Chào bạn!
Dựa vào những thông tin mà bạn cung cấp, tôi có một số ý kiến đóng góp như sau:
Trước hết, không có “Nghị định 45/2013/TT-CP” như trong lời bạn nói. Nghị định 45/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động-không liên quan đến vấn đề mà bạn đề cập. Theo tôi,Thông tư 45/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định là có vẻ liên quan đến vấn đề được đề cập tới. Tuy nhiên, theo thông tư này, tài sản cố định được nhận biết như sau:
“Điều 3. Tiêu chuẩn và nhận biết tài sản cố định:
1. Tư liệu lao động là những tài sản hữu hình có kết cấu độc lập, hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định mà nếu thiếu bất kỳ một bộ phận nào thì cả hệ thống không thể hoạt động được, nếu thoả mãn đồng thời cả ba tiêu chuẩn dưới đây thì được coi là tài sản cố định:
a) Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó;
b) Có thời gian sử dụng trên 1 năm trở lên;
c) Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng) trở lên….”
Do chưa có thời hạn sử dụng từ 1 năm trở lên nên tàu biển mà Công ty bạn mua từ Công ty A không phải là tài sản cố định của Công ty bạn và không thuộc đối tượng điều chỉnh của bộ luật này.
Thứ hai, theo quy định tại Điều 27 Nghị định 161/2013-NĐ-CP về đăng kí và mua, bán, đóng mới tàu biển:
“Điều 27. Nguyên tắc mua, bán, đóng mới tàu biển
1. Việc mua, bán, đóng mới tàu biển là hoạt động đầu tư đặc thù. Trình tự, thủ tục phê duyệt chủ trương; quyết định mua, bán, đóng mới tàu biển thực hiện theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.
2. Tàu biển được mua, bán, đóng mới phải đáp ứng điều kiện về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.”
Theo đó, việc mua bán tàu biển là hoạt động đầu tư đặc biệt nên bắt buộc phải thực hiện thủ tục đăng kí thay đổi chủ sở hữu tàu biển trước khi thực hiện hoạt động mua bán tiếp theo.
Công ty bạn mua tàu biển của Công ty A, ngay sau đó bán cho Công ty B. Nên theo ý kiến cá nhân của tôi, Khoản 1 Điều 27 không quy định rõ trường hợp của bạn. Tuy nhiên, logic chung là những sản phẩm buộc phải đăng ký khi sử dụng như xe máy, ôtô nếu chưa lưu thông thì không phải đăng ký, tàu biển cũng tương tự.
Bên bạn nên gửi công văn xin hướng dẫn cụ thể về căn cứ pháp lý cho yêu cầu của Cục Hàng hải để có hướng dẫn cụ thể.
Hiện tại, do các thông tin mà bạn cung cấp còn hạn chế, nên tôi chỉ có thể trả lời sơ bộ cho bạn như vậy. Để có được câu trả lời chính xác hơn bạn nên liên hệ trực tiếp với luật sư để cung cấp thêm những thông tin cụ thể, cũng như trao đổi để tìm ra phương án tốt nhất.
Chuyên viên tư vấn Nguyễn Hà Tường Vân
BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT DÂN SỰ | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM
M: (+84-4) 32.123.124; (+84-4) 32.899.888 - E: cle.vietkimlaw@gmail.com; luatvietkim@gmail.com - W: www.vietkimlaw.com
Ad: Trụ sở chính - Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN | VPGD - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.