Chào bạn!
Dựa vào những thông tin mà bạn cung cấp, tôi có một số ý kiến đóng góp như sau:
Trước hết, pháp luật hiện hành không có định nghĩa cụ thể về thí nghiệm xây dựng và kiểm định chất lượng công trình xây dựng. Tuy nhiên, trong các văn bản pháp luật đã hết hiệu lực như thông tư số 27/2009/TT-BXD ngày 31/7/2009 của Bộ xây dựng “Hướng dẫn một số nội dung về Quản lý chất lượng công trình xây dựng” tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 19 có quy định:
“1. Thí nghiệm chuyên ngành xây dựng
Thí nghiệm chuyên ngành xây dựng là thao tác kỹ thuật nhằm xác định một hay nhiều đặc tính của sản phẩm xây dựng, bộ phận công trình hoặc công trình xây dựng theo quy trình nhất định.
Các lĩnh vực thí nghiệm chuyên ngành xây dựng bao gồm: thí nghiệm đất xây dựng, thí nghiệm nước dùng trong xây dựng; thí nghiệm vật liệu xây dựng, thí nghiệm cấu kiện, sản phẩm xây dựng; thí nghiệm kết cấu công trình xây dựng và các lĩnh vực thí nghiệm khác.
2. Kiểm định chất lượng công trình xây dựng
Kiểm định chất lượng công trình xây dựng là hoạt động kiểm tra, xác định chất lượng hoặc đánh giá sự phù hợp chất lượng của sản phẩm xây dựng, bộ phận công trình hoặc công trình xây dựng so với yêu cầu của thiết kế và quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng. Kiểm định chất lượng công trình xây dựng được thực hiện bằng phương pháp quan trắc kết hợp với đánh giá kết quả đo, thí nghiệm (có thể có hoặc không có thí nghiệm).
Các lĩnh vực kiểm định chất lượng công trình xây dựng bao gồm: kiểm định chất lượng đất xây dựng; kiểm định chất lượng nước dùng trong xây dựng; kiểm định vật liệu xây dựng, sản phẩm xây dựng, cấu kiện xây dựng; kiểm định kết cấu công trình xây dựng; kiểm định công trình xây dựng và các lĩnh vực kiểm định khác.”
Qua các khái niệm trên ta thấy hoạt động kiểm định và thí nghiệm là hai công việc hoàn toàn khác nhau. Điều này đồng nghĩa gói thầu kiểm định chất lượng công trình xây dựng và gói thầu thí nghiệm là hoàn toàn khác nhau. Kiểm định là tổ hợp các công việc như kiểm tra, xác định chất lượng thông qua thí nghiệm và đánh giá hiện trạng bằng trực quan. Nói một cách chính xác thì thí nghiệm chuyên ngành xây dựng là cơ sở của việc kiểm định chất lượng xây dựng.
Thứ hai, không có quy định pháp luật cấm một công ty có thể thực hiện nhiều gói thầu trong cùng một dự án, tuy nhiên, phải đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu được quy định tại Điều 86 Luật Đấu thầu 2013 và bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo Điều 6 Luật Đấu thầu 2013 như sau:
“Điều 86. Xử lý tình huống
1. Xử lý tình huống là việc giải quyết trường hợp phát sinh trong đấu thầu chưa được quy định cụ thể, rõ ràng trong pháp luật về đấu thầu. Người quyết định xử lý tình huống phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
a) Cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế;
b) Căn cứ vào kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; hợp đồng đã ký kết với nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn; tình hình thực tế triển khai thực hiện gói thầu, dự án.”
“Điều 6. Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu
1. Nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển; thẩm định kết quả mời quan tâm, kết quả sơ tuyển.
2. Nhà thầu tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên sau đây:
a) Chủ đầu tư, bên mời thầu;
b) Các nhà thầu tư vấn lập, thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán; lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu đó;
c) Các nhà thầu khác cùng tham dự thầu trong một gói thầu đối với đấu thầu hạn chế.
3. Nhà thầu tư vấn giám sát thực hiện hợp đồng phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với nhà thầu thực hiện hợp đồng, nhà thầu tư vấn kiểm định gói thầu đó.
4. Nhà đầu tư tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên sau đây:
a) Nhà thầu tư vấn đấu thầu đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất cho đến ngày ký kết hợp đồng dự án;
b) Nhà thầu tư vấn thẩm định dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất cho đến ngày ký kết hợp đồng dự án;
c) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bên mời thầu.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”
Như vậy, do không phải là nhà thầu tư vấn nên chỉ cần có đủ năng lực về nhân sự, tài chính, máy móc thiết bị để thi công, công ty bạn có thể thực hiện 2 gói thầu trong cùng một dự án. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, thí nghiệm xây dựng là cơ sở của việc kiểm định chất lượng xây dựng nên theo quan điểm của tôi, việc thực hiện đồng thời gói thầu thí nghiệm và gói thầu kiểm định chất lượng vi phạm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong đấu thầu. Do đó, Công ty bạn không thể kí thêm hợp đồng với chủ đầu tư để thực hiện gói thầu kiểm định chất lượng tại công trình này.
Hiện tại, do các thông tin mà bạn cung cấp còn hạn chế, nên tôi chỉ có thể trả lời sơ bộ cho bạn như vậy. Để có được câu trả lời chính xác hơn bạn nên liên hệ trực tiếp với luật sư để cung cấp thêm những thông tin cụ thể, cũng như trao đổi để tìm ra phương án tốt nhất.
Chuyên viên tư vấn Nguyễn Hà Tường Vân
BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT DÂN SỰ | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM
M: (+84-4) 32.123.124; (+84-4) 32.899.888 - E: cle.vietkimlaw@gmail.com; luatvietkim@gmail.com - W: www.vietkimlaw.com
Ad: Trụ sở chính - Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN | VPGD - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.