Vừa qua, xuất hiện một hình thức lừa đảo với thủ đoạn cực kỳ tinh vi mà đối tượng nhắm vào là các nhà hàng. Cụ thể, mới đây, một nhà hàng đã bị một số đối tượng lừa đảo với số tiền lớn qua việc gọi điện đặt tiệc.
Theo đó, đối tượng lừa đảo báo với nhà hàng là muốn đặt phòng từ 20 - 25 người vào buổi tối, đồng thời yêu cầu nhà hàng chuẩn bị 20 chai rượu vang và mua giúp hàng chục hộp sâm để làm quà tặng.
Vì nhà hàng không có sẵn loại rượu vang và sâm mà khách yêu cầu nên đối tượng đã đề xuất chuyển tiền nhờ nhà hàng mua giúp.
Cụ thể, đối tượng nói có quen đơn vị cung cấp loại rượu trên và gửi số điện thoại Zalo "Cửa hàng xuất nhập khẩu…" để nhà hàng đặt mua. Nghĩ do ngày nghỉ lễ nên tiền khách chuyển vào tài khoản bị chậm, vì vậy, ngay trong chiều 1/5, nhà hàng đã 5 lần chuyển tiền vào tài khoản này.
Đối tượng lấy lý do kẹt mạng nên nhà hàng chưa nhận được tin nhắn chuyển tiền, trong khi đối tượng vẫn gửi cho nhà hàng những tin nhắn giả mạo là đã chuyển khoản.
Đến tối, sau khi khách đặt không tới nhà hàng, rượu và sâm cũng không đưa tới thì nhà hàng mới phát hiện bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền tổng số tiền là hơn 500 triệu đồng.
Đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị xử lý thế nào?
Truy cứu TNHS tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Theo đó, căn cứ Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm a, c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về mức phạt cho tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cụ thể:
Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2-50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
Mức phạt cao nhất của tội này có thể bị phạt tù chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác bị xử phạt hành chính như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Trộm cắp tài sản, xâm nhập vào khu vực nhà ở, kho bãi hoặc địa điểm khác thuộc quản lý của người khác nhằm mục đích trộm cắp, chiếm đoạt tài sản;
- Công nhiên chiếm đoạt tài sản;
- Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
- Không trả lại tài sản cho người khác do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản;
- Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Mức phạt cao nhất cho Hành vi này có thể đến 05 triệu đồng.
Ngoài ra, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung:
- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
- Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính.
Biện pháp khắc phục hậu quả đối với tội này là:
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm;
- Buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép;
- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.