Hôn nhân là kết quả của sự hòa hợp giữa hai con người trên hai phương diên: tình thần – tình yêu, thể xác – tình dục. Còn “tiền hôn nhân” là thời gian từ lúc một người bắt đầu dậy thì đến khi lập gia đình. Đối tượng tiền hôn nhân là vị thành niên - thanh niên và các cặp nam - nữ chuẩn bị kết hôn.
Nếu như ở các nước phương Tây việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là một điều vô cùng bình thường, thì ở Việt Nam việc này được cho là bất bình thường và hầu hết người dân không quan tâm đến vấn đề này.
Tuy nhiên, những năm trở lại đây, một số tỉnh thành trên cả nước đã và đang phát triển mô hình tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân. Điển hình như Bình Dương, Gia Lai… nhằm giúp cho các cặp vợ chồng có được sự chuẩn bị về tâm lý, kiến thức đúng cho đời sống vợ chồng hạnh phúc, bền vững, phát hiện, điều trị sớm những vấn đề ảnh hưởng đến mang thai, vô sinh…
Mô hình này thường được xây dựng với 05 hoạt động chính: xây dựng và củng cố mạng lưới cung cấp thông tin, tư vấn về dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình; Tập huần, bồi dưỡng kỹ thuật chuyên môn, kỹ năng cung cấp dịch vụ; Tổ chức tuyên truyền, vận động và giáo dục về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình; Tổ chức khám sức khỏe; Hoạt động quản lý và giám sát mô hình.
Như vậy, xét về mặt cộng đồng, mô hình khám sức khỏe tiền hôn nhân là một biện pháp để giải quyết bài toán dân số, nâng cao chất lượng dân số đầu đời. Xét về mặt pháp luật, việc triển khai phát triển mô hình này hoàn toàn phù hợp với Pháp lệnh dân số, Nghị định 104/2003/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh dân số; và Nghị quyết 47-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2005 của Bộ chính trị đã nhấn mạnh:” Nâng cao chất lượng dân số Việt Nam về thể chất, trí tuệ, tinh thần cơ cấu nhằm đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Vì vậy, cần phải phát triển mô hình tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ ở tỉnh, thành phố, mà nên mở rộng đến cả các huyện, xã. Đặc biệt là các xã miền núi.