Mọi người tư vấn cho e bài tập này với ạ, e cảm ơn!
Nguyên đơn:Ông Lê Trọng Giảng sinh năm 1961, ủy quyền cho bà Lê Thị Đóa đại diện (văn bản ủy quyền ngày 22-02-2006).
Bị đơn: Ông Đặng Hồng Vân sinh năm 1948; bà Lê Thị Hằng sinh năm 1947, ủy quyền cho ông Vân đại diện (văn bản ủy quyền ngày 27-4-2006).
Tại đơn khởi kiện đề ngày 07-12-2005 và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn ông Lê Trọng Giảng và bà Lê Thị Đóa (đại diện theo ủy quyền) trình bày: Từ năm 2002 đến năm 2004 ông Giảng bán thức ăn nuôi tôm và thuốc thú y thủy sản cho vợ chồng ông Đặng Hồng Vân, bà Lê Thị Hằng, hai bên thỏa thuận (miệng) phương thức thanh toán là sau mỗi vụ thu hoạch tôm vợ chồng ông Vân, bà Hằng phải thanh toán từ 60% trở lên trên tổng số tiền còn nợ tại thời điểm thanh toán.
Năm đầu tiên ông Vân, bà Hằng thanh toán tiền đúng theo thỏa thuận. Sau đó họ không thanh toán theo thỏa thuận nên cuối năm 2004 ông Giảng chấm dứt việc cung cấp thức ăn nuôi tôm và thuốc thú y hải sản cho vợ chồng ông Vân. Ngày 02-8-2004 ông Giảng và ông Vân, bà Hằng đã chốt nợ xác định ông Vân, bà Hằng còn nợ ông là 1.484.231.000đồng. Ngày 14-10-2004, vợ chồng ông Giảng trả cho ông 400.000.000 đồng; hiện còn nợ ông 1.084.231 đồng. Nay yêu cầu ông Vân, bà Hằng phải thanh toán trả ông 1.235.991.000đồng (trong đó có 1.084.231.000 đồng tiền gốc + 151.760.000 đồng tiền lãi tính từ ngày 14-10-2004 đến ngày 07-4-2005)
Bị đơn là ông Đặng Hồng Vân, đồng thời ông Vân còn đại diện theo ủy quyền trình bày: Từ năm 2002 đến năm 2004 vợ chồng ông có mua thức ăn nuôi tôm và thuốc thú y thủy sản của ông Lê Trọng Giảng như ông Giảng trình bày. Ngày 02-8-2004, lợi dụng việc vợ chồng ông nuôi tôm thất bại đang bị khủng hoảng tinh thần, ông Giảng đã lập biên bản xác nhận công nợ và gây áp lực buộc vợ chồng ông phải ký xác nhận nợ số tiền nợ 1.484.231.000đồng. Ngày 13-10-2004 và ngày 14-10-2004 vợ chồng ông trả cho ông Giảng 400.000.000đồng, ông Giảng buộc vợ chồng ông ký xác nhận còn nợ số tiền là 1.084.231.000đồng. Nhưng trên thực tế thì vợ chồng chỉ nợ ông Giảng tổng cộng là 609.740.000đồng. Ngày 13 và 14-10-2004 đã trả 400 triệu đồng, nên hiện tại chỉ còn nợ 209.740.000đồng nên vợ chồng ông chỉ đồng ý trả số tiền cho ông Giảng là 209.740.000đồng.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 13/2006/DSST ngày 16-5-2006, Tòa án sơ thẩm quyết định:
Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
Buộc ông Đặng Hồng Vân và bà Lê Thị Hằng trả cho ông Lê Trọng Giảng 1.235.991.000 đồng làm hai lần cụ thể như sau:
+ Ngày 30-6-2006 ông Đặng Hồng Vân, bà Lê Thị Hằng trả cho ông Lê Trọng Giảng 617.996.000đồng.
+ Ngày 31-12-2006 ông Đặng Hồng Vân, bà Lê Thị Hằng trả cho ông Lê Trọng Giảng 617.995.000đồng.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí, quyền kháng cáo và nghĩa vụ phải chịu do chậm thi hành án.
Ngày 24-5-2006 ông Đặng Hồng Vân có đơn kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm.
Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 99/2006/DS.PT ngày 18-9-2006, Tòa án phúc thẩm quyết định:
Sửa một phần án sơ thẩm.
Ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự như sau:
1. Ông Đặng Hồng Vân, bà Lê Thị Hằng phải thanh toán cho ông Lê Trọng Giảng 1.084.231.000 đồng.
2. Phương thức thanh toán:
Khi Ngân hàng Ngoại thương phát mãi tài sản của ông Vân đang thế chấp tại Ngân hàng để thu hồi nợ, số tiền còn lại sau khi trừ nợ của Ngân hàng, ông Vân, bà Hằng phải trả hết cho ông Lê Trọng Giảng để thanh toán số nợ 1.084.231.000đồng. Nếu số tiền phát mãi tài sản không đủ để thanh toán số tiền 1.084.231.000đồng thì ông Vân, bà Hằng phải thanh toán số tiền còn thiếu trong thời hạn 2 năm kể từ ngày Ngân hàng Ngoại thương phát mãi tài sản.
Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.
Sau khi xét xử phúc thẩm, ông Lê Trọng Giảng có đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án dân sự phúc thẩm nêu trên.
YÊU CẦU ĐỐI VỚI NHÓM
1. Nhận xét về quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm. Nêu rõ các căn cứ pháp lý đối với từng nhận xét.
2. Nêu cách giải quyết của nhóm đối với tình huống nêu trên. Nêu rõ các căn cứ pháp lý đối với cách giải quyết của nhóm.
3. Đưa ra nhận xét, đánh giá về quy định của pháp luật hiện hành được áp dụng đối với tình huống nêu trên.