Ý kiến này khá hay các bạn Dân Luật nhỉ?
Sáng kiến làm quán cà phê pháp luật ở TP Cần Thơ đã giúp người dân từ thành thị đến miệt vườn đều dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu pháp luật và áp dụng vào cuộc sống.
Mới đây, chúng tôi theo chân các trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Chi nhánh số 3 (huyện Cờ Đỏ, TP Cần thơ) đến sinh hoạt pháp luật với người dân tại quán cà phê pháp luật Như Ý (xã Thới Đông). Khi qua UBND xã, hỏi một người dân, họ liền chỉ ngay đường đến quán và nói: “Họ tới sinh hoạt đầy nhóc hết rồi”.
Quán tọa lạc tại nơi giáp ranh của ba ấp, bên hông là dòng sông nhỏ, cạnh còn lại là con đường đất liên ấp nằm cặp bên đồng lúa. Hình ảnh dễ thấy nhất khi vào quán là một tủ kính với nhiều đầu sách pháp luật để khách uống cà phê tham khảo.
“Chồng ham nhậu, ly hôn được không?”
7 giờ 30 sáng, quán đã có khá đông người đến, mỗi người một ly cà phê hoặc trà đá đường bên cạnh câu chuyện đồng ruộng của mình.
Đúng giờ, nhân viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý lên giới thiệu về Luật Hôn nhân Gia đình 2014. Phần giới thiệu ngắn gọn với những quy định mới nhất liên quan đến người dân về độ tuổi kết hôn, trường hợp cấm, chế tài pháp luật về hành chính, hình sự liên quan…
Vui nhất là màn đố vui có thưởng, câu đố chính là những quy định về hôn nhân gia đình mà người dân vừa được nghe. Phần thưởng cũng rất giản dị, chỉ là cục xà bông tắm nhưng bà con rất vui.
Câu hỏi đầu là “bà con có biết tảo hôn là gì không? Ai biết giơ tay, trả lời trúng sẽ có thưởng”. Có tiếng ai đó ở dưới nói vọng lên: “Tảo hôn là… cưỡng hôn chớ gì”. Sau khi giải đáp, trợ giúp viên pháp lý hỏi tiếp: “Anh A 21 tuổi, độc thân, tuyên bố rằng anh ấy có thể kết hôn với bất kỳ người nào từ đủ 18 tuổi trở lên. Anh A nói đúng không, vì sao?”. Lại nhiều tiếng xôn xao bên dưới rằng anh A độc thân thì cưới ai chả được. Chỉ đến khi có người mạnh dạn giơ tay nói rằng anh A nói thế là sai vì nếu anh đòi kết hôn với người đang có chồng thì không đúng pháp luật. Lúc ấy, nhiều người lại cười ha ha vì quên mất cái chuyện anh A đòi kết hôn với… người đang có chồng!
Một câu hỏi khác được đưa ra: “Anh A ham chơi, hay nhậu nhẹt với bạn bè. Vợ anh là chị B nói nhiều lần không được nên giận chồng, ẵm con tám tháng tuổi về nhà cha mẹ. Anh A bực mình nộp đơn xin ly hôn vợ được không?”. Thế là các bà, các cô ở dưới lại bàn tán rằng “chồng mà không lo làm ăn, tối ngày nhậu thì cho ly hôn cho rồi”. Một chị xin trả lời rằng anh A không ly hôn được vì con anh chưa được 12 tháng tuổi. Những tràng cười ha ha lại rung lên làm xao động cả đám lúa non bên bờ ruộng trước quán…
“Không gảnh để đăng ký kết hôn”
Sau cùng, những ai có vấn đề gì cần được giúp đỡ liên quan đến pháp luật thì sẽ được trợ giúp viên pháp lý hướng dẫn. Bà Nguyễn Thị Sum (65 tuổi, ấp Thới Trung) kể bà có con gái năm nay 30 tuổi, xin đăng ký kết hôn với… chồng thứ hai. “Cách nay 15 năm, nó lấy chồng và có hai đứa con nhưng không bền lâu nên hai đứa đường ai nấy đi. Cách đây 10 năm, nó lấy người khác và có thêm đứa con nữa. Giờ vợ chồng nó muốn làm giấy kết hôn. Có người nói nó phải đi làm cái giấy gì không công nhận chồng trước thì mới làm giấy kết hôn với chồng sau được, mà thằng chồng trước đi đâu mất biệt, có biết nó ở đâu đâu…” - bà Sum nói.
Hỏi vì sao con bà để 10 năm rồi mới có ý định làm giấy kết hôn, bà Sum thật thà: “Nghèo nên lo làm không à, nó lại dốt không biết chữ, giờ nó học được nghề làm móng tay nên cuộc sống cũng đỡ”.
Anh Phạm Thanh Đệ (29 tuổi) cũng hỏi làm sao làm giấy kết hôn với người vợ thứ hai khi mà quyết định thuận tình ly hôn với người vợ đầu tòa không gửi cho anh. Hỏi anh ra tòa năm nào, anh bảo không nhớ! Hỏi anh sao mà tòa không gửi mà cũng không ra tòa lấy, anh Đệ hồn nhiên: “Đâu có gảnh (rảnh) đâu, lo đi mần không à. Có con với vợ sau mới thôi nôi à, giờ đăng ký kết hôn để làm khai sinh cho con”.
Một “ca” khác có vẻ khó, cần được xác minh lại, đó là gia đình ông Bùi Văn Khanh (gồm vợ chồng và sáu đứa con) đã sống ở Thới Đông 15 năm nhưng chưa có hộ khẩu. Ông nói các con ông vì không có một mảnh giấy lận lưng nên toàn đi mần mướn. Với những trường hợp này, trợ giúp viên phải tìm hiểu kỹ rồi mới hướng dẫn cặn kẽ cho bà con.
Gần trưa, mọi người giải tán. Các trợ giúp viên pháp lý cười: “Nhiều người tham dự, có người thắc mắc, vậy là chương trình đã thành công rồi”.
Đưa sách pháp luật đến gần dân
Bà Phan Quỳnh Dao, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ, cho biết theo quy định, mỗi cơ quan, đơn vị hành chính cấp xã đều có tủ sách pháp luật để thông tin đến người dân. Tuy nhiên, khi đặt tủ sách pháp luật tại các nơi này thì người dân ngại đến, trừ khi họ có việc thật cần thiết. Từ đó, nhiều người nghĩ rằng phải đưa tủ sách ra cộng đồng dân cư.
“Lúc ấy Sở đi khảo sát tại quận Thốt Nốt thì thấy ở cù lao Tân Lộc có một số quán cà phê có kệ sách pháp luật. Thời điểm đó, địa phương này “nóng” vấn đề kết hôn với người nước ngoài. Thấy mô hình này hay, Sở muốn nhân rộng nên đã xây dựng ba quán điểm tại xã Thới Đông (Cờ Đỏ) trang bị bảng hiệu, tủ sách pháp luật và các tờ gấp, sổ tay pháp luật. Lý do chọn vì đây là huyện, xã xa trung tâm TP nhất và đang xây dựng nông thôn mới. Khi xây dựng quán cà phê pháp luật, Sở cũng khuyến khích trợ giúp pháp lý và hòa giải cơ sở (trừ hòa giải kín) tổ chức ngay tại quán…” - bà Dao cho hay.
Vậy là từ ba quán cà phê pháp luật ban đầu do Sở xây dựng năm 2012, đến nay huyện Cờ Đỏ có 82 quán cà phê pháp luật (toàn TP Cần Thơ có 118 quán cà phê pháp luật như thế). Kinh phí hoạt động của các quán được lấy từ nguồn kinh phí hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật các cấp.
Bà Dao kể ban đầu vận động các chủ quán tham gia cũng khá khó khăn, nhiều quán từ chối vì họ ngại quản lý tài liệu sách, ngại phải thống kê số người đến mượn sách. Họ nói quản lý quán đã không xuể thì làm sao làm giúp mình được. Đoàn phải vận động năm lần mười lượt mới được. Thế nhưng từ năm 2012 đến nay chưa thấy quán nào nói trả lại dù họ không được hưởng phụ cấp gì. Theo bà Dao, Sở đang phấn đấu đến hết năm 2015 mô hình này sẽ phủ khắp chín quận, huyện của TP Cần Thơ, trong đó đặc biệt ưu tiên các vùng nông thôn và tầng lớp nhân dân lao động.
Sáng kiến quán cà phê pháp luật
Sở Tư pháp TP Cần Thơ vừa có báo cáo gửi Vụ Phổ biến, Giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) đánh giá năm năm thực hiện Quyết định 06/2010 của Thủ tướng về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật. Theo đó, sở này đã có sáng kiến đưa tủ sách pháp luật đặt tại các điểm quán cà phê nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho người dân tìm hiểu pháp luật. Mô hình này có tên là “Quán cà phê pháp luật”. Đây là hình thức được người dân ủng hộ, phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và mang lại hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, Cần Thơ còn có trợ giúp pháp lý lưu động và CLB pháp luật ở các khu phố. Với 191 CLB pháp luật, người dân sẽ trao đổi, nắm bắt kiến thức pháp luật để vận dụng vào cuộc sống một cách thiết thực. Công tác trợ giúp pháp lý lưu động giúp bà con giảm bớt việc đi lại. Sáu tháng đầu năm 2015, Cần Thơ đã tổ chức 38 lượt trợ giúp pháp lý lưu động, tư vấn 558 vụ việc với hơn 1.000 người dân đến tham dự.
Giảm khiếu kiện đông người, hòa giải đạt tỉ lệ cao
Trong các hình thức tuyên truyền pháp luật thì công tác tuyên truyền tại quán cà phê pháp luật mang lại hiệu quả cao nhất. Chỉ cần một ngày có hai người tới quán mượn sách luật đọc thì 82 quán đã có trên 150 người tìm hiểu về pháp luật/ngày, trong khi nếu tổ chức tuyên truyền thì chưa chắc đã gom được một lúc cả trăm người tới nghe.
Hiệu quả từ mô hình này thấy rõ là công tác hòa giải cơ sở được nâng lên, từ khoảng 65% trước đó nay đạt trên 80%. Tình hình khiếu kiện đông người cũng giảm đáng kể.
Ông NGUYỄN VĂN BÁ, Trưởng phòng Tư pháp huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ
|
Nguồn: Pháp Luật TP.HCM
Cập nhật bởi shin_butchi ngày 08/08/2015 08:44:30 SA