Từ 01/10/2011, mức lương tối thiểu đối với vùng I, II, III, IV lần lượt là: 2.00, 1.78, 1.55, 1.40 triệu đồng. Như vậy, mức lương chưa đáp ứng đủ mức sống tối thiểu cho người lao động.
Đến 01/01/2013, mức lương tối thiểu được Chính phủ nâng lên đối với vùng I, II, III, IV lần lượt là: 2.35, 2.10, 1.80, 1.65 triệu đồng. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng đủ mức sống tối thiểu cho người lao động, bởi vậy ngày 14/11/2013 Chính phủ ban hành Nghị định 182 về việc áp dụng tăng lương tối thiểu vùng kể từ 01/01/2014, theo đó:
- Vùng I: 2.70 triệu đồng;
- Vùng II: 2.40 triệu đồng;
- Vùng III: 2.10 triệu đồng;
- Vùng IV: 1.90 triệu đồng.
Song với mức lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng được 66% mức sống tối thiểu của người lao động ở vùng I, 70,6% mức sống tối thiểu người lao động ở vùng II; 70% mức sống tối thiểu của người lao động ở vùng III và 79% mức sống tối thiểu của người lao động ở vùng IV.
Tại hội thảo “Mức sống tối thiểu, những vấn đề đặt ra đối với việc xác định tiền lương tối thiểu, mức sống tối thiểu của người lao động” do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức sáng 12/04/2013, đại diện ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất lương tối thiểu sẽ đuổi kịp mức sống tối thiểu vào năm 2016.
Như vậy, bỏ qua sự trượt giá thì lương tối vùng đến năm 2016 phải được tăng lên như sau:
- Vùng I: 4.09 triệu đồng;
- Vùng II: 3.40 triệu đồng;
- Vùng III: 3.00 triệu đồng;
- Vùng IV: 2.41 triệu đồng.
Thì mới đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động.
Đó là lộ trình đến năm 2016, tuy nhiên nếu trong năm 2014 này hoạt động sản xuất, kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn thì nhiều khả năng trong năm 2015 mức lương tối thiểu vùng sẽ được tăng thêm 10 – 25% so với hiện tại.