Luật Biển Việt Nam 2012

Chủ đề   RSS   
  • #198592 04/07/2012

    lawcao

    Male
    Chồi

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:22/07/2010
    Tổng số bài viết (65)
    Số điểm: 1058
    Cảm ơn: 15
    Được cảm ơn 63 lần


    Luật Biển Việt Nam 2012

     

    “Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII tại phiên họp cuối ngày 21-6-2012 của kỳ họp thứ ba đã bỏ phiếu thông qua Luật Biển với số phiếu tán thành là 495/496”.

     

    “Luật này quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam”. (Điều 1, Luật Biển Việt Nam năm 2012)

     

    Đó là một số thông tin của Báo PL TPHCM cho rằng, không nghi ngờ gì nữa Việt Nam đã có Luật Biển (Báo PL TPHCM ngày 22&24/6/2012).

     

    Thế nhưng, cho đến bây giờ thì rất nhiều người dân trong chín mươi triệu dân Việt chẳng biết nội dung cái Luật biển đã được thông qua đó là gì. Bởi vì, không như các dự luật khác, người ta thấy, Luật Biển Việt Nam được soạn thảo, thông qua một cách âm thầm, rất nhiều người dân chẳng biết nội dung dự thảo của đạo luật này vì nó chẳng được công khai trên trang thông tin điện tử của Chính phủ như thường lệ. 

     

    Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chậm nhất là mười lăm ngày kể từ ngày luật biển được Quốc hội thông qua (21/6) thì Chủ tịch nước sẽ (phải) công bố Luật Biển Việt Nam cho toàn dân biết (chậm nhất vào ngày 6/7/2012). Thế nên, với đạo luật đã được thông qua thì kiểu gì dân cũng được xem thôi, chẳng lẽ lại đem dấu.

     

    Tuy nhiên, biết đâu sau 2 ngày nữa, vào lúc hết thời hạn chậm nhất phải công bố cho toàn dân biết, chúng ta sẽ được nhìn thấy luật biển chính xác, thực sự và tương tự như văn bản dưới này: 

     

     

     "CHƯƠNG I: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG 

    Điều 1. Phạm vi điều chỉnh 

    Luật này quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo. 

    Điều 2. Áp dụng pháp luật

    1. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với quy định của luật khác về chủ quyền, chế độ pháp lý của vùng biển Việt Nam thì áp dụng quy định của Luật này. 

    2. Trường hợp quy định của Luật này khác với quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó. 

    Điều 3. Giải thích từ ngữ 

    Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: 

    1. Vùng biển Việt Nam bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, được xác định theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. 

    2. Vùng biển quốc tế là tất cả các vùng biển nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các quốc gia khác, nhưng không bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. 

    3. Tàu thuyền là phương tiện hoạt động trên mặt nước hoặc dưới mặt nước bao gồm tàu, thuyền và các phương tiện khác có động cơ hoặc không có động cơ. 

    4. Tàu quân sự là tàu thuyền thuộc lực lượng vũ trang của một quốc gia và mang dấu hiệu bên ngoài thể hiện rõ quốc tịch của quốc gia đó, do một sĩ quan hải quân phục vụ quốc gia đó chỉ huy, người chỉ huy này có tên trong danh sách sĩ quan hay trong một tài liệu tương đương; được điều hành bởi thuỷ thủ đoàn hoạt động theo các điều lệnh kỷ luật quân sự. 

    5. Tàu thuyền công vụ là tàu thuyền chuyên dùng để thực hiện các công vụ của Nhà nước không vì mục đích thương mại. 

    6. Tài nguyên bao gồm tài nguyên sinh vật và tài nguyên phi sinh vật thuộc khối nước, đáy và lòng đất dưới đáy biển. 

    7. Đường đẳng sâu là đường nối liền các điểm có cùng độ sâu ở biển. 

    Điều 4. Nguyên tắc quản lý và bảo vệ biển 

    1. Quản lý và bảo vệ biển được thực hiện thống nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế khác mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. 

    2. Các cơ quan, tổ chức và mọi công dân Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển

    3. Nhà nước giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế. 

    Điều 5. Chính sách quản lý và bảo vệ biển 

    1. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và thực hiện các biện pháp cần thiết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phát triển kinh tế biển. 

    2. Xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng, khai thác, bảo vệ các vùng biển, đảo và quần đảo một cách bền vững phục vụ mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh. 

    3. Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư lao động, vật tư, tiền vốn và áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ vào việc sử dụng, khai thác, phát triển kinh tế biển, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phát triển bền vững các vùng biển phù hợp với điều kiện của từng vùng biển và bảo đảm yêu cầu quốc phòng, an ninh; tăng cường thông tin, phổ biến về tiềm năng, chính sách, pháp luật về biển. 

    4. Khuyến khích và bảo vệ hoạt động thủy sản của ngư dân trên các vùng biển, bảo hộ hoạt động của tổ chức, công dân Việt Nam ngoài các vùng biển Việt Nam phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, pháp luật quốc tế, pháp luật của quốc gia ven biển có liên quan. 

    5. Đầu tư bảo đảm hoạt động của các lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển, nâng cấp cơ sở hậu cần phục vụ cho các hoạt động trên biển, đảo và quần đảo, phát triển nguồn nhân lực biển. 

    6. Thực hiện các chính sách ưu tiên đối với nhân dân sinh sống trên các đảo và quần đảo; chế độ ưu đãi đối với các lực lượng tham gia quản lý và bảo vệ các vùng biển, đảo và quần đảo. 

    Điều 6. Hợp tác quốc tế về biển 

    1. Nhà nước đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực trên cơ sở pháp luật quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, các bên cùng có lợi. 

    2. Nội dung hợp tác quốc tế về biển bao gồm: 

    a) Điều tra, nghiên cứu biển, đại dương; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ; 

    b) Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống và cảnh báo thiên tai; 

    c) Bảo vệ đa dạng sinh học biển, hệ sinh thái biển; 

    d) Phòng chống ô nhiễm môi trường biển, xử lý chất thải từ hoạt động kinh tế biển, ứng phó sự cố tràn dầu; 

    đ) Tìm kiếm, cứu nạn trên biển; 

    e) Phòng, chống tội phạm trên biển; 

    g) Khai thác bền vững tài nguyên biển, phát triển du lịch biển. 

    Điều 7. Quản lý nhà nước về biển 

    1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về biển trong phạm vi cả nước. 

    2. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về biển. 

    CHƯƠNG II: VÙNG BIỂN VIỆT NAM 

    Điều 8. Xác định đường cơ sở 

    Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố. Chính phủ xác định và công bố đường cơ sở ở những khu vực chưa có đường cơ sở sau khi được Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn. 

    Điều 9. Nội thuỷ 

    Nội thủy là vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở phía trong đường cơ sở và là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam. 

    Điều 10. Chế độ pháp lý của nội thuỷ 

    Nhà nước thực hiện chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ đối với nội thủy như trên lãnh thổ đất liền. 

    Điều 11. Lãnh hải 

    Lãnh hải là vùng biển có chiều rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở ra phía biển

    Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam. 

    Điều 12. Chế độ pháp lý của lãnh hải 

    1. Nhà nước thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải và vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. 

    2. Tàu thuyền của tất cả các quốc gia được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam. Đối với tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. 

    3. Việc đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài phải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng hòa bình, độc lập, chủ quyền, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. 

    4. Các phương tiện bay nước ngoài không được vào vùng trời ở trên lãnh hải Việt Nam, trừ trường hợp được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam hoặc thực hiện theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. 

    5. Nhà nước có chủ quyền đối với mọi loại hiện vật khảo cổ, lịch sử trong lãnh hải Việt Nam. 

    Điều 13. Vùng tiếp giáp lãnh hải 

    Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lý tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải. 

    Điều 14. Chế độ pháp lý của vùng tiếp giáp lãnh hải 

    1. Nhà nước thực hiện quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và các quyền khác quy định tại Điều 16 của Luật này đối với vùng tiếp giáp lãnh hải. 

    2. Nhà nước thực hiện kiểm soát trong vùng tiếp giáp lãnh hải nhằm ngăn ngừa và trừng trị hành vi vi phạm pháp luật về hải quan, thuế, y tế, xuất nhập cảnh xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam. 

    Điều 15. Vùng đặc quyền kinh tế 

    Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. 

    Điều 16. Chế độ pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế 

    1. Trong vùng đặc quyền kinh tế, Nhà nước thực hiện: 

    a) Quyền chủ quyền về việc thăm dò, khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên thuộc vùng nước bên trên đáy biển, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển; về các hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vùng này vì mục đích kinh tế; 

    b) Quyền tài phán quốc gia về lắp đặt và sử dụng đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trên biển; nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển; 

    c) Các quyền và nghĩa vụ khác phù hợp với pháp luật quốc tế. 

    2. Nhà nước tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không; quyền đặt dây cáp, ống dẫn ngầm và hoạt động sử dụng biển hợp pháp của các quốc gia khác trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Luật này và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, không làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam. 

    Việc lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam. 

    3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt các thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên cơ sở các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, hợp đồng được ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc được phép của Chính phủ Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế có liên quan. 

    4. Các quyền có liên quan đến đáy biển và lòng đất dưới đáy biển quy định tại Điều này được thực hiện theo quy định tại Điều 17 và Điều 18 của Luật này. 

    Điều 17. Thềm lục địa 

    Thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa. 

    Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này cách đường cơ sở chưa đủ 200 hải lý thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở

    Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài không quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc không quá 100 hải lý tính từ đường đẳng sâu 2.500 mét. 

    Điều 18. Chế độ pháp lý của thềm lục địa 

    1. Nhà nước thực hiện quyền chủ quyền đối với thềm lục địa về thăm dò, khai thác tài nguyên. 

    2. Quyền chủ quyền quy định tại khoản 1 Điều này có tính chất đặc quyền, không ai có quyền tiến hành hoạt động thăm dò thềm lục địa hoặc khai thác tài nguyên của thềm lục địa nếu không có sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam. 

    3. Nhà nước có quyền khai thác lòng đất dưới đáy biển, cho phép và quy định việc khoan nhằm bất kỳ mục đích nào ở thềm lục địa. 

    4. Nhà nước tôn trọng quyền đặt dây cáp, ống dẫn ngầm và hoạt động sử dụng biển hợp pháp khác của các quốc gia khác ở thềm lục địa Việt Nam theo quy định của Luật này và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, không làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam. 

    Việc lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam. 

    5. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt thiết bị và công trình ở thềm lục địa của Việt Nam trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, hợp đồng ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc được phép của Chính phủ Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế có liên quan. 

    Điều 19. Đảo, quần đảo 

    1. Đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước. 

    Quần đảo là một tập hợp các đảo, bao gồm cả bộ phận của các đảo, vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan chặt chẽ với nhau. 

    2. Đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. 

    Điều 20. Nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của đảo, quần đảo 

    1. Đảo thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì có nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. 

    2. Đảo đá không thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. 

    3. Nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các đảo, quần đảo được xác định theo quy định tại các điều 9, 11, 13, 15 và 17 của Luật này và được thể hiện bằng hải đồ, bản kê toạ độ địa lý do Chính phủ công bố. 

    Điều 21. Chế độ pháp lý của đảo, quần đảo 

    1. Nhà nước thực hiện chủ quyền trên đảo, quần đảo của Việt Nam. 

    2. Chế độ pháp lý đối với vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các đảo, quần đảo được thực hiện theo quy định tại các điều 10, 12, 14, 16 và 18 của Luật này. 

    CHƯƠNG III: HOẠT ĐỘNG TRONG VÙNG BIỂN VIỆT NAM 

    Điều 22. Quy định chung 

    1. Tổ chức, cá nhân hoạt động trong vùng biển Việt Nam phải tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia của Việt Nam, tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan. 

    2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của tàu thuyền, tổ chức, cá nhân hoạt động trong vùng biển Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan. 

    Điều 23. Đi qua không gây hại trong lãnh hải 

    1. Đi qua lãnh hải là việc tàu thuyền nước ngoài đi trong lãnh hải Việt Nam nhằm một trong các mục đích sau: 

    a) Đi ngang qua nhưng không đi vào nội thủy Việt Nam, không neo đậu lại trong một công trình cảng, bến hay nơi trú đậu ở bên ngoài nội thủy Việt Nam; 

    b) Đi vào hoặc rời khỏi nội thủy Việt Nam hay đậu lại hoặc rời khỏi một công trình cảng, bến hay nơi trú đậu ở bên ngoài nội thủy Việt Nam. 

    2. Việc đi qua lãnh hải phải liên tục và nhanh chóng, trừ trường hợp gặp sự cố hàng hải, sự cố bất khả kháng, gặp nạn hoặc vì mục ��ích phải cứu giúp người, tàu thuyền hay tàu bay đang gặp nạn. 

    3. Việc đi qua không gây hại trong lãnh hải không được làm phương hại đến hòa bình, quốc phòng, an ninh của Việt Nam, trật tự an toàn trên biển. Việc đi qua của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải Việt Nam bị coi là gây phương hại đến hòa bình, quốc phòng, an ninh của Việt Nam, trật tự an toàn xã hội nếu tàu thuyền đó tiến hành bất kỳ một hành vi nào sau đây: 

    a) Đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; 

    b) Đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác; thực hiện các hành vi trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc; 

    c) Luyện tập hay diễn tập với bất kỳ kiểu, loại vũ khí nào, dưới bất kỳ hình thức nào; 

    d) Thu thập thông tin gây thiệt hại cho quốc phòng, an ninh của Việt Nam; 

    đ) Tuyên truyền nhằm gây hại đến quốc phòng, an ninh của Việt Nam; 

    e) Phóng đi, tiếp nhận hay xếp phương tiện bay lên tàu thuyền; 

    g) Phóng đi, tiếp nhận hay xếp phương tiện quân sự lên tàu thuyền; 

    h) Bốc, dỡ hàng hóa, tiền bạc hay đưa người lên xuống tàu thuyền trái với quy định của pháp luật Việt Nam về hải quan, thuế, y tế hoặc xuất nhập cảnh; 

    i) Cố ý gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển; 

    k) Đánh bắt hải sản trái phép; 

    l) Nghiên cứu, điều tra, thăm dò trái phép; 

    m) Làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống thông tin liên lạc hoặc của thiết bị hay công trình khác của Việt Nam; 

    n) Tiến hành hoạt động khác không trực tiếp liên quan đến việc đi qua. 

    Điều 24. Nghĩa vụ khi thực hiện quyền đi qua không gây hại

    1. Khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có nghĩa vụ tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về nội dung sau đây: 

    a) An toàn hàng hải và điều phối giao thông đường biển, tuyến hàng hải và phân luồng giao thông; 

    b) Bảo vệ thiết bị và hệ thống bảo đảm hàng hải, thiết bị hay công trình khác; 

    c) Bảo vệ đường dây cáp và ống dẫn; 

    d) Bảo tồn tài nguyên sinh vật biển; 

    đ) Hoạt động đánh bắt, khai thác và nuôi trồng hải sản; 

    e) Gìn giữ môi trường biển, ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm môi trường biển; 

    g) Nghiên cứu khoa học biển và đo đạc thủy văn; 

    h) Hải quan, thuế, y tế, xuất nhập cảnh. 

