Năm 2024, các trường đại học còn xét tuyển học bạ nữa không?

Chủ đề   RSS   
  • #608179 16/01/2024

    nguyenhoaibao12061999
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:03/08/2022
    Tổng số bài viết (2261)
    Số điểm: 78451
    Cảm ơn: 100
    Được cảm ơn 2016 lần
    ContentAdministrators
    SMod

    Năm 2024, các trường đại học còn xét tuyển học bạ nữa không?

    Xét tuyển học bạ là một trong những hình thức tuyển sinh của các trường đại học để đảm bảo đủ chỉ tiêu số lượng sinh viên. Tuy nhiên, gần đây một số trường đã dần bỏ phương thức tuyển sinh này. Vậy năm 2024 còn xét tuyển học bạ nữa không?
     
     
    Phương thức xét tuyển học bạ là gì?
     
    Có thể hiểu xét tuyển học bạ là phương thức tuyển sinh đại học dựa trên tiêu chí kết quả học tập 3 năm ở cấp THPT của các thí sinh hoặc điểm trung bình ở lớp 12 theo tổ hợp môn để xét tuyển. Việc xét tuyển này giúp các thí sinh sẽ giảm bớt áp lực cho các nguyện vọng khó và là cứu cánh cho các thí sinh không đạt điểm cao tại kỳ thi THPT quốc gia.
     
    Bên cạnh xét tuyển học bạ, một hình thức xét tuyển luôn luôn có là xét tuyển đại học bằng điểm thi THPT quốc gia qua các tổ hợp môn. Hiện nay, nhiều trường còn xét tuyển kết hợp giữa điểm thi THPT và điểm đánh giá năng lực hay bài thi năng lực của nhà trường đề ra.
     
    Tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy định đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn (bao gồm điểm tổng kết các môn học cấp THPT, điểm thi các môn tốt nghiệp THPT và các kết quả đánh giá khác):
     
    - Tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo (có thể tính hệ số cho từng môn), trong đó có môn toán hoặc ngữ văn;
     
    - Một ngành, một chương trình đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn, trong đó có thể quy định điểm chênh lệch giữa các tổ hợp khi xác định điều kiện trúng tuyển;
     
    - Không sử dụng quá 4 tổ hợp xét tuyển cho một ngành, một chương trình đào tạo (trừ trường hợp các tổ hợp môn chỉ khác nhau ở môn ngoại ngữ).
     
    Tại sao phương thức xét tuyển học bạ lại giảm lại?
     
    Có nhiều vấn đề khiến nhiều trường đại học dừng tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển học bạ hoặc điều chỉnh phương thức này hoặc chuyển sang hình thức khác.
     
    Kết quả học tập tại đại học không đồng đều với thực lực trên học bạ ở cấp THPT là yếu tố khiến nhiều trường đã bỏ hẳn phương thức này.
     
    Thực trạng sinh viên được tuyển dựa trên học bạ không có kết quả học tập tương đồng so với thực tế. Được cho là nhiều trường cấp ba đã đã chấm điểm khá dễ dàng hoặc có sự gian dối trong học tập giúp học sinh đạt điểm xét tuyển học bạ, điều này dần khiến các trường đại học lựa chọn xét tuyển những sinh viên không đúng năng lực học tập.
     
    Do đó, các trường như Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã không tiếp tục áp dụng phương thức này từ năm 2024, còn đối với trường ĐH Kiến trúc TP.HCM năm 2022 họ đã bỏ phương thức xét tuyển học bạ thay thế bằng kỳ thi đánh giá năng lực của trường, đến năm 2023 thì áp dụng lại nhưng chỉ 15% đối với trường chuyên, năng khiếu. Đặc biệt các trường ĐH Sài Gòn hay các trường ĐH Y dược TP.HCM hay Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch từ lâu chỉ tuyển sinh dựa trên kết quả điểm thi THPT quốc gia.
     
    Năm 2024, các trường còn áp dụng phương thức xét tuyển học bạ?
     
    Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh đại học sẽ do các trường đại học tự quyết định và công bố cụ thể quy chế, điều kiện. Do đó, có trường sẽ áp dụng dựa theo tình hình thực tế hoặc quyết định không áp dụng.
     
    Theo đó, các cơ sở đào tạo phải công bố phương thức tuyển sinh của trường mình theo Điều 6 Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT theo quy định sau:
     
    - Cơ sở đào tạo quyết định một hoặc một số phương thức tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển), áp dụng chung cho cả cơ sở đào tạo hoặc áp dụng riêng cho một số chương trình, ngành, lĩnh vực và hình thức đào tạo. Một chương trình, ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số phương thức tuyển sinh.
     
    - Mỗi phương thức tuyển sinh phải quy định rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển và cách thức sử dụng kết hợp các tiêu chí để phân loại, xếp hạng và xác định điều kiện trúng tuyển đối với thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành đào tạo. Tiêu chí đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học chương trình, ngành đào tạo.
     
    - Đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn (bao gồm điểm tổng kết các môn học cấp THPT, điểm thi các môn tốt nghiệp THPT và các kết quả đánh giá khác):
     
    + Tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo (có thể tính hệ số cho từng môn), trong đó có môn toán hoặc ngữ văn;
     
    + Một ngành, một chương trình đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn, trong đó có thể quy định điểm chênh lệch giữa các tổ hợp khi xác định điều kiện trúng tuyển;
     
    + Không sử dụng quá 4 tổ hợp xét tuyển cho một ngành, một chương trình đào tạo (trừ trường hợp các tổ hợp môn chỉ khác nhau ở môn ngoại ngữ).
     
    - Đối với một ngành, chương trình đào tạo có chỉ tiêu riêng cho từng phương thức xét tuyển hoặc tổ hợp xét tuyển:
     
    + Việc phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển phải có căn cứ hợp lý; không gây mất công bằng cho các thí sinh chọn phương thức, tổ hợp xét tuyển khác nhau;
     
    + Việc thay đổi, bổ sung phương thức hoặc tổ hợp xét tuyển phải có căn cứ và lộ trình hợp lý; không làm tỉ lệ phân bổ chỉ tiêu của một phương thức, tổ hợp đã sử dụng trong năm trước giảm quá 30% (trong cơ cấu chỉ tiêu của ngành, chương trình đào tạo) trừ trường hợp việc thay đổi, bổ sung đó đã được công bố trước thời điểm mở đăng ký dự tuyển ít nhất 1 năm.
     
    - Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh; trong đó có dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hàng năm.
     
    Theo quy định trên, Bộ GD&ĐT không có quy định cấm xét tuyển bằng học bạ đối với học sinh mà sẽ do các trường đại học tự quy định hình thức xét tuyển. Do đó, nếu trường thiếu hụt chỉ tiêu hoặc vẫn dành một suất tuyển sinh cho các đối tượng bằng học bạ thì vẫn sẽ được áp dụng trong năm 2024. Các thí sinh khi quan tâm đến ngành học, nguyện vọng mà mình đăng ký thì cần theo dõi sát các thông báo của trường đại học đó.
     
    9079 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn nguyenhoaibao12061999 vì bài viết hữu ích
    admin (07/03/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận