Điểm chung dễ nhận thấy là dọc theo các tuyến đường, giao lộ có vô số biển báo. Cái nhỏ, cái to, cái treo trên đầu, cái cắm bên phải, cái trên cao, cái dưới thấp… mà theo anh Nguyễn Tuấn Linh, một tài xế taxi có thâm niên hơn 20 năm trong nghề, là: “Nhìn hoa hết cả mắt!”.
Bảng cấm toàn chữ thế này sao đọc được khi xe đang lưu thông? - Ảnh: Quang Hiển |
Chúng tôi thử làm một cuộc phỏng vấn nhanh trong suốt một tuần đầu tháng 5.2011, với khoảng gần 100 tài xế ô tô (taxi, công ty, kinh doanh du lịch, tư nhân...), kết quả có gần 80% cho rằng biển báo trên các tuyến đường như “bẫy” người đi đường; 100% cho là biển báo quá nhỏ, đặt ở vị trí không thích hợp; 75% cho là không thể đọc được hết các bảng biển giao thông khi đang điều khiển xe trên đường…
Biển báo giao thông để hướng dẫn người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ tuân thủ luật lệ mà không đọc được thì quả là vô lý. Để kiểm chứng, ngày 6.5 chúng tôi lái ô tô đến đoạn dẫn vào đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Dù chạy chậm, nhưng chúng tôi vẫn không sao đọc hết được biển báo cấm các phương tiện vào đường cao tốc vì chữ chi chít. Hay đầu đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh, hướng ra Thanh Đa), bảng chỉ dẫn hướng đi của xe chở nhiên liệu bị mái hiên nhà dân che khuất, không thấy chữ. Tương tự, biển cấm xe ô tô trên đường Nguyễn Thông (hướng từ ga Sài Gòn ra Q.1) cũng bị nhà dân che mất. Hay hàng loạt biển báo ngay ngã ba Trường Sơn - Cách Mạng Tháng Tám (Q.Tân Bình) cũng bị cột điện che không thể đọc nổi khi đang lưu thông...
Bảng hướng dẫn hướng đi cho xe chở nguyên liệu bị che suốt một thời gian dài - Ảnh: Quang Hiển |
Lãng phí, rối loạn
Chỉ một đoạn đường chừng vài chục mét dưới chân cầu Sài Gòn, chúng tôi đếm có đến 13 biển báo: biển cấm xe đi ngược chiều, cấm trọng tải trên 25 tấn cả xe và hàng, đường dành riêng cho các loại xe, thời gian ưu tiên xe máy lưu thông vào làn đường ô tô... Chưa kể một số biển báo “ăn theo”, trong đó có các biển phòng, chống rải đinh... Các bảng biển đủ hình dáng, màu sắc, kích thước và của nhiều đơn vị cắm. Trong đó, không ít bảng trùng nhau và cái trước che khuất tầm nhìn cái sau. Để đọc hết biển báo, chúng tôi phải xuống xe, đi bộ đến gần khu vực cắm biển và mất 5 phút mới có thể lĩnh hội đầy đủ nội dung. Trong khi đó, phương tiện qua khu vực này luôn dập dìu và chỉ mất vài chục giây xe chạy, vừa lo quan sát đường, vừa lo ngó biển báo “chỉ có tài thánh mới đọc được hết” (lời một tài xế taxi).
Tại cầu Gò Công nằm trên đường cùng tên (góc ngã tư Phan Văn Khỏe - P.13, Q.5), người đi đường không khỏi ngao ngán khi thấy hai biển báo hình tròn đã gỉ sét nhưng vẫn được treo ở đó từ nhiều năm qua. Phải dừng lại khá lâu và căng hết mắt, chúng tôi mới đọc được thông tin mờ mờ từ một trong hai tấm biển đang treo ở hai đầu cầu: 1T50 - 2m20. Còn những con đường gần đó, điển hình như đường Bình Tiên, người dân địa phương ngao ngán chỉ cho chúng tôi nhiều biển báo cấm xe ô tô được đặt tràn lan, dù có những con hẻm chỉ rộng chưa tới 2m và dài trên dưới 10m. “Chẳng cần biển cấm, đố tài xế nào dám chạy ô tô vào những con hẻm nhỏ này. Biển báo đặt kiểu này đúng là lãng phí!”, một người dân gần đó nói.
Biển báo “đen thui” đặt ở hai đầu cầu trên đường Gò Công - Ảnh: Minh Nam |
Nỗi ám ảnh của tài xế ngoại tỉnh
Theo phản ánh của nhiều bạn đọc, chúng tôi kiểm chứng trên nhiều tuyến đường quy định lưu thông một chiều như: Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Văn Tần, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur, Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu, Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng, Trương Định, Lý Chính Thắng…, biển cảnh báo đường một chiều cắm rất hạn chế tại các giao lộ.
Theo quy định, qua mỗi giao lộ thì hiệu lực biển báo giao thông trước đó sẽ không còn, thế nhưng trên các con đường này, khi qua giao lộ chỗ có biển báo đường một chiều, chỗ không. Nguy hiểm nhất là không có biển báo một chiều cũng không có biển báo hướng xe lưu thông. Tình trạng này khiến tài xế ngoại tỉnh vào TP.HCM, nếu lỡ rẽ vào những con đường 1 chiều ở đoạn không có biển báo dễ nhầm lẫn với đường hai chiều và đi sai làn đường, nhẹ thì “ăn” phiếu phạt, nặng có thể gây tai nạn.
Chi chít bảng, biển giao thông ở cầu Sài Gòn - Ảnh: Quang Hiển |
Song song đó, đặc trưng ở TP.HCM còn có tình trạng cùng một con đường mà có đoạn 1 chiều, đoạn 2 chiều. Chẳng hạn như đường Nguyễn Đình Chiểu đang ngon trớn 1 chiều, từ giao lộ Cao Thắng đến Lý Thái Tổ bỗng thành 2 chiều mà trước đó không hề có biển hướng dẫn phía trước là đường hai chiều để lái xe chuẩn bị. Chỉ đến ngay giao lộ Cao Thắng mới có tấm biển bé xíu hình tam giác báo đường 2 chiều nằm lấp ló sau cây dù của người bán hàng ở vỉa hè. "Ban ngày đông đúc có xe phía trước “dẫn đường” thì không sao. Những lúc ít xe ban đêm, có xe chạy luôn vào làn đường của chiều lưu thông ngược lại mà không hay biết. Đã có không ít những tai nạn xảy ra", một người dân ở đây cho biết.
Tương tự, trên đoạn đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), từ Lê Duẩn rẽ trái vào không có biển báo đường một chiều. Tiếp đó, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm khi qua đường Nguyễn Thị Minh Khai từ 1 chiều thành 2 chiều cũng không hề có biển báo.
Sẽ tiến hành rà soát, điều chỉnh Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đậu An Phúc, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM), cho biết trên địa bàn TP có hàng trăm ngàn biển báo. Phản ánh của người tham gia giao thông, tài xế về những bất hợp lý trong việc lắp đặt biển báo giao thông là rất quý. “Từ nguồn cung cấp thông tin của Báo Thanh Niên, Sở GTVT sẽ tập hợp lại, sau đó kết hợp các khu quản lý giao thông đô thị và các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, nếu thấy biển nào không hợp lý sẽ cho điều chỉnh, đồng thời có giải thích cụ thể, tránh để người đi đường hiểu lầm", ông Phúc khẳng định. |
Lê Nga - Minh Nam