Chính phủ ban hành Nghị định 30/2016/NĐ-CP quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Dưới đây là một số phương thức thực hiện đầu tư từ những quỹ này.
1. Mua trái phiếu Chính phủ
Điều 6 Nghị định 30/2016/NĐ-CP thì trái phiếu Chính phủ được mua bao gồm các loại tín phiếu kho bạc, trái phiếu kho bạc, công trái xây dựng Tổ quốc do Bộ Tài chính phát hành tại thị trường trong nước và theo các hình thức sau:
- Mua trái phiếu từ Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước;
- Mua trái phiếu Chính phủ từ các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về giao dịch trái phiếu Chính phủ.
Mức mua trái phiếu do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định căn cứ vào phương án đầu tư quỹ đã được Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông qua.
Thời hạn đầu tư mua trái phiếu tùy thuộc vào thời hạn của từng loại trái phiếu Chính phủ cụ thể quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định 30/2016/NĐ-CP.
Việc thanh toán tiền gốc, lãi trái phiếu Chính phủ khi đến hạn thực hiện theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước.
Trường hợp cần thiết phải bán trái phiếu Chính phủ để thu hồi vốn trước hạn, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có văn bản nêu rõ lý do, trình Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét, quyết định.
2. Cho ngân sách nhà nước vay
Điều 7 Nghị định 30/2016/NĐ-CP thì mức cho vay do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định căn cứ vào nhu cầu vay của ngân sách nhà nước và phương án đầu tư quỹ đã được Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông qua.
Thời hạn cho vay được tính kể từ ngày cho vay đến ngày thu nợ; thời hạn cho vay cụ thể của từng Khoản vay do Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Tài chính thỏa thuận nhưng tối đa không quá 10 năm.
Mức lãi suất cho vay bằng mức lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ có cùng kỳ hạn tại thời Điểm gần nhất trong vòng 03 tháng trước thời Điểm cho vay. Trường hợp trong vòng 03 tháng trước thời Điểm cho vay không phát hành trái phiếu Chính phủ có cùng kỳ hạn, thì Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Tài chính thỏa thuận mức lãi suất cho vay trên cơ sở tham khảo mức lãi suất giao dịch trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn còn lại tương đương với kỳ hạn cho vay hoặc mức lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn gần với kỳ hạn cho vay tại thời Điểm gần nhất.
Thu hồi nợ vay:
- Tiền gốc được thanh toán một lần khi đến hạn hoặc thanh toán trước hạn một hoặc nhiều lần và phải thanh toán đầy đủ khi đến hạn;
- Tiền lãi được thanh toán hằng năm tính trên số dư nợ cho vay và mức lãi suất cho vay của từng hợp đồng. Thời Điểm cụ thể tính lãi và thanh toán tiền lãi của từng Khoản cho vay do Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Tài chính thỏa thuận nhưng phải ghi rõ trong hợp đồng cho vay.
Trường hợp đến hạn trả nợ gốc, Bộ Tài chính tập trung nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, xử lý thiếu hụt tạm thời của ngân sách nhà nước, cơ cấu lại Khoản nợ, danh Mục nợ chính phủ và các Mục đích khác nhằm bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, nếu Bộ Tài chính có văn bản đề nghị gia hạn thời gian trả nợ gốc hoặc vay lại Khoản nợ gốc, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện như sau:
- Trường hợp gia hạn nợ: Mỗi Khoản vay chỉ được gia hạn nợ một lần, thời hạn tối đa không quá 01 năm; lãi suất cho vay tiếp tục thực hiện theo mức lãi suất của hợp đồng khi đến hạn hoặc mức lãi suất do Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Tài chính thỏa thuận theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định 30/2016/NĐ-CP;
- Trường hợp cho vay lại: Bộ Tài chính chưa phải trả nợ gốc nhưng phải trả hết tiền lãi của hợp đồng đến hạn trả nợ, sau đó cùng Bảo hiểm xã hội Việt Nam lập lại hợp đồng cho vay theo quy định tại Khoản 6 Điều 7 Nghị định 30/2016/NĐ-CP; thời hạn cho vay ghi trong hợp đồng mới được tính từ ngày đến hạn trả nợ gốc của hợp đồng đến hạn. Căn cứ hợp đồng cho vay đến hạn và hợp đồng cho vay mới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hạch toán thu nợ gốc của Khoản vay đến hạn và cho vay theo hợp đồng mới, Bộ Tài chính hạch toán ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước;
- Thủ tục gia hạn nợ, cho vay lại theo quy định tại Khoản 5 Điều 7 Nghị định 30/2016/NĐ-CP phải được hoàn thành trước khi đến hạn trả nợ gốc chậm nhất là 05 ngày làm việc.
Việc cho ngân sách nhà nước vay được lập thành hợp đồng cho vay. Hợp đồng cho vay phải ghi rõ số tiền cho vay, thời hạn cho vay, lãi suất cho vay, thời Điểm tính lãi, thời Điểm thanh toán, phương thức thanh toán, quyền và trách nhiệm của các bên, thỏa thuận khác có liên quan đến việc cho vay.
3. Gửi tiền tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Điều 8 Nghị định 30/2016/NĐ-CP mức gửi tiền tại các ngân hàng thương mại do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định căn cứ vào phương án đầu tư quỹ đã được Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông qua.
Thời hạn gửi tiền được tính kể từ ngày gửi đến ngày thu hồi. Thời hạn cụ thể do Bảo hiểm xã hội Việt Nam lựa chọn căn cứ vào từng loại kỳ hạn gửi tiền của ngân hàng thương mại nhưng tối đa không quá 03 năm.
Mức lãi suất gửi tiền thực hiện theo lãi suất tiền gửi có kỳ hạn của ngân hàng thương mại nhưng phải đảm bảo không thấp hơn mức trung bình lãi suất tiền gửi cùng kỳ hạn tại thời Điểm gửi tiền của bốn chi nhánh trên địa bàn thành phố Hà Nội thuộc bốn ngân hàng thương mại: Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Việc lựa chọn bốn chi nhánh thuộc bốn ngân hàng thương mại tương ứng quy định tại Khoản này do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định.
Việc thanh toán tiền gốc, tiền lãi thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch tiền gửi có kỳ hạn tại tổ chức tín dụng.
Trường hợp đến hạn thanh toán tiền lãi hoặc tiền gốc, nếu ngân hàng thương mại thanh toán không kịp thời, thì ngoài việc phải thanh toán đủ số tiền lãi hoặc tiền gốc chậm thanh toán, còn phải thanh toán tiền lãi chậm thanh toán bằng 150% mức lãi suất gửi tiền tại thời Điểm thanh toán tính trên số tiền chậm thanh toán, thời gian chậm thanh toán.
Như vậy, trên đây là nội dung một số phương thức thực hiện đầu tư từ những quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được quy định theo Nghị định 30/2016/NĐ-CP.