Một hoạt động tôn giáo hợp pháp được cấp phép như thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #562114 04/11/2020

    hiesutran159
    Top 100
    Male
    Lớp 9

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:12/10/2020
    Tổng số bài viết (692)
    Số điểm: 11623
    Cảm ơn: 29
    Được cảm ơn 759 lần


    Một hoạt động tôn giáo hợp pháp được cấp phép như thế nào?

    Hoạt động tôn giáo hợp pháp

    Cơ sở hoạt động tôn giáo hợp pháp? - Ảnh minh họa

    Hiện nay, không ít các cơ sở hoạt động tôn giáo bị biến tướng, gây bức xúc cho người dân. Để tránh nhầm lẫn, tránh bị lợi dụng bởi các cơ sở tôn giáo trá hình, sau đây là những thông tin cần biết để một cơ sở tôn giáo đi vào hoạt động đúng theo quy định của pháp luật.

    Thứ nhất, các hành vi bị nghiêm cấm khi hoạt động về tôn giáo

    Theo Điều 5 Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 (LTNTG), những hành vi sau đây bị nghiêm cấm:

    - Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.

    - Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.

    - Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.

    - Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo có các yếu tố:

    + Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;

    + Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

    + Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;

    + Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

    - Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.

    Thứ hai, về điều kiện cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo

    Theo Điều 18 LTNTG, Tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

    - Có giáo lý, giáo luật, lễ nghi;

    - Có tôn chỉ, mục đích, quy chế hoạt động không trái với quy định của pháp luật;

    - Tên của tổ chức không trùng với tên tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, tên tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc tên danh nhân, anh hùng dân tộc;

    - Người đại diện, người lãnh đạo tổ chức là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;

    - Có địa điểm hợp pháp để đặt trụ sở;

    - Nội dung hoạt động tôn giáo không thuộc trường hợp bị pháp luật cấm tại Điều 5 Luật này

    Thứ ba, hồ sơ và thẩm quyền cấp chứng nhận đăng ký hoạt động động tôn giáo

    Khoản 2 Điều 19 LTNTG quy định hồ sơ đăng ký bao gồm:

    - Văn bản đăng ký nêu rõ tên tổ chức; tên tôn giáo; tôn chỉ, mục đích; nội dung, địa bàn hoạt động; nguồn gốc hình thành, quá trình phát triển ở Việt Nam; họ và tên người đại diện tổ chức; số lượng người tin theo; cơ cấu tổ chức, địa điểm dự kiến đặt trụ sở;

    - Danh sách, sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp, bản tóm tắt quá trình hoạt động tôn giáo của người đại diện và những người dự kiến lãnh đạo tổ chức;

    - Bản tóm tắt giáo lý, giáo luật, lễ nghi;

    - Quy chế hoạt động của tổ chức;

    - Giấy tờ chứng minh có địa điểm hợp pháp để đặt trụ sở.

    Khoản 3 Điều 19 LTNTG quy định thẩm quyền chứng nhận hoạt động tôn giáo như sau:

    - Hoạt động tôn giáo đối với tổ chức có địa bàn hoạt động ở một tỉnh được cấp chứng nhận đăng ký sau 60 ngày từ khi nộp đủ hồ sơ đăng ký hoạt động tại Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

    - Hoạt động tôn giáo đối với tổ chức có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh được cấp chứng nhận đăng ký sau 60 ngày từ khi nộp đủ hồ sơ đăng ký hoạt động tại Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương.

    Thứ tư, xử phạt vi phạm liên quan tới hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo

    Hiện tại vẫn chưa có quy định xử phạt hành chính liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, tuy nhiên hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 331 Bộ luật hình sự 2015:

    “1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

    2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.”

    Ngoài ra, nếu người vi phạm lợi dùng lòng tin của người tham gia hoạt động tôn giáo để chiếm đoạt tài sản thì còn có thể phải chịu trách nhiệm về các tội như Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

    Cập nhật bởi hiesutran159 ngày 04/11/2020 03:02:05 CH
     
    2421 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn hiesutran159 vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (04/11/2020)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận