Giấy khám sức khỏe là một trong những giấy tờ được sử dụng phổ biến khi người lao động đi xin việc, học sinh, sinh viên nộp hồ sơ nhập học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Tuy nhiên, nó đã và đang bị lợi dụng để thực hiện những hành vi trái với pháp luật. Cụ thể là, nhiều đối tượng đã làm giá, mua bán trái phép giấy khám sức khỏe làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Vậy giấy khám sức khỏe giả là như thế nào và việc mua bán giấy khám sức khỏe giả bị xử lý ra sao?
Hiện trạng
Hiện nay những giấy tờ khám sức khỏe giả đã và đang được rao bán công khai, thậm chí được “ship” tận nơi hoặc rẻ hơn rất nhiều so với việc chúng ta phải trực tiếp vào bệnh viện để khám.
Bởi lẽ, việc khám sức khỏe thường mất rất nhiều thời gian, thủ tục phức tạp nên nhiều người thường tìm đến các đối tượng bán dịch vụ làm giả giấy tờ để được cấp giấy khám sức khỏe mà không cần phải vào bệnh viện để khám bệnh.
Lợi dụng điều đó các đối tượng xấu âm mưu làm giả giấy khám sức khỏe bằng cách mua những con dấu của các bệnh viện lớn và dấu xanh tên các bác sĩ với giá rẻ.
Chúng sẽ tự tìm hoặc thuê cộng tác viên để tìm người có nhu cầu mua và chia hoa hồng cho họ.
Sau đó, những đối tượng này sẽ điền các thông tin của người có nhu cầu mua giấy khám sức khỏe và kết quả khám bệnh. Cuối cùng là ký và đóng dấu giả của các bệnh viện hay cơ sở y tế.
Việc làm giả giấy khám sức khỏe làm ảnh hưởng đến sự minh bạch, bởi lẽ trong một số trường hợp cụ thể, chẳng hạn như thi sát hạch thì giấy khám sức khỏe là một trong những nội dung bắt buộc cần phải có.
Xét thấy tình trạng này ngày càng phổ biến và gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, theo đó pháp luật có những quy định chế tài các hành vi vi phạm này.
Giấy khám sức khỏe giả là gì?
Giấy khám sức khỏe là chứng nhận của cơ sở y tế về điều kiện sức khỏe hiện tại của người đăng ký khám sức khỏe. Nội dung của loại giấy này sẽ cung cấp các thông tin như cân nặng, thị lực, chiều cao, bệnh truyền nhiễm,…
Hiện nay, theo quy định tại Điều 4 Thông tư 14/2013/TT-BYT, có 03 loại hồ sơ khám sức khỏe.
Cũng theo đó, Thông tư 14/2013/TT-BYT hướng dẫn khám sức khỏe (áp dụng cho khám sức khỏe khi tuyển dụng, khám sức khỏe khi vào học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề và các đối tượng khác…) thủ tục khám sức khỏe được quy định như sau:
– Đối tượng khám sức khỏe đến cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khoẻ theo quy định, nộp Giấy khám sức khỏe theo mẫu tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 14/2013/TT-BYT; Cung cấp đầy đủ, chính xác, trung thực các thông tin cá nhân, tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử bệnh tật của bản thân và gia đình trong phần tiền sử của đối tượng khám sức khỏe…
– Cơ sở khám chữa bệnh đối chiếu ảnh trong giấy khám sức khỏe với người đến khám sức khỏe; Đóng dấu giáp lai vào ảnh sau khi đã thực hiện việc đối chiếu ảnh và hướng dẫn quy trình khám sức khỏe cho đối tượng khám sức khỏe sau đó khám sức khỏe theo quy trình;
– Kết luận và trả giấy khám sức khoẻ.
Tóm lại, đối với các trường hợp khám sức khỏe không đúng các trình tự, thủ tục nêu trên hoặc không đến khám sức khỏe thực tế mà mua giấy khám sức khỏe đều coi là giấy khám sức khỏe giả.
Xử lý hành vi mua bán giấy khám sức khỏe giả
Về xử phạt hành chính
Căn cứ theo khoản 1 Điều 46 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế:
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Cung cấp giấy khám sức khỏe khi không thực hiện việc khám đầy đủ các nội dung theo yêu cầu.
- Phân loại sức khỏe không đúng với tình trạng sức khỏe của người yêu cầu khám sức khỏe.
Như vậy, bán giấy khám sức khỏe giả có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Mức phạt tiền này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự
Bên cạnh đó tội mua bán giấy khám sức khỏe giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bởi khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định:
Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Mức phạt cao nhất đối với hành vi này lên tới 07 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.