Làm việc trong điều kiện nào thì được hưởng bồi dưỡng độc hại? Mức hưởng năm 2024 là bao nhiêu? Ngoài bồi dưỡng độc hại thì người lao động còn được hưởng những chế độ nào? Hãy tìm hiểu qua bài viết sau.
(1) Làm việc trong điều kiện nào thì được hưởng bồi dưỡng độc hại?
Căn cứ theo Điều 3 Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH quy định người lao động sẽ được hưởng bồi dưỡng bằng hiện vật khi đáp ứng đủ 02 điều kiện như sau:
- Làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ban hành.
- Đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong những yếu tố như sau:
+ Có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại không bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế.
+ Tiếp xúc với ít nhất 01 yếu tố được xếp từ 4 điểm trở lên thuộc nhóm chỉ tiêu “Tiếp xúc các nguồn gây bệnh truyền nhiễm theo Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm” được quy định tại Mục A Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 29/2021/TT-BLĐTBXH.
Theo đó, khi làm công việc thuộc một trong những trường hợp như đã nêu trên thì người lao động sẽ được hưởng bồi dưỡng độc hại.
(2) Mức hưởng bồi dưỡng độc hại hiện nay là bao nhiêu?
Căn cứ Điều 4 Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH quy định về mức bồi dưỡng độc hại được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền theo các mức bồi dưỡng như sau:
- Mức 1: 13.000 đồng.
- Mức 2: 20.000 đồng.
- Mức 3: 26.000 đồng.
- Mức 4: 32.000 đồng.
Trường hợp là những người lao động thỏa mãn được những điều kiện như đã nêu tại mục (1) thì mức bồi dưỡng cụ thể sẽ theo từng nghề, công việc được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH và được áp dụng theo thời gian làm việc tương ứng, cụ thể:
- Làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc: Hưởng cả định suất bồi dưỡng.
- Làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc: Hưởng nửa định suất bồi dưỡng.
Trường hợp nếu người lao động làm thêm giờ thì định suất bồi dưỡng sẽ bằng hiện vật được tăng lên tương ứng với số giờ làm thêm theo nguyên tắc đã nêu trên.
https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/24/mau-phu-luc-1.doc Phụ lục I
(3) Quyền lợi của người lao động làm việc trong môi trường độc hại gồm những gì?
Ngoài chế độ bồi dưỡng độc hại như đã nêu trên thì người lao động làm việc trong môi trường độc hại hiện còn được hưởng những quyền lợi như sau:
Thời giờ làm việc: Căn cứ theo Khoản 3 Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và những quy định khác có liên quan.
Nghỉ hằng năm: Căn cứ theo Khoản 1 Điều 113 Bộ Luật Lao động 2019 có quy định chế độ nghỉ hằng năm của người lao động làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như sau:
- Người lao động chưa thành niên: 14 ngày làm việc.
- Người lao động: 16 ngày làm việc.
Tuổi nghỉ hưu: Khoản 3 Điều 169 Bộ Luật Lao động 2019 quy định người lao động trong trường hợp này có thể nghỉ hưu sớm hơn tuy nhiên không quá 05 tuổi so với thời điểm nghỉ hưu.
Chế độ ốm đau: Căn cứ Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định nghỉ hưởng chế độ ốm đau với người lao động làm việc trong môi trường độc hại như sau:
- Đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm (điều kiện bình thường là 30 ngày): 40 ngày.
- Đã đóng từ đủ 15 đến dưới 30 năm (điều kiện bình thường là 40 ngày): 50 ngày.
- Đã đóng từ đủ 30 năm trở lên (điều kiện bình thường là 60 ngày): 70 ngày.
Chế độ bệnh nghề nghiệp: Nội dung này được quy định tại Điều 44 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
- Bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ LĐ-TB&XH ban hành.
- Khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại.
- Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do mắc bệnh nghề nghiệp.
Cạnh đó, còn có một số quyền lợi riêng khác đối với từng đối tượng cụ thể.