Một số dạng vi phạm thường gặp khi kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự

Chủ đề   RSS   
  • #563301 25/11/2020

    MinhPig
    Top 75
    Female
    Lớp 12

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:06/04/2018
    Tổng số bài viết (804)
    Số điểm: 20259
    Cảm ơn: 8
    Được cảm ơn 767 lần


    Một số dạng vi phạm thường gặp khi kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự

    10 thay đổi về chính sách luật pháp Thụy Điển sẽ có hiệu lực vào năm 2020

    Xác minh điều kiện thi hành án dân sự

    Trong công tác thi hành án dân sự thì xác minh điều kiện thi hành án là việc làm rất quan trọng của Chấp hành viên, nếu việc xác minh chính xác sẽ giúp việc ra các quyết định về thi hành án có căn cứ, đúng pháp luật, đảm bảo cho bản án, quyết định được thi hành đầy đủ, kịp thời và đúng pháp luật. Tuy nhiên, việc xác minh điều kiện thi hành án là việc làm rất phức tạp liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành luật khác nhau nên quá trình tổ chức xác minh điều kiện thi hành án không tránh khỏi thiếu sót, vi phạm ảnh hưởng đến tiến độ tổ chức thi hành án, ảnh hưởng đến quyền lợi của người được thi hành án, người phải thi hành án, người mua tài sản trúng đấu giá, ảnh hưởng đến việc thu hồi tài sản cho nhà nước...Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan duy nhất được giao nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành án dân sự nên để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát xác minh điều kiện thi hành án dân sự, Viện kiểm sát cần nghiên cứu các quy định của pháp luật, phát hiện được các dạng vi phạm phổ biến trong việc xác minh điều kiện thi hành án và rút ra được những bài học kinh nghiệm khi kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự.

    Muốn kiểm sát tốt việc xác minh điều kiện thi hành án thì bắt buộc Kiểm sát viên phải nắm chắc quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, thời hạn phải xác minh điều kiện thi hành án. Nội dung về xác minh điều kiện thi hành án dân sự được quy định tại các văn bản như sau:

    - Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 tại Điều 28 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính;

    - Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao tại Điều 10 quy định về Kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự;

    - Điều 44 Luật thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung) năm 2014;

    - Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015;

    - Điều 3 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC

    Thông qua hoạt động kiểm sát có thể phát hiện được một số dạng vi phạm thường gặp khi việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự như sau:

    Hết thời hạn tự nguyện nhưng Chấp hành viên không tiến hành xác minh

    Theo quy định của Luật THADS thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên phải tiến hành xác minh nhưng hết thời gian tự nguyện Chấp hành viên cũng không tổ chức tiến hành xác minh.

    Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án nhưng không xác minh theo định kỳ

    Theo quy định trong trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 06 tháng một lần, Chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án nhưng thực tế nhiều trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án nhưng quá 06 tháng, có trường hợp một vài năm Chấp hành viên không tiến hành xác minh. Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần.

    Không thông báo kết quả xác minh cho người được thi hành án

    Theo quy định sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan Thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh. Trong thực tế nhiều trường hợp cơ quan Thi hành án khi xác minh không có kết quả mà không thông báo cho người được thi hành án.

    Không tiến xác minh khi có thông tin về thi hành án

    Khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành xác minh. Qua kiểm sát phát hiện nhiều việc thi hành án khi có thông tin về thi hành án Chấp hành viên không tiến hành xác minh.

    Văn bản ủy quyền xác minh sơ sài

    Nhiều việc Chấp hành viên ủy quyền cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, cư trú, làm việc hoặc có trụ sở để xác minh điều kiện thi hành án nhưng văn bản uỷ quyền sơ sài, không nêu rõ những vấn đề cần xác minh nên kết quả xác minh không đầy đủ, thiếu khách quan. Khi xác minh bằng văn bản thì văn bản Chấp hành viên đề ra yêu cầu xác minh không nêu rõ nội dung xác minh và các thông tin cần thiết khác

    Không xác minh ở cơ quan chức năng đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu

    Chấp hành viên khi xác minh điều kiện thi hành án thì việc xác minh không cụ thể về tài sản, thu nhập, các điều kiện khác để thi hành án; đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm thì không xác minh tại cơ quan có chức năng đăng ký tài sản, giao dịch đó. Nhiều trường hợp tài sản thi hành án là vật đặc dụng nhưng Chấp hành viên không yêu cầu cơ quan chuyên môn hoặc mời, thuê chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh; Việc xác minh đối với tài sản thuộc diện phải đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản thì tùy từng trường hợp cụ thể mà Chấp hành viên căn cứ vào một trong các giấy tờ sau: Hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc tặng cho; Giấy chứng nhận về quyền sở hữu, sử dụng tài sản hoặc xác minh thông qua chủ sở hữu, chính quyền địa phương, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, cơ quan chức năng hoặc người làm chứng

