Hậu quả pháp lý khi vợ chồng ly hôn đó là chấm dứt quan hệ hôn nhân, tuy nhiên, không làm chấm dứt quan hệ cha, mẹ, con. Do đó, sau ly hôn vẫn đặt ra quyền và nghĩa vụ của cha mẹ với con. Và cấp dưỡng được coi là một nghĩa vụ mà cha mẹ phải thực hiện với con sau ly hôn.
Khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ của cha mẹ đối với con sau ly hôn như sau:
Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
|
Theo quy định trên, cha, mẹ người mà không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Hiện nay, phương thức cấp dưỡng được quy định tại Điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, theo đó có năm phương thức cấp dưỡng bao gồm:
- Cấp dưỡng định kỳ hàng tháng;
- Cấp dưỡng hàng quý;
- Cấp dưỡng nửa năm;
- Cấp dưỡng hàng năm;
- Cấp dưỡng một lần.
Như vậy, cấp dưỡng một lần là một trong những phương thức mà hai bên vợ chồng có thể thỏa thuận lựa chọn để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau ly hôn. Phương thức này khắc phục được hiện tượng trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của người được người được cấp dưỡng. Nếu hai bên không thỏa thuận được về việc cấp dưỡng một lần thì Tòa án sẽ quyết định.
Về mức cấp dưỡng, hiện nay vấn đề này được quy định tại Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
Điều 116. Mức cấp dưỡng
1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
|
Theo đó, mức cấp dưỡng một lần sau ly hôn được xác định trên cơ sở tự nguyện, tôn trọng sự thỏa thuận của người cấp dưỡng và người được cấp dưỡng và người giám hộ của người được cấp dưỡng. Trường hợp hai bên vợ chồng không thỏa thuận được với nhau thì thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Khi quyết định mức cấp dưỡng nuôi con, Tòa án phải căn cứ vào hai yếu tố đó là:
- Thứ nhất: Việc cấp dưỡng phải đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng;
- Thứ hai: Việc cấp dưỡng phải căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng.
Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thế nào là “thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng” và “nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng” theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Trước đây, theo Điều 16 Nghị định 70/2001/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình 2000 (Nghị định 70) thì:
- Khả năng thực tế của người có nghĩa cấp dưỡng là người có thu nhập thường xuyên hoặc tuy không có thu nhập thường xuyên nhưng còn tài sản sau khi đã trừ đi chi phí thông thường cần thiết cho cuộc sống của người đó.
- Nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng được xác định căn cứ vào mức sinh hoạt trung bình tại địa phương nơi người được cấp dưỡng cư trú, bao gồm các chi phí thông thường cần thiết về ăn, ở, mặc, học, khám chữa bệnh và các chi phí thông thường cần thiết khác để bảo đảm cuộc ống của người được cấp dưỡng.
Hiện nay, hiệu lực của Nghị định 70 đã hết, xong vẫn áp dụng trên tinh thần điều luật trên thì thông thường Tòa án sẽ dựa trên các yếu tố sau để xác định mức cấp dưỡng một lần:
- Căn cứ vào mức thu nhập thường xuyên hoặc tài sản còn lại của cá nhân đó sau khi đã trừ đi chi phí thông thường cần thiết cho cuộc sống của họ.
- Nhu cầu thiết yếu của con cái dựa trên mức chi tiêu cần thiết của con theo mức sống trung bình của một cá nhân ở độ tuổi tương tự tại địa phương nơi con cư trú, bao gồm các chi phí cần thiết về ăn ở, mặc, đi lại, học hành, khám chữa bệnh và các chi phí cần thiết khác nhằm bảo đảm cuộc sống của con.