm phần mềm bản quyền khá nghiêm trọng, như trong cuộc kiểm tra tại Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, đoàn thanh tra liên ngành đã kiểm tra 36 máy tính và phát hiện rất nhiều phần mềm không có bản quyền. Hay đợt kiểm tra tại Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế và Quản lý dự án Atelier Việt Nam, đoàn thanh tra liên ngành đã kiểm tra 42 máy tính và phát hiện số lượng lớn các phần mềm vi phạm mà theo tính toán của chủ sở hữu, số lượng phần mềm vi phạm của Công ty Atelier ước tính lên tới hơn 1 tỷ đồng… Thực tế cho thấy, nhiều vụ sai phạm bản quyền phần mềm được phát hiện, đã được xử lý, tuy nhiên vẫn chưa đạt nhiều kết quả như mong đợi trong cuộc chiến chống phần mềm bản quyền bất hợp pháp. Những vụ việc vi phạm bản quyền đó vẫn đang diễn ra hàng ngày, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sự phát triển của kinh tế- xã hội.
Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan theo Nghị định số 47/2009/NĐ-CP đã giúp lực lượng thanh tra xử lý các vụ việc vi phạm chính xác hơn, chặt chẽ hơn, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, trong công tác thực thi bảo vệ quyền, trong thực tiễn các cơ quan xử lý xâm phạm áp dụng quy định xử phạt vi phạm hành chính gặp một số vấn đề phát sinh về xác định giá trị hàng hóa xâm phạm tại thời điểm xảy ra hành vi xâm phạm. Đồng thời Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực; Nghị định số 119/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành… Do đó cần phải sửa đổi, bổ sung một số điều khoản cho tương thích với các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật trên nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khắc phục các tồn tại, bất cập; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức, trong và ngoài nước.
Điểm mới trong dự thảo Nghị định lần này là quy định cụ thể cách xác định giá trị hàng hóa xâm phạm để làm căn cứ xác định khung tiền phạt. Việc xác định giá trị hàng hóa xâm phạm để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt do người có thẩm quyền xác định theo các căn cứ quy định tại Điều 28 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22.9.2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ đã được sửa đổi, bổ sung. Giá trị hàng hóa xâm phạm phát hiện được và các tài liệu, căn cứ xác định giá trị hàng hóa xâm phạm phải được ghi rõ trong biên bản vi phạm hành chính và lưu giữ trong hồ sơ vụ việc. Như vậy, theo Nghị định 105/2006/NĐ-CP thì giá trị hàng hoá xâm phạm do cơ quan xử lý xâm phạm xác định tại thời điểm xảy ra hành vi xâm phạm dựa trên các căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau: giá niêm yết của hàng hoá xâm phạm; giá thực bán của hàng hoá xâm phạm; giá thành của hàng hoá xâm phạm (nếu chưa được xuất bán); giá thị trường của hàng hoá tương đương có cùng chỉ tiêu kỹ thuật, chất lượng... Dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể các mức xử phạt hành vi xâm phạm quyền phân phối dưới hình thức bán tác phẩm; hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm; hành vi xâm phạm quyền sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp cuộc biểu diễn; hành vi xâm phạm quyền phân phối đến công chúng bản gốc hoặc bản sao cuộc biểu diễn; hành vi xâm phạm quyền sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình; hành vi xâm phạm quyền phân phối đến công chúng chương trình phát sóng... Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 47/2009/NĐ-CP ngày 13.5.2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan đã tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý, thực thi về sở hữu trí tuệ hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan có hiệu quả, bảo đảm tính thống nhất với các quy định Luật Sở hữu trí tuệ và cụ thể hơn để có thể thực thi pháp luật có hiệu quả. Các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuận lợi hơn trong việc áp dụng khung hình phạt phù hợp với thẩm quyền. Các tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng yên tâm hơn trong hoạt động sáng tạo để có được các sản phẩm giá trị tư tưởng, văn học, nghệ thuật và khoa học phục vụ công chúng.
Quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn mới mẻ và khá phức tạp tại Việt Nam. Chế tài xử phạt để bảo đảm việc thực thi đúng quyền tác giả và quyền liên quan là quan trọng. Nhưng quan trọng hơn vẫn là việc nâng cao nhận thức, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho công chúng, các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cộng đồng quyền tác giả và quyền liên quan không chỉ có tác động tích cực về mặt tinh thần, kinh tế mà quan trọng hơn, giúp bạn bè quốc tế có cách nhìn nhận đúng về thực thi bản quyền tại Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Hy vọng, cùng với các văn bản luật như Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Xuất bản..., cũng như các điều ước quốc tế liên quan đến bảo hộ quyền tác giả mà Việt Nam đã tham gia, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan lần này sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý an toàn, khuyến khích và bảo hộ có hiệu quả các hoạt động sáng tạo cũng như thu hút sự đầu tư.