    Biên bản xác minh ghi không đầy đủ

    Khi xác minh người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức Chấp hành viên không trực tiếp xem xét tài sản, sổ sách quản lý vốn, tài sản; xác minh tại cơ quan, tổ chức khác có liên quan đang quản lý, bảo quản, lưu giữ thông tin về tài sản, tài khoản của người phải thi hành án; Biên bản xác minh không có xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi tiến hành xác minh. Các vi phạm của Chấp hành viên trong xác minh điều kiện thi hành án thường thể hiện ở dạng xác minh không rõ hiện trạng tài sản của người phải thi hành án hoặc xác minh về tài sản chung, tài sản đang có tranh chấp không chi tiết, không rõ ràng làm cho quá trình tổ chức cưỡng chế kê biên tài sản gặp không ít khó khăn. Một số việc thi hành án, Chấp hành viên đã tiến hành các tác nghiệp cần thiết và đúng hướng nhằm tổ chức thi hành án kịp thời, đúng pháp luật song việc thông báo, xác minh về thi hành án thực hiện chưa đầy đủ khiến việc thi hành án bị kéo dài hoặc bị đương sự khiếu nại, tố cáo

    Xác minh điều kiện thi hành án

    Nhiều hồ sơ thi hành án thể hiện Chấp hành viên chưa thực hiệnviệc xác minh điều kiện thi hành án theo quy định, từ đó ra các Quyết định về thi hành án không đủ căn cứ

    Không tiến hành xác minh lại

    Nhiều trường hợp Chấp hành viên không xác minh lại khi kết quả xác minh của Chấp hành viên và người được thi hành án khác nhau hoặc có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân. Hoặc có tiến hành xác minh lại nhưng không đúng thời hạn (quá 05 ngày làm việc) kể từ ngày nhận được kết quả xác minh do đương sự cung cấp hoặc nhận được kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân

    Tiếp nhận thông tin không đầy đủ nhưng không phát hiện

    Nhiều thông tin do cơ quan, tổ chức, công chức tư pháp như hộ tịch, địa chính, xây dựng, cán bộ, công chức cấp xã khác và cá nhân có liên quan cung cấp nội dung không đầy đủ, thiếu trung thực nhưng Chấp hành viên không phát hiện để yêu cầu cung cấp bổ sung; Bảo hiểm xã hội, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án khi nhận được văn bản yêu cầu của Chấp hành viên, đối với thông tin về tài khoản thì không cung cấp kịp thời (thời hạn quy định trả lời là 03 ngày làm việc)

    Từ chối cung cấp thông tin nhưng không có văn bản trả lời cho cơ quan thi hành án dân sự

    Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án không cung cấp thông tin kịp thời khi người được thi hành án hoặc người đại diện theo ủy quyền của người được thi hành án có yêu cầu (thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu) trừ trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Nhiều trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối cung cấp nhưng không có văn bản trả lời và nêu rõ lý do cho cơ quan thi hành án dân sự.

    Không phát hiện việc người phải thi hành án kê khai thiếu trung thực

    Khi tiến hành xác minh người phải thi hành án không kê khai trung thực, không cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án; không nêu rõ loại, số lượng tiền, tài sản hoặc quyền tài sản; tiền mặt, tiền trong tài khoản, tiền đang cho vay, mượn; giá trị ước tính và tình trạng của từng loại tài sản; mức thu nhập định kỳ, không định kỳ, nơi trả thu nhập; địa chỉ, nơi cư trú của người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng; khả năng và điều kiện thực hiện nghĩa vụ thi hành án nhưng Chấp hành viên không phát hiện ra.

    Không đôn đốc khi có yêu cầu xác minh

    Chấp hành viên không đôn đốc khi có yêu cầu xác minh đối với việc xác minh tài sản là bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu, thời hạn xác minh và gửi kết quả xác minh cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy quyền là 30 ngày, kể từ ngày nhận được ủy quyền. Trường hợp việc xác minh tài sản khó khăn, phức tạp thì thời hạn xác minh và gửi kết quả xác minh có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được ủy quyền. Đối với việc xác minh các loại tài sản và thông tin khác, thời hạn xác minh và gửi kết quả xác minh cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy quyền là 15 ngày, kể từ ngày nhận được ủy quyền

    Không xác minh khi người được thi hành án chết

    Đối với trường hợp đình chỉ thi hành án do người được thi hành án chết mà không có người thừa kế thì phải xác minh qua chính quyền địa phương, cơ quan quản lý hộ khẩu, nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thi hành án. Kết quả xác minh thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương để người có quyền, nghĩa vụ liên quan biết và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo công khai hợp lệ mà không có người khiếu nại thì được coi là có căn cứ đình chỉ thi hành án.

    Phòng 11 - VKSND thành phố Hà Nội

    (vkshanoi.gov.vn)

    Theo CTTĐT Viện kiểm sát nhân dân tối cao

     

     
    2250 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn MinhPig vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (25/11/2020)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận