Len lỏi, chen chúc giữa một rừng luật được xã hội thực thi công khai, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, hằng năm như một thông lệ lại được Quốc hội đưa ra bàn luận, sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ những điều lệ đã không còn phù hợp với thời thế của xã hội thì “Luật rừng” vẫn lẳng lặng phát triển và sinh tồn theo một hướng đi riêng, một ngã rẽ khác biệt ít ai quan tâm và để ý.
Phải chăng nó có thể tồn tại ở mọi lĩnh vực, mọi ngóc ngách trong đời sống xã hội, ám chỉ “Kẻ mạnh tất thắng kẻ yếu tất thua”, bắt buộc phải tuân theo không được phép chống lại nếu không muốn nhận được kết cục xấu.
Hay có thể hiểu “Luật rừng” là tuân theo số đông, theo bên mạnh, bên có tiền, không tuân theo pháp luật hay một nguyên tắc, trật tự nào hết. Cách hành xử, giải quyết theo kiểu “xã hội đen” và không màng đến cảnh sát, sẵn sàng thủ tiêu đối phương khi cần.
Có thể kể đến trường hợp của GrabBike không thể bắt khách hay chở khách vào trong bến xe mà chỉ có thể đứng phía ngoài cổng. Không có một qui định nào đưa ra, Grab không được vào bến nhưng những tài xế này tự hiểu và coi như một nguyên tắc buộc phải tuân theo nếu không muốn xảy ra ẩu đả, cãi vã với xe ôm truyền thống. Ngay đến các bác, các cô bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè lâu năm ở tại một vị trí nhất định cũng có một cuộc tuyển chọn người bạn đồng hành bán hàng phù hợp và phải được sự đồng ý, chấp thuận của họ mới được hành nghề ngay tại địa bàn mà họ đang nắm giữ. Phát triển và ngày càng nhân rộng là vậy nhưng “Luật rừng” vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết một cách triệt để, linh hoạt hay vì còn quá khó nắm bắt và không thể kiểm soát hết được những hiện trạng này .
Mong rằng “Rừng luật” có thể dùng hết sức mạnh của mình để ngăn chặt ‘Luật rừng”, đảm bảo cho mọi công dân có quyền bình đẳng trước pháp luật.