HOÀNG ĐÌNH DŨNG (Tòa án quân sự khu vực Quân khu 4) - Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Đây cũng là nội dung thể hiện sự khoan hồng của Nhà nước đối với người bị kết án phạt tù, nhằm bảo đảm tối đa quyền con người, quyền công dân nhưng đồng thời cũng giữ được sự nghiêm minh của pháp luật. Chính vì vậy mà quy định về điều kiện cho hưởng án treo cũng như việc thi hành án treo trên thực tế còn gặp phải nhiều vướng mắc.
1.Khái niệm về thi hành án treo
Theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 thì “Thi hành án treo là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này giám sát, giáo dục người bị kết án phạt tù được hưởng án treo trong thời gian thử thách.”
Như vậy, thi hành án treo là một nội dung thể hiện tính nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam được áp dụng cho người đã bị kết án phạt tù không quá 3 năm, không buộc họ phải chấp hành hình phạt tù khi có đầy đủ những căn cứ và điều kiện nhất định do pháp luật hình sự quy định, nhằm khuyến khích họ tự giác cải tạo để trở thành công dân có ích cho xã hội. Đây cũng là một hình thức giáo dục, cải tạo người đã có hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng Tòa án xét thấy không cần thiết phải bắt buộc họ chấp hành hình phạt tù.
2.Một số bất cập về thi hành án treo
Thứ nhất, đối với trường hợp bị cáo đang bị tạm giam nhưng sau khi xét xử bị Tòa án sơ thẩm tuyên phạt hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Đây là một trong những trường hợp mà theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS 2015) thì bản án sẽ được thi hành ngay mặc dù bản án có thể bị kháng cáo, kháng nghị. Điều 363 BLTTHS 2015 quy định: “Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà Tòa án cấp sơ thẩm quyết định đình chỉ vụ án, tuyên bị cáo không có tội, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt cho bị cáo, hình phạt không phải là hình phạt tù hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc khi thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời hạn đã tạm giam thì bản án hoặc quyết định của Tòa án được thi hành ngay, mặc dù vẫn có thể bị kháng cáo, kháng nghị.”
Quy định này, dẫn đến một số vướng mắc trong quá trình thi hành án như sau: Tại Điều 364 BLTTHS 2015 quy định: “1. Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm có thẩm quyền ra quyết định thi hành án hoặc ủy thác cho Chánh án Tòa án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án. 2. Thời hạn ra quyết định thi hành án là 07 ngày kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm.”. Như vậy, sau 7 ngày kể từ khi bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải ra quyết định thi hành án.
Tuy nhiên, đối với trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà bị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo thì bản án đã được thi hành ngay kể từ thời điểm tuyên án. Hơn nữa, theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 2019 thì: Quyết định thi hành án treo phải ghi rõ họ, tên, chức vụ người ra quyết định; bản án, quyết định được thi hành; tên cơ quan có nhiệm vụ thi hành; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người được hưởng án treo; mức hình phạt tù và thời gian thử thách của người được hưởng án treo; hình phạt bổ sung, trừ hình phạt bổ sung là hình phạt tiền; hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định tại khoản 5 Điều 65 của Bộ luật Hình sự; Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo. Và trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án treo, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải triệu tập người được hưởng án treo, người đại diện trong trường hợp người được hưởng án treo là người dưới 18 tuổi đến trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú, đơn vị quân đội nơi người đó làm việc để cam kết việc chấp hành án. Người được hưởng án treo, người đại diện của người được hưởng án treo phải có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Trường hợp người được hưởng án treo không có mặt theo giấy triệu tập hoặc không cam kết thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu lập biên bản vi phạm nghĩa vụ (Điều 84, trường hợp 85 Luật Thi hành án hình sự 2019). Như vậy, trong trường hợp này, có phải ra quyết định thi hành án nữa hay không? Ai là người ra quyết định án? Việc thi hành án có được thực hiện như quy định trên hay không? Trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập vì dù có quyết định thi hành án hay không thì nội dung này đã được thi hành ngay từ lúc tuyên án.
Bên cạnh đó, xét về mặt lý luận nêu trên tại thời điểm xét xử bị cáo vẫn đang bị áp dụng lệnh tạm giam. Sau khi tuyên án, Tòa án đã quyết định cho bị cáo được hưởng án treo tức là không còn lý do để tạm giam bị cáo. Theo tác giả, bản chất của trường hợp này là hủy bỏ biện pháp ngăn chặn tạm giam chứ không phải là việc thi hành án treo theo quy định tại Điều 363 BLTTHS vì tại khoản 1 Điều 125 BLTTHS 2015 quy định: “1. Mọi biện pháp ngăn chặn đang áp dụng phải được hủy bỏ khi thuộc một trong các trường hợp: a) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; b) Đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án; c) Đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can; d) Bị cáo được Tòa án tuyên không có tội, miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt, hình phạt tù nhưng được hưởng án treo hoặc hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ.”
Mặt khác, theo quy định tại Điều 363 BLTTHS 2015 thì trường hợp trên là trường hợp bản án được thi hành ngay mặc dù vẫn có thể có kháng cáo, kháng nghị. Giả sử sau khi tuyên án sơ thẩm, Viện kiểm sát nhận thấy có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và kháng nghị yêu cầu bản án sơ thẩm để xét xử lại. Hội đồng phúc thẩm áp dụng Điều 358 BLTTHS 2015 tuyên hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại ở cấp sơ thẩm. Và Tòa án cấp sơ thẩm xét xử vụ án trên với thành phần Hội đồng xét xử mới tuyên bị cáo hình phạt tù giam và bản án này có hiệu lực thi hành. Như vậy, vô hình trung bị cáo phải thi hành hai bản án của cùng một Tòa án trong cùng một vụ án vì bản chất bản án trước của Tòa án cấp sơ thẩm đã có hiệu lực thi hành ngay sau khi tuyên án theo quy định tại Điều 363 BLTTHS 2015.
Thứ hai, theo quy định của Điều 65 BLHS 2015 cũng như Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo thì: “Người được hưởng án treo có thể bị Tòa án buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo nếu đang trong thời gian thử thách mà cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự từ 02 lần trở lên.” Tuy nhiên, ở Luật Thi hành án hình sự có quy định một số nghĩa vụ rất khó xác định số lần vi phạm cũng như chưa có hướng dẫn cụ thể về trường hợp này. Ví dụ như trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 84 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về nghĩa vụ của người được hưởng án treo là chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Nhưng sau khi bị kết án người bị kết án không chấp hành hình phạt bổ sung hay không bồi thường thiệt hại thì xác định vi phạm 02 lần trở lên như thế nào là vấn đề chưa được hướng dẫn cụ thể cũng như rất khó áp dụng trên thực tế. Chính vì vậy, để áp dụng thống nhất pháp luật, cơ quan có thẩm quyền nên có văn bản hướng dẫn chi tiết vấn đề này./.
Theo Tạp chí tòa án