Bộ luật lao động là văn bản quy phạm pháp luật quy định chung về các vấn đề lao động, tiền lương và các vấn đề khác liên quan đến lao động. Luật viên chức quy định riêng về các vấn đề của viên chức – một quan hệ lao động đặc biệt vì người sử dụng lao động là nhà nước. Tuy nhiên, các quy phạm pháp luật tại luật này, bởi vì cũng điều chỉnh mối quan hệ lao động, cũng phải tuân theo các quy định chung mà Bộ luật lao động đặt ra. Tuy nhiên, bộ luật lao động 2019 và Luật viên chức sửa đổi 2019 lại có một điểm mâu thuẫn nghiêm trọng.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Luật cán bộ công chức và luật viên chức sửa đổi 2019 quy định, từ ngày 1 tháng 7 năm 2020, hầu hết các viên chức được tuyển dụng (trừ trường hợp cán bộ công chức chuyển sang làm viên chức và viên chức ở vùng sâu vùng xa) đều phải ký hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 năm đến 5 năm. Theo đó, nếu một viên chức làm việc từ năm 22 tuổi đến năm 62 tuổi, tổng cộng 40 năm làm việc, sẽ phải ký khoảng 8 hợp đồng lao động xác định thời hạn!!
Đây quả là một quy định trái ngược với Điểm c Khoản 2 Điều 20 Bộ luật lao động 2019:
“c) Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, trừ hợp đồng lao động đối với người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước và trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 149, khoản 2 Điều 151 và khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.”
Theo đó, hợp đồng lao động xác định thời hạn chỉ được ký kết liên tiếp tối đa 2 lần, nếu sau đó người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng không xác định thời hạn.
Không rõ mình có hiểu sai ở đâu không, mong mọi người cho ý kiến.