Mua bán nợ và những điều cần biết

Chủ đề   RSS   
  • #591588 27/09/2022

    nguyenhoaibao12061999
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:03/08/2022
    Tổng số bài viết (2261)
    Số điểm: 78451
    Cảm ơn: 100
    Được cảm ơn 2003 lần
    ContentAdministrators
    SMod

    Mua bán nợ và những điều cần biết

    Gần đây nhiều công ty hoạt động mua bán nợ ngày càng nở rộ và có nhiều vấn đề phức tạp hơn, các công ty đòi nợ thuê lại trở thành chủ nợ với mức lãi suất vượt mức quy định làm khốn đốn người vay nợ.
     
    mua-ban-no-va-nhung-dieu-can-biet
     
    Mặc dù hoạt động mua bán nợ không bị pháp luật cấm, tuy nhiên như đã nói ở trên nhiều công ty đòi nợ thuê hiện nay cũng kinh doanh dịch vụ mua nợ. Vậy, khi mua bán nợ cần lưu ý những điều gì để tránh gặp rắc rối về sau mà vẫn giữ lại được số tiền đã bị quỵt.
     
    1. Mua bán nợ là gì?
     
    Hoạt động mua bán nợ là cụm từ có thể được hiểu như sự kết hợp giữa hợp đồng mua bán tài sản và dịch vụ đòi nợ. Để hiểu rõ hơn cần phân tích rõ những thành phần có trong định nghĩa này bao gồm:
     
    - Nợ là nghĩa vụ trả tài sản của bên nợ đối với chủ nợ được thể hiện trong hợp đồng hoặc phát sinh quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
     
    - Mua bán nợ là việc bên bán nợ chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền đòi nợ và các quyền khác liên quan đến khoản nợ cho bên mua nợ và bên mua nợ trả tiền cho bên bán nợ.
     
    - Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ là việc thực hiện liên tục một hoặc một số hoạt động liên quan đến việc mua bán nợ nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm: Mua nợ, bán nợ, môi giới mua bán nợ, tư vấn mua bán nợ và dịch vụ sàn giao dịch nợ.
     
    2. Nợ có được xem là tài sản?
     
    Việc một người cho vay nhưng người nợ không muốn trả tiền hoặc không thể trả mà người cho vay không muốn thực hiện thủ tục kiện tụng vì mất thời gian. Qua đó, để nhanh chóng lấy lại được số nợ họ sẽ bán hợp đồng vay nợ lại cho bên thứ ba ở đây là các công ty mua bán nợ.
     
    Căn cứ Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định tài sản bao gồm:
     
    - Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
     
    - Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
     
    Theo đó, hợp đồng mượn nợ cũng được xem là tài sản và việc bán lại hợp đồng vay nợ được xem như buôn bán tài sản thông thường. Xét về bản chất, việc mua bán nợ nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi của chủ nợ nhưng do cách thực hiện đòi nợ không đúng với quy định của pháp luật nên mới gây ra nhiều hệ lụy trong xã hội.
     
    3. Một số lưu ý khi lập hợp đồng mua bán nợ
     
    Để tránh phiền phức khi ký hợp đồng mua bán nợ cũng như để hợp đồng mua, bán nợ có giá trị pháp lý và đảm bảo các quyền và nghĩa vụ được thực thi, cần lưu ý các quy định về hợp đồng mua, bán nợ như sau:
     
    Thứ nhất, xét về quyền giao kết hợp đồng mua bán nợ
     
    Theo quy định tại khoản 2 Điều 450 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về mua bán quyền tài sản có đề cập đến quyền tài sản là quyền đòi nợ. Lúc này, nợ trở thành đối tượng của hợp đồng mà các bên có thể chuyển giao như đối với một loại tài sản đặc biệt. Ngoài ra, hợp đồng mua, bán nợ nhằm mục đích chuyển quyền sở hữu đối đồng thời cũng chuyển nghĩa vụ của bên bán nợ cho bên mua nợ.
     
    Đây là giao dịch hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền lợi của bên nợ. Do đó, các bên có thể giao hợp đồng mua, bán nợ mà không cần có sự đồng ý của bên nợ.
     
    Thứ hai, về mặt hình thức của hợp đồng mua bán nợ
     
    Căn cứ quy định mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì mua, bán nợ là thỏa thuận bằng văn bản về việc chuyển giao quyền đòi nợ đối với khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay, khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh. Theo đó bên bán nợ chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ cho bên mua nợ và nhận tiền thanh toán từ bên mua nợ. Hợp đồng mua, bán nợ phải được ký bởi người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của các bên mua, bán nợ.
     
    Vì vậy, theo quy định này, hợp đồng mua, bán nợ không bắt buộc các bên phải công chứng hoặc chứng thực. Tuy nhiên, nếu xét thấy cần thiết các bên có thể thỏa thuận với nhau về việc công chứng hoặc chứng thực Hợp đồng mua, bán nợ. Như vậy, hợp đồng mua, bán nợ phải bắt buộc được lập thành văn bản và không bắt buộc phải công chứng.
     
    4. Xử phạt vi phạm hoạt động mua bán nợ
     
    Theo Điều 50 Nghị định 88/2019/NĐ-CP cá nhân vi phạm quy định về mua, bán nợ của tổ chức tín dụng có thể bị xử phạt hành chính với các mức tiền phạt sau:
     
    Phạt 50 triệu đồng - 80 triệu đồng đối với hành vi không thành lập Hội đồng mua, bán nợ khi thực hiện mua, bán nợ.
     
    Phạt 80 triệu đồng - 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
     
    - Bán khoản nợ đã được sử dụng để bảo đảm nghĩa vụ dân sự khác, trừ trường hợp bên nhận bảo đảm đồng ý bằng văn bản về việc bán nợ.
     
    - Bên bán nợ mua lại các khoản nợ đã bán, trừ trường hợp quy định tại Điều 148đ Luật Các tổ chức tín dụng đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
     
    Lưu ý: Đối với tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì mức phạt gấp 02 lần.
     
    Ngoài ra, đình chỉ hoạt động mua, bán nợ trong thời hạn 03 tháng đến 06 tháng và buộc khôi phục nguyên trạng khoản nợ về trước thời điểm thực hiện hoạt động mua, bán nợ.

    Qua đó, cá nhân, tổ chức lập hợp đồng mua bán nợ cần lưu ý một số quy định tránh việc chuyển nợ đến công ty đòi nợ thuê sẽ dẫn đến việc vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến người vay nợ.
     
    13250 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn nguyenhoaibao12061999 vì bài viết hữu ích
    nagasevietnam (10/04/2023) ThanhLongLS (27/09/2022)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận