HOÀNG ĐÌNH DŨNG (TAQS khu vực Quân khu 4) - Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS 2015) có hiệu lực đã đánh dấu một sự thay đổi rất lớn về tư duy lập pháp và khắc phục được rất nhiều các hạn chế của BLTTHS 2003 sau hơn 10 năm thi hành. Tuy nhiên, quy định về giới hạn xét xử sơ thẩm vẫn còn một số điểm bất cập khi áp dụng trên thực tế.
Một trong những sự thay đổi “đột phá” trong BLTTHS 2015 đó là về giới hạn xét xử sơ thẩm. Quy định mới đã cho phép Hội đồng xét xử “linh hoạt” hơn và bảo đảm tính độc lập của Tòa án trong việc áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, quy định về giới hạn xét xử sơ thẩm vẫn còn một số điểm bất cập khi áp dụng trên thực tế.
1.Về mặt kỹ thuật lập pháp
Thứ nhất, về tên gọi của điều luật. Điều 298 với tên gọi là “giới hạn xét xử” theo tác giả là chưa phù hợp với nội dung điều chỉnh của điều luật vì: Hiện nay, pháp luật Việt Nam ghi nhận hai cấp xét xử là xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm. Đây là hai giai đoạn riêng biệt trong các giai đoạn của tố tụng hình sự và được quy định ở hai chương khác nhau của BLTTHS. Tuy nhiên, Điều 298 lại nằm ở chương XXI của BLTTHS quy định về xét xử sơ thẩm nên nếu nhà làm luật muốn dùng một điều luật để điều chỉnh giới hạn xét xử sơ thẩm và phúc thẩm thì đặt ở vị trí này là không hợp lý.
Mặt khác, nội dung của Điều 298 BLTTHS 2015 đang điều chỉnh về giới hạn xét xử sơ thẩm. Bởi vì, theo Điều 345 BLTTHS thì Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xét xử trong phạm vi kháng cáo, kháng nghị và chỉ trong một số trường hợp mới xem xét phần khác của bản án. Hơn nữa, tại khoản 3 Điều 298 quy định: “Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.” Quy định việc cho phép Tòa án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát (VKS) để truy tố lại chỉ có ở cấp xét xử sơ thẩm. Vì tại Điều 355 BLTTHS 2015 về thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm thì không quy định quyền này. Như vậy, có thể thấy, nội dung của Điều 298 chỉ điều chỉnh về giới hạn xét xử sơ thẩm mà nhà làm luật lại đặt tên điều luật là giới hạn xét xử là chưa phù hợp với nội dung điều chỉnh và vị trí của điều luật. Theo tác giả, nên đổi tên của Điều 298 là “giới hạn xét xử sơ thẩm”
Thứ hai, khoản 1 Điều 298 quy định: “Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.” Và khoản 2 Điều 298 quy định: “Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.”
Qua hai quy định có thể thấy sự chưa thống nhất trong quy định giữa hai khoản trong cùng một điều luật. Khoản 1 của điều luật quy định Tòa án xét xử những bị cáo và hành những hành vi theo tội danh mà VKS đã truy tố. Còn khoản 2 lại cho phép Tòa án xét xử về tội danh nhẹ hơn VKS truy tố là chưa thống nhất. Theo tác, Tòa án đóng vai trò là trọng tài chỉ xem xét những hành vi mà VKS đã truy tố. Trên cơ sở hồ sơ, chứng cứ, quá trình xét hỏi và tranh luận thì mới định tội danh cho hành vi đó. Như vậy mới đảm bảo được sự độc lập của Tòa án trong xét xử. Chính vì những lý do đó, tác giả kiến nghị sửa khoản 1 Điều 298 BLTTHS 2015 như sau: “Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.”
2.Đối với trường hợp vượt quá thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm
Tại khoản 2 Điều 298 BLTTHS 2015 quy định: “Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.”
Việc Tòa án cấp sơ thẩm được phép xét xử bị cáo nặng hơn về tội danh mà VKS đã truy tố có thể dẫn đến vượt quá thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm. Đó là trường hợp TAND cấp huyện hoặc TAQS cấp quân khu đang là Tòa án xét xử sơ thẩm đối với bị cáo bị cáo bị VKS truy tố về tội ít nghiêm trọng; nghiêm trọng; rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm xét thấy hành vi phạm tội của bị cáo thuộc vào khoản nặng hơn hoặc tội nặng hơn mà VKS đã truy tố và tội nặng đó lại thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện và Tòa án quân sự cấp khu vực theo quy định tại Điều 268 BLTTHS 2015.
Hơn nữa việc xét xử loại tội đặc biệt nghiêm trọng cũng dẫn đến sự thay đổi rất nhiều về thủ tục tố tụng như sự thay đổi về thành phần Hội đồng xét xử (Điều 254 BLTTHS 2015) và việc chỉ định người bào chữa. Trong trường hợp này, Tòa án cấp sơ thẩm phải chuyển vụ án theo quy định tại Điều 274 BLTTHS 2015. Tuy nhiên Điều 298 quy định về giới hạn xét xử lại chưa quy định cách giải quyết cụ thể đối với vấn đề này. Theo tác giả, nên bổ sung khoản 3 Điều 298 theo hướng như sau: “Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó; trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm xét thấy tội danh cần xét xử vượt quá thẩm quyền xét xử thì chuyển vụ án”
Tòa án nhân dân tp Kon Tum xét xử sơ thẩm vụ án hình sự – Ảnh: Đức Nhuận/ Báo KT
Theo Tạp chí tòa án