    2. Thuyền trưởng tàu thuyền nước ngoài chạy bằng năng lượng hạt nhân hoặc chuyên chở chất phóng xạ, chất độc hại hoặc nguy hiểm, khi đi trong lãnh hải Việt Nam có nghĩa vụ sau đây: 

    a) Mang đầy đủ tài liệu kỹ thuật liên quan tới tàu thuyền và hàng hóa trên tàu, tài liệu về bảo hiểm dân sự bắt buộc; 

    b) Sẵn sàng cung cấp cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam mọi tài liệu liên quan đến thông số kỹ thuật của tàu thuyền cũng như của hàng hóa trên tàu; 

    c) Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa đặc biệt đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên áp dụng đối với các loại tàu thuyền này; 

    d) Tuân thủ quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam về việc áp dụng biện pháp phòng ngừa đặc biệt, kể cả cấm không được đi qua lãnh hải Việt Nam hoặc buộc phải rời ngay khỏi lãnh hải Việt Nam trong trường hợp có dấu hiệu hoặc bằng chứng rõ ràng về khả năng gây rò rỉ hoặc làm ô nhiễm môi trường. 

    Điều 25. Tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải phục vụ cho việc đi qua không gây hại 

    1. Chính phủ quy định về việc công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải phục vụ cho việc đi qua không gây hại nhằm bảo đảm an toàn hàng hải. 

    2. Tàu thuyền nước ngoài chở dầu hoặc chạy bằng năng lượng hạt nhân hoặc chuyên chở chất phóng xạ, chất độc hại hay nguy hiểm khi đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam có thể bị buộc phải đi theo tuyến hàng hải quy định cụ thể cho từng trường hợp. 

     

    Điều 26. Vùng cấm và khu vực hạn chế hoạt động trong lãnh hải 

    1. Để bảo vệ chủ quyền, quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia hoặc an toàn hàng hải, bảo vệ tài nguyên, sinh thái biển, chống ô nhiễm, khắc phục sự cố, thảm họa môi trường biển, phòng chống lây lan dịch bệnh, Chính phủ thiết lập vùng cấm tạm thời hoặc vùng hạn chế hoạt động trong lãnh hải Việt Nam. 

    2. Việc thiết lập vùng cấm tạm thời hoặc vùng hạn chế hoạt động trong lãnh hải Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều này phải được thông báo rộng rãi trong nước và quốc tế trong “Thông báo hàng hải”, theo tập quán hàng hải quốc tế, chậm nhất là 15 ngày trước khi áp dụng hoặc thông báo ngay sau khi áp dụng trong trường hợp khẩn cấp. 

    Điều 27. Tàu quân sự và tàu thuyền công vụ của nước ngoài đến Việt Nam 

    1. Tàu quân sự và tàu thuyền công vụ của nước ngoài chỉ được đi vào nội thủy, neo đậu tại một công trình cảng, bến hay nơi trú đậu trong nội thuỷ hoặc công trình cảng, bến hay nơi trú đậu của Việt Nam ở bên ngoài nội thủy Việt Nam theo lời mời của Chính phủ Việt Nam hoặc theo thỏa thuận giữa các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam với quốc gia mà tàu mang cờ. 

    2. Tàu quân sự và tàu thuyền công vụ của nước ngoài khi ở trong nội thủy, cảng, bến hay nơi trú đậu trong nội thuỷ hoặc các công trình cảng, bến hay nơi trú đậu của Việt Nam ở bên ngoài nội thủy Việt Nam phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác và phải hoạt động phù hợp với lời mời của Chính phủ Việt Nam hoặc thỏa thuận với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. 

