Mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng bị xử phạt như thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #611142 03/05/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 26908
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 557 lần
    SMod

    Mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng bị xử phạt như thế nào?

    Gần đây, Cục ATTT cảnh báo cần hết sức cảnh giác để không “tiếp tay” cho tội phạm thông qua việc mua bán hay cho thuê tài khoản ngân hàng. Vậy trường hợp này bị xử phạt như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

    (1) Rủi ro khi cho thuê, mua bán tài khoản ngân hàng

    Theo Cục An toàn thông tin (Cục ATTT), những đối tượng thường sử dụng các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội về việc thuê, mua tài khoản ngân hàng để đăng tải thông tin hoặc tiếp cận những người lao động có thu nhập thấp, thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc là các sinh viên của các trường cao đẳng, đại học nhờ thuê mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền công với giá khoảng từ 500 đến 01 triệu đồng.

    Theo đó, sau khi mở tài khoản, nạn nhân sẽ phải bàn giao thông tin đăng nhập Internet Banking, SIM điện thoại đăng ký tài khoản, thẻ ngân hàng… cho đối tượng. Đối tượng sẽ sử dụng các tài khoản ngân hàng này vào các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

    (2) Mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng bị xử phạt như thế nào?

    Căn cứ theo Khoản 5 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP có quy định phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng đối với người thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Bên cạnh đó, tại Khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng đối với hành vi thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc phải nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

    Như vậy, các hành vi liên quan như cho thuê, mượn, mua, bán,… tài khoản ngân hàng mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền đến 100 triệu đồng. Đồng thời, buộc phải nộp lại vào ngân sách nhà nước số lợi bất chính có được từ những hành vi này.

    (3) Mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng bị xử lý hình sự như thế nào? 

    Trong một số trường hợp, người dân còn có thể bị điều tra, truy tố về hành vi liên quan đến các giao dịch vi phạm pháp luật ngay cả khi không tham gia trực tiếp vào hoạt động lừa đảo thì vẫn có thể bị coi là đồng phạm hoặc có thể coi hành vi đó là tiếp tay cho tội phạm.

    Tại Điều 291 Bộ Luật Hình sự 2015 có quy định người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20 đến dưới 50 triệu đồng, thì sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

    Trường hợp nếu thuộc một trong những trường hợp dưới đây thì bị phạt tiền từ 100 đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

    - Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 50 tài khoản đến dưới 200 tài khoản.

    - Có tổ chức.

    - Có tính chất chuyên nghiệp.

    - Thu lợi bất chính từ 50 đến dưới 200 triệu đồng.

    - Tái phạm nguy hiểm.

    Trường hợp nếu thuộc một trong những trường hợp dưới đây thì bị phạt tiền từ 200 đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 02 đến 07 năm, cụ thể:

    - Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên.

    - Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên.

    Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

    Như vậy, sẽ tùy thuộc vào mức độ vi phạm mà người phạm tội có thể bị xử lý hình sự. Khung hình phạt cao nhất cho trường hợp này là phạt tiền đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù đến 7 năm.

     
    10821 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn phucpham2205 vì bài viết hữu ích
    admin (27/06/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận