Chào bạn!
Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 250 BLHS, sửa đổi bổ sung năm 2009) quy định:
1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm .
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp ;
c) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị lớn;
d) Thu lợi bất chính lớn;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị rất lớn;
b) Thu lợi bất chính rất lớn.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị đặc biệt lớn;
b) Thu lợi bất chính đặc biệt lớn.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.
Do đó, nếu khi mua chiếc điện thoại bạn biết rõ đó là tài sản do cướp giật mà có thì bạn phạm tội này. Ngược lại nếu không biết rõ thì bạn không phạm tội.
Cơ quan điều tra có quyền tạm giữ bạn để xác minh làm rõ hành vi của bạn có dấu hiệu cấu thành tội phạm hay không. Nếu có đủ căn cứ khởi tố bạn thì bạn có thể bị tạm giam, nếu không có căn cứ thì không được quyền tạm giam bạn.
Việc bạn không có giấy phép kinh doanh thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 11 Nghị định số
06/2008/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số112/2010/NĐ-CP). Cụ thể:
Điều 11. Vi phạm quy định về Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi kinh doanh không đúng ngành nghề, mặt hàng, địa điểm kinh doanh ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.
3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động kinh doanh khi đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
4. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 3 Điều này trong trường hợp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện hoặc hàng hóa đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp buộc phải thu hồi, tạm ngừng lưu thông, lưu thông có điều kiện hoặc phải có giấy phép.
Trân trọng!
Hãy làm tất cả những gì trong phạm vi cho phép và khả năng có thể!