Chào bạn!
Dựa vào những thông tin mà bạn cung cấp, tôi có một số ý kiến đóng góp như sau:
Trước hết, bạn không nêu rõ việc chị chủ nhà bắt nợ người thuê cửa hàng của chị ấy do không trả được tiền thuê cửa hàng được thực hiện như thế nào, là do thỏa thuận giữa hai bên hay là do sử dụng vũ lực, dọa dẫm, uy hiếp tinh thần của bên vay.
Nếu như việc bắt nợ này hợp pháp, do sự thỏa thuận một cách thiện chí của hai bên, bên thuê đồng ý cho chị chủ nhà xử lý tài sản để thu hồi nợ thì bạn có thể làm hợp đồng mua bán số phụ tùng và đồ đạc sửa chữa ô tô như bình thường mà không vướng mắc gì về nguồn gốc tài sản. Do chị chủ nhà đã là chủ sở hữu hợp pháp của số tài sản trên theo quy định tại Điều 221 BLDS 2015 về căn cứ xác lập quyền sở hữu:
“Quyền sở hữu được xác lập đối với tài sản trong các trường hợp sau đây:
1. Do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, do hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ;
2. Được chuyển quyền sở hữu theo thoả thuận hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án , cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác;
3. Thu hoa lợi, lợi tức;
4. Tạo thành tài sản mới do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến;
5. Được thừa kế;
6. Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu; tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy; tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên; gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên;
7. Chiếm hữu, được lợi về tài sản theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
8. Trường hợp khác do luật quy định.”
Tuy nhiên, nếu như việc bắt nợ này không hợp pháp, thì bạn không nên mua do hành vi của chị chủ nhà là vi phạm pháp luật và tùy hành vi mà chị chủ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, số phụ tùng và đồ đạc sửa chữa ô tô đó cũng không phải thuộc quyền sở hữu của chị chủ nhà do chị đã chiếm đoạt một cách bất hợp pháp.
Cụ thể, nếu chị dùng vũ lực để đe dọa (nhưng không sử dụng) như dọa đánh hoặc uy hiếp tinh thần của bên vay, nói sẽ đốt xe, đập điện thoại… nhằm chiếm đoạt tài sản của bên vay thì vẫn phạm pháp. Đây là dấu hiệu của tội Cưỡng đoạt tài sản theo Điều 135 Bộ luật Hình sự 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009.
“Điều 135. Tội cưỡng đoạt tài sản
1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.”
Trong quá trình lấy tài sản, nếu hai bên xô xát, người nợ tiền không đồng ý cho chị chủ lấy xe. Lúc này, nếu chị chủ dùng vũ lực như đấm, đá… rồi lấy tài sản thì hành vi này có thể chuyển hóa thành tội Cướp tài sản theo Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009.
“Điều 133. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.”
Hiện tại, do các thông tin mà bạn cung cấp còn hạn chế, nên tôi chỉ có thể trả lời sơ bộ cho bạn như vậy. Để có được câu trả lời chính xác hơn bạn nên liên hệ trực tiếp với luật sư để cung cấp thêm những thông tin cụ thể, cũng như trao đổi để tìm ra phương án tốt nhất.
Chuyên viên tư vấn Nguyễn Hà Tường Vân
BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT DÂN SỰ | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM
M: (+84-4) 32.123.124; (+84-4) 32.899.888 - E: cle.vietkimlaw@gmail.com; luatvietkim@gmail.com - W: www.vietkimlaw.com
Ad: Trụ sở chính - Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN | VPGD - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.