Vào những ngày đầu tháng 8 năm nay, bộ LĐTBXH đã có yêu cầu đối với từng địa phương về việc thu thập ý kiến điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng.
Theo đó, bộ đã đặt ra 2 phương án và dự kiến sẽ công bố kết quả lựa chọn vào cuối tháng 10:
Phương án 1: điều chỉnh tăng bình quân 4 vùng khoảng 36%, cụ thể:
- Vùng 1: Mức 2.700.000 đồng/tháng.
- Vùng 2: Mức 2.400.000 đồng/tháng.
- Vùng 3: Mức 2.130.000 đồng/tháng.
- Vùng 4: Mức 1.930.000 đồng/tháng.
Phương án 2: điều chỉnh tăng bình quân 4 vùng khoảng 25%, cụ thể:
- Vùng 1: Mức 2.500.000 đồng/tháng.
- Vùng 2: Mức 2.250.000 đồng/tháng.
- Vùng 3: Mức 1.950.000 đồng/tháng.
- Vùng 4: Mức 1.800.000 đồng/tháng.
Thế nhưng, nghị định103/2012/NĐ-CP mãi đến ngày 4/12/2012 mới được thông qua, hơn nữa mức tăng đưa ra còn thấp hơn 2 phương án trên, chỉ tăng từ 16-18%:
- Vùng 1: Mức 2.350.000 đồng/tháng
- Vùng 2: Mức 2.100.000 đồng/tháng
- Vùng 3: Mức 1.800.000 đồng/tháng
- Vùng 4: Mức 1.650.000 đồng/tháng
Nguyên do đâu có sự sai lệch về mức tăng như vậy ?
Cũng căn cứ theo công văn trên, bộ LĐTBXH cũng có ý kiến dự phòng về thời điểm bắt đầu áp dụng mức lương mới:
Trong quá trình thảo luận vẫn có ý kiến cho rằng nếu tình hình nhiều doanh nghiệp 6 tháng cuối năm 2012 còn gặp nhiều khó khăn thì lùi thời gian thực hiện từ 3 đến 6 tháng để chia sẻ với tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn của doanh nghiệp
Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013, thì tình hình hoạt động của các doanh nghiệp cuối năm nay rất ảm đạm.
Tổng dư nợ tín dụng tăng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra và chênh lệch lớn so với tốc độ tăng huy động vốn, tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng chậm được giải quyết. Khu vực doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, khả năng hấp thụ vốn thấp, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn tăng; sản xuất kinh doanh phục hồi chậm; chỉ số phát triển công nghiệp tăng chậm và còn thấp; sức mua của thị trường trong nước thấp, tồn kho của một số ngành còn ở mức cao…
Tình hình khó khăn này ảnh hưởng rất nhiều đến việc tăng lương tối thiểu cho người lao động.
Thậm chí, đã có các doanh nghiệp mặc dù đồng ý với việc tăng lương nhưng lại đề nghị dời thời gian tăng lương đến năm 2014 để đảm bảo tình hình sản xuất.
Tuy nhiên, nếu thực sự phải dời thời gian tăng lương lại như trên, sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới dời sống của người lao động, đặc biệt là người lao động tại các khu công nghiệp. Theo ước tính, nếu như không thực hiện việc tăng lương sẽ gây ảnh hưởng xấu đến 22 triệu người lao động.
Vì vậy, có thể nói mức lương ở nghị định 103 tuy chưa đạt được sự chờ đợi của người lao động, nhưng đây là một mức tăng có thể dung hòa lợi ích của cả hai bên: doanh nghiệp và người lao động.
Mức lương tăng vừa có thể đảm bảo được lợi ích của người lao động mà vẫn còn nằm trong khả năng chịu dựng của doanh nghiệp.
Đây có thể nói là một quyết định vô cùng phù hợp của Chính phủ trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay.
Tuy nhiên, mong rằng Chính phủ sẽ có các biện pháp nhằm tránh vòng luẩn quẩn khi tăng lương trong những năm trước: tiền lương tăng lại kéo theo các chi phí tiêu dùng các tăng theo, đời sống người lao động vẫn không thể thoát khỏi khó khăn.