Bản dự thảo lần 5 của Luật Tổ chức tòa án nhân dân đã chỉnh sửa một số đề xuất về phòng hòa giải đối thoại, nội quy và hoạt động thu âm, ghi hình tại phiên tòa, phiên họp
>> Bài được viết theo dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (Lần 5)https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/24/du-thao-lan-5-Luat-To-chuc-TAND-sua-doi.pdf
>> Xem cập nhật mới nhất tại Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)
(1) Đề xuất mới về phòng hòa giải đối thoại
Theo đề xuất tại Điều 138 dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi), phòng hòa giải đối thoại được quy định như sau:
- Phòng hòa giải đối thoại là không gian tổ chức việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo quy định của Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
- Phòng hòa giải, đối thoại được bố trí trang thiết bị để phục vụ cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
- Quy chuẩn trang thiết bị, cách thức bố trí Phòng hòa giải, đối thoại tại Tòa án do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định.
Với đề xuất này, việc bố trí các trang thiết bị và Phòng hòa giải, đối thoại tại Tòa án sẽ do Chánh án TAND Tối cao quy định.
Trước đây trong điểm c khoản 1 Điều 4 Thông tư 02/2020/TT-TANDTC có quy định các tòa án cấp huyện phải bố trí địa điểm, cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện khác để phục vụ cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án mình.
(2) Đề xuất về nội quy phiên tòa, phiên họp
Đề xuất về nội quy phiên tòa, phiên họp là một điều khoản được bổ sung mới hoàn toàn, chưa xuất hiện tại Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 hiện hành.
Theo đó, tại Điều 139 dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) đề xuất nội quy phiên tòa, phiên họp như sau:
- Nội quy phiên tòa là những quy tắc xử sự chung có hiệu lực bắt buộc áp dụng đối với những người có mặt tại phiên tòa, phiên họp do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành và bảo đảm thực hiện nhằm duy trì an ninh, trật tự và sự tôn nghiêm của Tòa án.
- Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có trách nhiệm duy trì trật tự tại phòng xử án theo nội quy phiên tòa, phiên họp.
- Chủ tọa phiên tòa có quyền ra lệnh cấm vào hoặc lệnh buộc rời khỏi phòng xử án đối với người có thể gây ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm và trật tự an ninh phòng xử án; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tạm giữ hành chính hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự đối với người gây rối trật tự phiên tòa theo quy định của pháp luật.
- Người vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị buộc rời khỏi phòng xử án, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết điều này.
Theo đề xuất trên, Chủ tọa phiên tòa có quyền ra lệnh cấm hoặc buộc người có thể gây ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm và trật tự an ninh rời khỏi phòng xử án, bên cạnh đó người vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp có thể xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Nội quy phiên tòa, phiên họp sẽ do Chánh án TAND Tối cao ban hành.
(3) Chỉnh lý các quy định liên quan đến hoạt động thu âm, ghi hình trong phiên tòa, phiên họp
Theo khoản 3 Điều 141 dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi), việc ghi âm, ghi hình ảnh trong phiên tòa, phiên họp được đề xuất như sau:
- Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử, Thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp khi có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp
- Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ và chủ tọa phiên tòa, phiên họp.
Như vậy, việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của HĐXX, Thẩm phán, người tiến hành tố tụng chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc của phiên tòa, phiên họp và chỉ được ghi âm, ghi hình khi có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp đó.
Bên cạnh đó, khi muốn ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng thì phải được sự đồng ý của cả bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng và chủ tọa phiên tòa, phiên họp.
Ngoài ra, người tham dự phiên tòa, phiên họp không được truyền phát trực tiếp, trực tuyến; không được đưa tin sai sự thật; không đưa tin làm ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan của Tòa án; vi phạm quyền con người của bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác trong vụ án.
>> Bài được viết theo dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (Lần 5)https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/24/du-thao-lan-5-Luat-To-chuc-TAND-sua-doi.pdf
>> Xem cập nhật mới nhất tại Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)