Mũi vạy thì lái chịu đòn là gì? Con chưa thành niên gây thiệt hại thì ai có trách nhiệm bồi thường?

Chủ đề   RSS   
  • #614507 25/07/2024

    nguyenlinh2207

    Sơ sinh

    Vietnam
    Tham gia:07/03/2024
    Tổng số bài viết (7)
    Số điểm: 89
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 0 lần


    Mũi vạy thì lái chịu đòn là gì? Con chưa thành niên gây thiệt hại thì ai có trách nhiệm bồi thường?

    Câu tục ngữ "Mũi vạy thì lái chịu đòn" được hiểu như thế nào? Trường hợp con chưa thành niên gây ra thiệt hại thì ai phải có trách nhiệm bồi thường?

    Mũi vạy thì lái chịu đòn là gì? 

    "Mũi vạy thì lái chịu đòn" là một câu tục ngữ của Việt Nam nhấn mạnh vai trò quan trọng của người đứng đầu trong việc giải quyết khó khăn, đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm cuối cùng.

    Câu tục ngữ "Mũi vạy thì lái chịu đòn" hiểu theo nghĩa đen thì "mũi vạy" minh họa cho hình ảnh con tàu bị lệch khỏi hướng đi dự định. Còn "lái chịu đòn" nghĩa là người lái tàu phải có trách nhiệm điều khiển bánh lái để đưa con tàu trở lại đúng hướng.

    Nghĩa bóng của câu tục ngữ "mũi vạy thì lái chịu đòn" thường dùng để nói đến việc bố mẹ phải chịu trách nhiệm về những hành vi sai trái của con cái. Trong gia đình, bố mẹ đóng vai trò như người định hướng để giúp con cái trưởng thành và hoàn thiện bản thân. Khi con mắc lỗi thì bố mẹ phải giáo dục để con sửa sai, rút ra bài học và thậm chí phải chịu trách nhiệm bồi thường khi con gây ra thiệt hại.

    Hiện hành pháp luật có quy định rõ ràng về trách nhiệm bồi thường của bố mẹ trong trường hợp con chưa thành niên gây ra thiệt hại.

    Con chưa thành niên gây thiệt hại thì ai có trách nhiệm bồi thường?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015, con chưa thành niên là con chưa đủ mười tám tuổi.

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015, việc xác định ai chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp con chưa thành niên gây ra thiệt hại còn phụ thuộc vào độ tuổi của con và hoàn cảnh cụ thể của vụ việc, cụ thể như sau:

    - Trường hợp con chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 Bộ luật Dân sự 2015.

    - Trường hợp con từ đủ 15 đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải tự bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

    Con chưa thành niên có được tự tham gia giao dịch dân sự không?

    Căn cứ theo khoản 2, 3, 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015, việc con chưa thành niên có được tự tham gia giao dịch dân sự hay không còn tùy vào từng độ tuổi của con chưa thành niên và tính chất của giao dịch dân sự, cụ thể như sau:

    - Trường hợp con chưa đủ 6 tuổi:

    Giao dịch dân sự của con chưa đủ sáu tuổi sẽ do người đại diện theo pháp luật của con xác lập, thực hiện.

    - Trường hợp con từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi:

    Con từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, ngoại trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

    - Trường hợp con chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến 18 tuổi:

    Con từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, ngoại trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

    Mức phạt tù áp dụng đối người chưa thành niên phạm tội cao nhất bao nhiêu năm?

    Căn cứ theo Điều 101 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:

    Tù có thời hạn

    Mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định như sau:

    - Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;

    - Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.

    Như vậy, mức phạt tù áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội còn phải dựa vào độ tuổi, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.

    - Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội, mức phạt tù cao nhất:

    + Không quá 18 năm tù nếu phạm vào điều luật có quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình.

    + Không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật áp dụng quy định tù có thời hạn.

    - Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội, mức phạt tù cao nhất:

    + Không quá 12 năm tù nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt chung thân hoặc tử hình.

    + Không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật áp dụng quy định tù có thời hạn.

    Tóm lại, câu tục ngữ "Mũi vạy thì lái chịu đòn" là một lời nhắc nhở về trách nhiệm của bố mẹ trong việc giáo dục con cái. Khi con cái gây ra thiệt hại thì bố mẹ có thể phải chịu trách nhiệm từ hành vi của con. Do đó, bố mẹ cần yêu thương con đúng cách, có những biện pháp giáo dục phù hợp để con nhận thức được hành vi của mình và có trách nhiệm với những việc mình làm.

     
    242 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận