Lưu ý về việc đóng BHXH khi sử dụng NLĐ cao tuổi

Chủ đề   RSS   
  • #613314 26/06/2024

    hirono
    Top 200
    Lớp 3

    Vietnam
    Tham gia:17/05/2022
    Tổng số bài viết (434)
    Số điểm: 4402
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 62 lần


    Lưu ý về việc đóng BHXH khi sử dụng NLĐ cao tuổi

    Công ty có ký HĐLĐ với NLĐ, đến thời điểm hiện tại mới phát hiện người này quá tuổi nghỉ hưu thì có làm sao không? Phải thực hiện như thế nào mới đúng quy định? Công ty không đóng BHXH cho NLĐ cao tuổi thì có bị xử phạt không?

    Sử dụng NLĐ quá tuổi nghỉ hưu

    Việc sử dụng người lao động cao tuổi được quy định tại Điều 149 Bộ luật Lao động 2019 như sau: 

    - Khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.

    - Khi người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mà làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động.

    - Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.

    - Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc.”

    Theo đó, việc sử dụng người lao động cao tuổi được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, khi sử dụng người lao động cao tuổi cần lưu ý các vấn đề sau:

    - Thứ nhất, người sử dụng lao động được phép ký hợp đồng lao động xác định thời hạn nhiều lần. Đối với người lao động thông thường, chỉ được phép giao kết tối đa 02 lần đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn.

    - Thứ hai, trong trường hợp không đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người đó. Trong trường hợp vi phạm, người sử dụng lao động có thể bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng (theo quy định tại Điều 30 Nghị định 28/2020/NĐ-CP).

    - Thứ ba, có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc.

    - Thứ tư, phải đóng bảo hiểm cho người lao động cao tuổi chưa hưởng lương hưu hằng tháng mà đang làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên.

    - Thứ năm, đối với người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (khoản 3 Điều 168 Bộ luật Lao động 2019).

    - Thứ sáu, khi yêu cầu người lao động cao tuổi làm thêm giờ, cần đáp ứng được các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019

    Về vấn đề đóng BHXH cho NLĐ cao tuổi

    Căn cứ Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

    Nếu người lao động cao tuổi chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu (được quy định tại khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019) thì trường hợp này lao động cao tuổi vẫn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Do đó, cả người lao động cao tuổi và người sử dụng lao động sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc với mức đóng theo quy định pháp luật.

    Vì vậy công ty cần xem lại NLĐ này có đang hưởng lương hưu không để xác định việc đóng BHXH.

    Không đóng BHXH cho NLĐ cao tuổi thì bị phạt như nào?

    Tại khoản 5, khoản 7, khoản 10 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:

    Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp

    - Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

    + Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;

    - Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

    + Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

    - Biện pháp khắc phục hậu quả

    + Buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, 6, 7 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP;

    + Buộc người sử dụng lao động nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội đối với những hành vi vi phạm quy định tại các khoản 5, 6, 7 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP từ 30 ngày trở lên.

    Theo đó tùy hành vi vi phạm mà mức xử phạt khác nhau. Trong trường hợp chậm đóng BHXH thì bị phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 triệu đồng. Ngoài ra công ty còn phải đóng đủ số tiền BHXH bắt buộc, BHTN phải đóng, và đóng lãi.

    Lưu ý: Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP mức xử lý hành chính này là mức phạt đối với người sử dụng lao động là cá nhân, đối với công ty (tổ chức) mức phạt tiền sẽ gấp 02 lần.

    Theo đó, khi sử dụng NLĐ cao tuổi công ty cần xét xem người này có đang hưởng lương hưu để xác định việc đóng BHXH cho họ, tránh trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính.

     
    97 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận