Lý luận chính trị có mấy cấp? Tiêu chuẩn tham gia lớp đào tạo lý luận chính trị các cấp?

Chủ đề   RSS   
  • #612603 10/06/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 21964
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 452 lần
    SMod

    Lý luận chính trị có mấy cấp? Tiêu chuẩn tham gia lớp đào tạo lý luận chính trị các cấp?

    Trình độ chính trị (trình độ lý luận chính trị) có thể hiểu là tiêu chuẩn để xác định mức độ hiểu biết, kiến thức và nhận thức về mặt lý luận chính trị của một cá nhân. Vậy, trình độ lý luận chính trị có mấy cấp và tiêu chuẩn tham gia lớp đào tạo các cấp là gì?

    Lý luận chính trị có mấy cấp?

    Theo Điều 3 Quy định 57-QĐ/TW năm 2022 có giải thích như sau::

    - Đào tạo lý luận chính trị là quá trình:

    + Truyền thụ, tiếp thu hệ thống tri thức lý luận chính trị; 

    + Củng cố thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; 

    + Nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa;

    + Nâng cao tầm nhìn, tư duy, phương pháp, kỹ năng lãnh đạo, quản lý và vận dụng thực tiễn cho đội ngũ cán bộ.

    - Đào tạo lý luận chính trị gồm ba cấp: Sơ cấp, trung cấp và cao cấp. Trong đó:

    + Sơ cấp lý luận chính trị là cấp đào tạo lý luận chính trị cơ sở cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên... ở cơ sở; trang bị những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kỹ năng vận dụng thực tiễn.

    + Trung cấp lý luận chính trị là cấp đào tạo lý luận chính trị cho đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở; trang bị cơ bản, có hệ thống, cập nhật về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức và hoàn thiện kỹ năng lãnh đạo, quản lý và vận dụng thực tiễn.

    + Cao cấp lý luận chính trị là cấp đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý trung và cao cấp; trang bị cơ bản, hệ thống, thực tiễn và hiện đại, toàn diện về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao tầm nhìn, tư duy chiến lược; nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý và vận dụng thực tiễn.

    Như vậy, trình độ lý luận chính trị sẽ có ba cấp: Sơ cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị và cao cấp lý luận chính trị.

    Tiêu chuẩn tham gia lớp đào tạo lý luận chính trị các cấp?

    1) Đối với trình độ sơ cấp lý luận chính trị

    Theo Điều 4 Quy định 57-QĐ/TW quy định về sơ cấp lý luận chính trị như sau:

    Đối tượng:

    - Đảng viên; đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở.

    - Công chức cấp xã (trừ trưởng công an và chỉ huy trưởng quân sự cấp xã).

    - Người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và một số đối tượng khác có nguyện vọng phù hợp với yêu cầu chung.

    Tiêu chuẩn:

    Tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên.

    2) Đối với trình độ trung cấp lý luận chính trị

    Theo Điều 5 Quy định 57-QĐ/TW  quy định về trung cấp lý luận chính trị như sau:

    Đối tượng

    - Cán bộ, công chức, viên chức

    + Cấp ủy viên cấp xã; chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; cấp trưởng, cấp phó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã.

    + Phó trưởng phòng và cấp phó các đơn vị tương đương cấp phòng của cấp huyện, cấp tỉnh; phó ban (đơn vị tương đương cấp ban) trực thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

    + Quy hoạch phó trưởng phòng (các đơn vị tương đương cấp phòng) ở Trung ương. Quy hoạch các chức vụ quy định tại Điểm a, b.

    - Cán bộ quân đội:

    + Chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã, chỉ huy cấp tiểu đoàn; 

    + Phó chỉ huy trưởng, phó tham mưu trưởng, chính trị viên, phó ban chỉ huy quân sự cấp huyện; 

    + Phó tham mưu trưởng, phó chủ nhiệm chính trị trung đoàn; 

    + Lãnh đạo phòng (ban) cấp lữ đoàn, sư đoàn, bộ chỉ huy quân sự, bộ chỉ huy bộ đội biên phòng cấp tỉnh (tương đương). 

    + Cán bộ quy hoạch những chức vụ trên.

    - Cán bộ công an: 

    + Đội trưởng, trưởng công an cấp xã, tiểu đoàn trưởng, phó đội trưởng, phó trưởng công an cấp xã, phó tiểu đoàn trưởng và tương đương; 

    + Phó trưởng phòng, phó trưởng công an cấp huyện, phó trung đoàn trưởng và tương đương. 

    +Cán bộ quy hoạch những chức vụ trên.

    - Cán bộ có đủ 6 năm giữ ngạch, bậc chuyên viên và tương đương; chức danh, vị trí việc làm theo quy định phải có trình độ trung cấp lý luận chính trị và trong dự nguồn ngạch trung cấp (tương đương).

    -Giảng viên lý luận chính trị ở trường, trung tâm có nhiệm vụ đào tạo lý luận chính trị.

    Tiêu chuẩn:

    - Đảng viên dự bị hoặc chính thức.

    - Tốt nghiệp cao đẳng trở lên (tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số hoặc công tác tại các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).

    - Cán bộ học hệ không tập trung: Nữ từ 33 tuổi, nam từ 35 tuổi trở lên.

    3) Đối với trình độ cao cấp lý luận chính trị

    Theo Điều 6 Quy định 57-QĐ/TW quy định về cao cấp lý luận chính trị như sau:

    Đối tượng

    - Cán bộ, công chức, viên chức:

    + Trưởng phòng (các đơn vị tương đương cấp phòng) cấp huyện, cấp tỉnh.

    + Cấp ủy viên cấp huyện trở lên; cấp ủy viên cấp tỉnh, lãnh đạo cấp ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh.

    + Trưởng phòng (các đơn vị tương đương cấp phòng) trở lên của các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, đảng ủy trực thuộc Trung ương; cấp ủy viên, ban giám đốc, hội đồng thành viên (quản trị), trưởng ban (các đơn vị tương đương cấp ban) ở các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

    + Phó trưởng phòng (các đơn vị tương đương cấp phòng) ở Trung ương.

    + Phó trưởng phòng quy hoạch trưởng phòng cấp huyện, cấp tỉnh. Quy hoạch các chức vụ quy định tại Điểm b, c.

    - Cán bộ quân đội: 

    + Chỉ huy trưởng, chính trị viên ban chỉ huy quân sự cấp huyện; 

    + Trung đoàn trưởng, chính ủy trung đoàn và tương đương; 

    + Chỉ huy cấp lữ đoàn, sư đoàn, bộ chỉ huy quân sự, bộ chỉ huy bộ đội biên phòng cấp tỉnh và tương đương; 

    + Chỉ huy các cơ quan cấp chiến dịch, chiến lược; 

    + Ban giám đốc bệnh viện, viện nghiên cứu, chủ tịch, ban giám đốc công ty (tổng công ty) doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng. 

    + Cán bộ quy hoạch những chức vụ trên.

    - Cán bộ công an: 

    Trưởng phòng, trưởng công an cấp huyện, trung đoàn trưởng và tương đương trở lên; cán bộ quy hoạch những chức vụ trên. Cấp phó trưởng phòng (tương đương) của cục (tương đương) trực thuộc Bộ Công an.

    - Cán bộ có đủ 4 năm giữ ngạch, bậc chuyên viên chính và tương đương; chức danh, vị trí việc làm theo quy định phải có trình độ cao cấp lý luận chính trị và trong dự nguồn ngạch cao cấp (tương đương).

    - Giảng viên có đủ 5 năm trực tiếp giảng dạy lý luận chính trị ở các học viện, trường có nhiệm vụ đào tạo lý luận chính trị.

    Tiêu chuẩn

    - Đảng viên chính thức.

    - Tốt nghiệp đại học trở lên.

    - Cán bộ học hệ không tập trung: Nữ từ 38 tuổi, nam từ 40 tuổi trở lên.

    Như vậy, chỉ các đối tượng theo quy định và đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì mới được tham gia lớp đào tạo lý luận chính trị các cấp. Việc học tập lý luận chính trị không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là nghĩa vụ và là biện pháp nhằm nâng cao năng lực, đạo đức, phẩm chất cán bộ nói chung và cán bộ trẻ nói riêng.

     
    1881 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn btrannguyen vì bài viết hữu ích
    admin (13/08/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận