1. CƠ SỞ PHÁP LÝ
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
- Luật Đất đai năm 2003;
- Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ quy định về thi hành Luật Đất đai;
- Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP ngày 5/5/2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự số 32/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án.
2. NỘI DUNG TƯ VẤN
2.1. Nội dung và hướng giải quyết vụ việc
a) Nội dung vụ việc
- Năm 1998, bố bạn có mua một thửa đất vườn với diện tích 5000m2 của bà Hứa Thị Minh (“Thửa Đất”), hai bên đã lập hợp đồng chuyển nhượng, có xác nhận của UBND xã nơi có đất (Nhà nước công nhận).
- Đến năm 2002, bố bạn mất, gia đình bạn nhờ chú trông Thửa Đất. Tuy nhiên, năm 2006, chú bạn đã chuyển nhượng một phần Thửa Đất với diện tích 2000m2 cho ông Hoa (Trưởng phòng thống kê huyện), ông Hoa đã thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“GCNQSDĐ”) với diện tích đất nói trên.
- Bạn đã có đơn khiếu nại và thay mặt gia đình tham gia buổi hòa giải tại UBND cấp xã ngày 4/6/2020. Tại buổi làm việc này, bạn đã trình bày về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và xuất trình các tài liệu chứng minh như Hợp đồng chuyển nhượng, Sơ đồ vị trí thửa đất (trích lục tại Phòng TNMT cấp huyện),… UBND cấp xã đã không công nhận giá trị pháp lý của các giấy tờ bạn đưa ra.
b) Hướng giải quyết vụ việc
Do các thông tin và hồ sơ vụ việc bạn cung cấp chưa đầy đủ nên tôi tư vấn yêu cầu của bạn dựa trên giả định việc chuyển nhượng Thửa Đất giữa bố bạn và bà Minh là hợp pháp, tôi xin đưa ra hướng giải quyết vụ việc như sau:
- Thứ nhất, tại thời điểm bố bạn nhận chuyển nhượng Thửa Đất năm 2008, dù chưa thực hiện thủ tục cấp GCNQSDĐ nhưng trên thực tế bố bạn đã xác lập quyền sử dụng đối với Thửa Đất. Chú bạn không phải là chủ thể có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng Thửa Đất này cho người khác, do đó giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất với diện tích 2000m2 giữa chú bạn và ông Hoa là vô hiệu.
- Thứ hai, khi biết được thông tin ông Hoa đã được cấp GCNQSDĐ đối với một phần Thửa Đất nhà bạn, ngăn gia đình bạn không được thực hiện các hoạt động canh tác tại Thửa Đất, bạn đã có khiếu nại ra UBND cấp xã. Theo khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, UBND cấp xã là cơ quan có thẩm quyền tổ chức hòa giải đối với nội dung khiếu nại liên quan đến ai là người có quyền sử dụng đất. Việc hòa giải tại UBND cấp xã là thủ tục bắt buộc, trường hợp không hòa giải tại UBND cấp xã thì không đủ điều kiện khởi kiện.
Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: Tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,... thì được nộp đơn khởi kiện luôn tại Tòa án nơi có đất tranh chấp mà không phải thông qua thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã.
Trường hợp bạn khiếu nại về nội dung GCNQSDĐ được cấp sai đối tượng sử dụng đất, nguồn gốc đất thì thẩm quyền giải quyết thuộc về UBND cấp huyện.
Ngoài ra, việc UBND cấp xã cho rằng Hợp đồng chuyển nhượng, Sơ đồ vị trí thửa đất (trích lục tại Phòng TNMT cấp huyện) không có giá trị pháp lý là chưa chính xác. Bởi lẽ, đó là các giấy tờ xác định về nguồn gốc đất, ghi nhận người có quyền sử dụng Thửa Đất. Bạn có thể thu thập thêm một số giấy tờ khác để chứng minh như Sổ mục kê, Bản đồ địa chính, Biên lai thu thuế hoặc yêu cầu Chi cục thuế trích xuất số liệu về việc bố bạn đã đóng thuế đất,…
- Thứ ba, bạn có thể ngay lập tức tiến hành thủ tục khởi kiện tại TAND có thẩm quyền giải quyết theo hướng như sau:
Cách 1: Bạn có thể khởi kiện vụ án dân sự tại TAND cấp huyện nơi có Thửa Đất với nội dung “Kiện đòi đất”, yêu cầu Tòa án buộc ông Hoa trả lại phần đất ông đang chiếm hữu, xác định ai là người có quyền sử dụng đất, chú bạn sẽ được Tòa đưa vào vụ án với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Cách 2: Bạn có thể khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu TAND cấp tỉnh nơi có Thửa Đất hủy GCNQSDĐ được cấp cho ông Hoa là trái quy định của pháp luật.
Đồng thời, bạn làm “Đơn đề nghị áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời” để ngăn chặn bất kỳ các giao dịch nào liên quan đến Thửa Đất gửi Tòa án, Sở Tư pháp, Văn phòng đăng ký đất đai nơi có Thửa Đất.
2.2. Thủ tục khởi kiện tại Tòa án
a) Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện
Hồ sơ khởi kiện bao gồm:
- Đơn khởi kiện theo mẫu.
- Tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.
b) Bước 2: Nộp đơn khởi kiện
Đơn khởi kiện được nộp tại Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp tranh chấp có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Đơn khởi kiện có thể nộp trực tiếp, thông qua dịch vụ bưu chính hoặc bằng hình thức trực tuyến.
c) Bước 3: Tòa án thụ lý và giải quyết
Sau khi Tòa án nhận đơn và ghi vào sổ nhận đơn 03 ngày làm việc, Chánh án Tòa án phân công thẩm phán xem xét đơn. 05 ngày kể từ ngày được phân công, nếu đủ điều kiện thụ lý, Tòa án thông báo cho người khởi kiện nộp tiền tạm ứng án phí. Sau khi người khởi kiện nộp biên lai tạm ứng án phí, Tòa án tiến thành thủ tục thụ lý và giải quyết vụ án.
Trên đây là tư vấn của tôi về yêu cầu tư vấn của bạn. Trường hợp có bất kỳ vướng mắc nào, xin liên hệ trực tiếp với luật sư để được giải đáp.
Trân trọng cảm ơn./.