Chào bạn,
Xin trả lời bạn như sau:
1/ Về nguyên tắc, khi ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) thì người lao động và người sử dụng lao động đã thỏa thuận các nội dung chính của HĐLĐ nên thực tế sẽ khó xảy ra trường hợp HĐLĐ không ghi mức lương. Giả sử, công ty quên hoặc cố tình không ghi mức lương thì khi người lao động ký kết hợp đồng không đầy đu cũng phản ánh với người sử dụng lao động để ghi cho đầy đủ, chính xác, trắng đen rõ ràng.
2/ Mức lương ghi trong HĐLĐ là căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội, do vậy, khi thực hiện thủ tục bảo hiểm xã hội thì công ty vẫn phải ghi một mức lương cụ thể để trích đóng bảo hiểm xã hội. Và bạn lưu ý nếu công ty chi trả tiền lương tùy tiện, thấp hơn mức lương tối thiểu sẽ vi phạm khoản 4 Điều 10 Nghị định số 47/2010/NĐ-CP ngày 06/05/2010 của Chính phủ về xử phạt hành chính hành vi vi phạm pháp luật lao động.
3/ Tại đoạn 1 Điều 5 HĐLĐ mẫu ban hành kèm Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH ngày 2/9/2003 của Bộ Lao động, thương binh - Xã hội về hướng dẫn thi hành Nghị định số 44/2003/NĐ-CP về HĐLĐ thì "Những vấn đề về lao động không ghi trong hợp đồng lao động này thì áp dụng qui định của thỏa ước tập thể, trường hợp chưa có thỏa ước tập thể thì áp dụng quy định của pháp luật lao động".
Do vậy, nếu HĐLĐ không ghi mức lương, phụ cấp thì mức lương, phụ cấp sẽ áp dụng theo thỏa ước tập thể hoặc pháp luật lao động. Trong trường hợp này, có thể xảy ra trường hợp người lao động chịu thiệt thòi về mức lương nhưng vì ngay từ đầu, người lao động đã đồng ý ký kết HĐLĐ không ghi mức lương nên rất khó để bắt buộc người lao động trả mức lương khác, trừ trường hợp người lao động có căn cứ chứng minh được người sử dụng lao động có thỏa thuận mýưc lương khác.
Cách xử lý thực tế trường hợp này là người lao động căn cứ vào bảng lương hàng tháng, sổ bảo hiểm XH, mức trích đóng BHXH hàng tháng để xác định mức lương cơ bản và phụ cấp của mình.
Theo dõi và kiểm tra mức lương trên có phù hợp với quy định về mức lương tối thiểu của pháp luật lao động hay chưa để yêu cầu người sử dụng lao động sửa chữa, bổ sung, ký kết phụ lục HĐLĐ cho phù hợp quy định. Hành vi không ghi mức lương vào HĐLĐ không phải là hành vi vi phạm hành chính pháp luật lao động của người sử dụng lao động.
Qua đây cũng xin lưu ý với người lao động: Dù công ty bạn muốn làm việc, thuê bạn làm việc có tốt, có phù hợp với bạn đến đâu nhưng mọi chuyện cần thỏa thuận rõ ràng ngay từ đầu để tránh các tranh chấp rắc rối, phức tạp về sau.
Công việc thì khó tìm nhưng không phải không có nơi làm việc tốt, đảm bảo các quy định của pháp luậtt về lao động. Bất cứ vấn đề gì như lương, ngày nghỉ, giờ làm việc.... cần có cam kết cụ thể, rõ ràng thông qua bản ghi nhớ, bản cam kết, hợp đồng lao động, hợp đồng thử việc.
Người lao động Việt Nam hay có tâm lý cả nể, ngại ngùng, hay lo lắng mất việc đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động.