Một giọt máu đào hơn ao nước lã, người không cùng huyết thống thì không được hưởng di sản?

Chủ đề   RSS   
  • #610877 24/04/2024

    gryffin

    Chồi

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:07/03/2024
    Tổng số bài viết (92)
    Số điểm: 1498
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 35 lần


    Một giọt máu đào hơn ao nước lã, người không cùng huyết thống thì không được hưởng di sản?

    Nếu người Mỹ có câu "Blood is thicker than water" để tôn vinh giá trị tình thân ruột thịt thì Việt Nam ta cũng có câu "Một giọt máu đào hơn ao nước lã". Người thân ruột thịt luôn quan trọng cả. Vậy những người không cùng huyết thống thì có được hưởng di sản gia đình không?

    1. Một giọt máu đào hơn ao nước lã - bài học về tình thân gia đình

    Xung quanh ta có rất nhiều mối quan hệ, trong đó có những quan hệ vô cùng quan trọng và một số khác có phần ít quan trọng hơn. "Một giọt máu đào hơn ao nước lã" là câu tục ngữ của cha ông ta so sánh tầm quan trọng của tình cảm người thân so với người dưng nước lã, người ngoài.

    Máu là hình ảnh tượng trưng cho huyết thống, là dòng chảy nuôi sống cơ thể. Hình ảnh "giọt máu đào" tượng trưng cho những thành viên trong gia đình cùng chung một dòng máu. Còn "ao nước lã" tượng trưng cho những người không có cùng quan hệ huyết thống, người ngoài…

    Ở đây, “máu đào” dù chỉ một giọt nhưng cũng quý hơn cả một “ao nước lã”. Sở dĩ ông cha ta ví như vậy vì nước lã ở đâu cũng có, không có ao này thì có ao khác nhưng chung dòng máu, ruột thịt thì lại vô cùng quý giá, không thể trộn lẫn hay thay thế được.

    Câu tục ngữ "Một giọt máu đào hơn ao nước lã" của ông cha ta muốn nói lên tầm quan trọng của người thân, gia đình. Gia đình là nơi luôn che chở, bao bọc cho ta, là bến đỗ quay về những khi ta gặp khó khăn, trắc trở. Người thân trong gia đình sẽ luôn bên cạnh và giúp đỡ bạn, hy sinh, lo lắng cho bạn vô điều kiện.

    Không chỉ vì chảy chung một dòng máu mà mọi người trong gia đình gắn kết với nhau. Đó còn là vì sự gần gũi, tiếp xúc mỗi ngày, tiếp thu nền giáo dục, dạy dỗ giống nhau từ cha mẹ, ông bà...

    Người “chung dòng máu” khác với những người xa lạ, hay những "ao nước lã" mà chúng ta sẽ gặp vô số lần trong đời. Sẽ có những người tốt, những người xấu, nhưng không ai hy sinh vô điều kiện cho bạn cả. Đôi khi, những cám dỗ và lợi ích làm họ sẵn sàng đánh đổi tình cảm dành cho bạn.

    2. Người không cùng huyết thống thì không được hưởng di sản?

    Căn cứ Điều 612 Bộ luật dân sự 2015 quy định về di sản như sau:

    Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.

    Ngoài ra, căn cứ Điều 626 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền của người lập di chúc như sau:

    - Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.

    - Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.

    - Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.

    - Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

    - Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

    Xét các quy định trên, người lập di chúc hoàn toàn có thể lập di chúc và chỉ định người thừa kế. Người thừa kế là bất kì ai miễn là đủ các năng lực thừa kế theo quy định của pháp luật.

    3. Quy định về nội dung của di chúc 

    Căn cứ Điều 631 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

    - Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:

    + Ngày, tháng, năm lập di chúc;

    + Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

    + Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

    + Di sản để lại và nơi có di sản.

    - Ngoài các nội dung quy định trên, di chúc có thể có các nội dung khác.

    - Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

    - Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.

    Tổng kết lại, dẫu “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, người thân có thể quý hơn người ngoài, nhưng pháp luật thừa kế thì không phân biệt người ngoài hay người cùng huyết thống.

    Do đó, người không cùng huyết thống thì vẫn được hưởng di sản nếu được người lập di chúc chỉ định làm người thừa kế.

     
    1655 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận