Đầu tháng 2-2018, ông Bùi Văn Hời (47 tuổi) đến Công an TP Đà Nẵng đầu thú về việc đã bóp cổ con gái 8 tuổi đến chết và cho xác vào bao để ném xuống sông Hàn. Cơ quan chức năng đã tổ chức tìm kiếm thi thể cháu bé nhưng không thành công. Vì vậy ông Hời đã được trả tự do.
Nhiều ý kiến cho rằng vụ án này sẽ tạo ra tiền lệ xấu về việc "tha bổng" cho các hung thủ giết người sau khi thủ tiêu xác nạn nhân. [Theo Báo Tuổi trẻ]
Có nhiều lý do để lý giải cho quyết định này:
Thứ nhất: Chưa tìm thấy xác của đứa bé không thể kết luận cháu bé đã chết
Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Lời khai của người đầu thú là nguồn chứng cứ. Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.
"...Trường hợp này là rất hiếm bởi phải xem xét chứng cứ đó có ý nghĩa chứng minh sự thật đến đâu? Chứng cứ phải phù hợp các nguồn chứng cứ khác và các nguồn chứng cứ phải khớp nhau thì mới có giá trị sử dụng", luật sư Trần Văn An nói.
Thứ 2: Vi phạm nguyên tắc tố tụng
Khoản 3, Điều 206 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 quy định Các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định:
3. Nguyên nhân chết người;
...
Như vậy, nếu tự thú là giết người thì bắt buộc phải có thi thể nạn nhân và tiến hành giám định, nếu không sẽ vi phạm quy tắc tố tụng
Điều này có nghĩa nếu bước đầu xác định là giết người nhưng chưa tìm thấy thi thể nạn nhân thì không thể xác định nguyên nhân cái chết là gì thì chưa đủ cơ sở để kết tội
Thứ 3: Nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi mọi nghi ngờ phải giải thích có lợi cho bị can.
Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. [Người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo]
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.
Xem lại lý giải 1 và 2 để giải thích cho điều này
Thứ 4: Viện kiểm sát giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự
Chiều 20/3, đại tá Trần Mưu (Thủ tưởng cơ quan cảnh sát điều tra, Phó giám đốc Công an Đà Nẵng) cho biết do chưa tìm thấy thi thể nạn nhân, Viện kiểm sát chưa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can. Lý giải điều này như sau:
Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2017 quy định VKS phải giải quyết bồi thường nếu:
Đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam, quyết định gia hạn tạm giam mà sau đó có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm...
Dưới áp lực dư luận cũng như chứng cứ thực tế, cơ quan có thẩm quyền không thể nóng vội khi giải quyết vụ án việc cẩn trọng, khách quan trong điều tra là hết sức cần thiết.
Nói thẳng ra không thể dựa vào áp lực của dư luận để xử lý theo "cảm tính" được, pháp luật phải "lý trí" thì dân mới "nể" được.
Trên đây là quan điểm của mình khi tìm hiểu vụ này. Còn bạn thì sao?