Tội cố ý làm lộ bí mật công tác, chiếm đoạt, mua bán tài liệu bí mật nhà nước là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Hành vi cố ý này xâm phạm nghiêm trọng đến an ninh, an toàn bí mật Nhà nước được quy định trong luật bảo vệ bí mật Nhà nước. Bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về quy định như thế nào đucợ gọi là bí mật nhà nước, mua bán tài liệu bí mật nhà nước sẽ bị xử lý như thế nào?
Bí mật nhà nước là gì?
Căn cứ theo khoản 1, 2 Điều 2 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 quy định:
Bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Hình thức chứa bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác.
Bảo vệ bí mật nhà nước là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng lực lượng, phương tiện, biện pháp để phòng, chống xâm phạm bí mật nhà nước.
Mua bán tài liệu bí mật nhà nước là gì?
Theo đó, mua bán tài liệu bí mật Nhà nước, được hiểu là hành vi dùng tiền của để trao đổi, sao chép, chụp lại… tài liệu được xác định là bí mật Nhà nước (hoặc ngược lại).
Tội cố ý mua bán tài liệu bí mật nhà nước xử lý thế nào?
Theo Điều 337 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 125 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước như sau:
Thứ nhất, người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của BLHS 2015, thì bị phạt tù từ 02-07 năm.
Thứ hai, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05-10 năm:
- Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.
Thứ ba, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10-15 năm:
- Có tổ chức;
- Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Ngoài việc áp dụng xử phạt trên thì người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm.
Như vậy, đối với tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước thì mức phạt tù cao nhất lên đến 15 năm.
Ngoài ra, khi xác định hành vi cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, phải căn cứ vào các quy định của pháp luật về bí mật nhà nước như: Luật Bảo vệ bí mật nhà nước ngày 15/11/2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, Nghị định 26/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và đặc biệt là các quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về danh mục bí mật nhà nước của từng cơ quan là tài liệu không thể thiếu khi xác định hành vi phạm tội…
Vô ý làm lộ bí mật nhà nước có bị phạt tù không?
Theo Điều 338 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm s, o Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có quy định như sau:
– Người nào vô ý làm lộ bí mật nhà nước hoặc làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước; thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
+ Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật, tuyệt mật;
+ Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, chế độ chính trị; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm.
Như vậy, cá nhân dù là vô ý làm lộ bí mật vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt khá cao. Do đó, cá nhân nên chú ý cẩn thận thực hiện công tác bảo quản thông tin; tài liệu là bí mật nhà nước thuộc thầm quyền của mình.