Từ việc một học sinh của trường Gateway tử vong trên xe đưa đón của trường, nhiều người đã có thắc mắc như thế nào là “trường quốc tế”? và việc những trường gắn mác “quốc tế” nhưng không phải là trường quốc tế thì có vi phạm pháp luật không?
Khoản 1 Điều 48 Luật Giáo dục 2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật phí và lệ phí 2015, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 và Luật giáo dục sửa đổi năm 2009) quy định về các loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân như sau:
“Điều 48. Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân
1. Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình sau đây:
a) Trường công lập do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên;
b) Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động;
c) Trường tư thục do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước.”
Khoản 1 Điều 47 Luật giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 01/07/2020) quy định về các loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân như sau:
“Điều 47. Loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân
1. Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình sau đây:
a) Trường công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu;
b) Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở gồm tổ chức và cá nhân tại thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, xã, phường, thị trấn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện hoạt động.
Loại hình trường dân lập chỉ áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non;
c) Trường tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động.
Trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là trường mà nhà đầu tư cam kết và thực hiện cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, được ghi trong quyết định thành lập hoặc quyết định chuyển đổi loại hình trường; hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức; phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển nhà trường.”
Theo quy định của Luật giáo dục hiện hành và cả Luật giáo dục 2019 sắp có hiệu lực được trích dẫn trên thì chỉ có 3 loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm: trường công lập, trường dân lập và trường tư thục.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì hoàn toàn không có loại hình “trường quốc tế”. Từ đó, cũng không có căn cứ để xác định thế nào là trường quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế, các trường học có yếu tố nước ngoài như những trường có vốn đầu tư nước ngoài thường thêm từ “quốc tế” vào tên trường. Vậy, liệu các trường có vốn đầu tư nước ngoài này có được phép thêm từ “quốc tế” vào tên trường hay không?
Khoản 1 Điều 29 Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục quy định tên cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trường”, “Cấp học hoặc trình độ đào tạo” và tên riêng.
Theo quy định trên, trường có vốn đầu tư nước ngoài được quyền sử dụng từ “quốc tế” trong tên gọi với vai trò là một bộ phận của tên riêng. Tuy nhiên, nếu tên của trường có vốn đầu tư nước ngoài trong Quyết định thành lập do cơ quan có thẩm quyền cấp không có từ “quốc tế”, sau đó trường tự thêm vào là không đúng quy định.
Đồng thời, trường sẽ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự khi tự ý thêm từ “quốc tế” vào tên riêng nhằm quảng cáo thu hút sự quan tâm trong việc tuyển sinh. Cụ thể như sau:
Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 triệu đồng và buộc cải chính thông tin sai sự thật theo quy định tại điểm b, khoản 5 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP.
Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về Tội quảng cáo gian dối như sau:
“Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”