    Điều 28. Trách nhiệm của tàu quân sự và tàu thuyền công vụ của nước ngoài trong vùng biển Việt Nam 

    Tàu quân sự của nước ngoài khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam mà có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam thì lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển của Việt Nam có quyền yêu cầu các tàu thuyền đó chấm dứt ngay hành vi vi phạm, rời khỏi lãnh hải Việt Nam ngay lập tức nếu đang ở trong lãnh hải Việt Nam. Tàu thuyền vi phạm phải tuân thủ các yêu cầu, mệnh lệnh của lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển của Việt Nam. 

    Trường hợp tàu quân sự, tàu thuyền công vụ của nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam mà có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật quốc tế có liên quan thì quốc gia mà tàu mang cờ phải chịu trách nhiệm về mọi tổn thất hoặc thiệt hại do tàu thuyền đó gây ra cho Việt Nam. 

    Điều 29. Hoạt động của tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác của nước ngoài trong nội thuỷ, lãnh hải Việt Nam 

    Trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam, tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác của nước ngoài phải hoạt động ở trạng thái nổi trên mặt nước và phải treo cờ quốc tịch, trừ trường hợp được phép của Chính phủ Việt Nam hoặc theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ của quốc gia mà tàu thuyền đó mang cờ. 

    Điều 30. Quyền tài phán hình sự đối với tàu thuyền nước ngoài 

    1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có quyền tiến hành các biện pháp để bắt người, điều tra đối với tội phạm xảy ra trên tàu thuyền nước ngoài sau khi rời khỏi nội thủy và đang đi trong lãnh hải Việt Nam. 

    2. Đối với tội phạm xảy ra trên tàu thuyền nước ngoài đang đi trong lãnh hải Việt Nam nhưng không phải ngay sau khi rời khỏi nội thủy Việt Nam, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có quyền tiến hành bắt người, điều tra trong các trường hợp sau đây: 

    a) Hậu quả của việc phạm tội ảnh hưởng đến Việt Nam; 

    b) Việc phạm tội có tính chất phá hoại hòa bình của Việt Nam hay trật tự trong lãnh hải Việt Nam; 

    c) Thuyền trưởng hay một viên chức ngoại giao hoặc viên chức lãnh sự của quốc gia mà tàu thuyền mang cờ yêu cầu sự giúp đỡ của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam; 

    d) Để ngăn chặn hành vi mua bán người, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy. 

    3. Lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển không được tiến hành bất kỳ biện pháp nào trên tàu thuyền nước ngoài đang đi trong lãnh hải Việt Nam để bắt giữ người hay điều tra việc phạm tội đã xảy ra trước khi tàu thuyền đó đi vào lãnh hải Việt Nam nếu như tàu thuyền đó xuất phát từ một cảng nước ngoài và chỉ đi trong lãnh hải mà không đi vào nội thủy Việt Nam, trừ trường hợp cần ngăn ngừa, hạn chế ô nhiễm môi trường biển hoặc để thực hiện quyền tài phán quốc gia quy định tại điểm b khoản 1 Điều 16 của Luật này. 

    4. Việc thực hiện biện pháp tố tụng hình sự phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan. 

    Điều 31. Quyền tài phán dân sự đối với tàu thuyền nước ngoài 

    1. Lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển không được buộc tàu thuyền nước ngoài đang đi trong lãnh hải phải dừng lại hoặc thay đổi hành trình chỉ vì mục đích thực hiện quyền tài phán dân sự đối với cá nhân đang ở trên tàu thuyền đó. 

    2. Lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển không được tiến hành các biện pháp bắt giữ hay xử lý về mặt dân sự đối với tàu thuyền nước ngoài đang đi trong vùng biển Việt Nam, trừ nội thủy, trừ trường hợp việc thi hành các biện pháp này liên quan đến nghĩa vụ đã cam kết hay trách nhiệm dân sự mà tàu thuyền phải đảm nhận trong khi đi qua hoặc để được đi qua vùng biển Việt Nam. 

    3. Lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có thể áp dụng các biện pháp bắt giữ hay xử lý tàu thuyền nước ngoài nhằm mục đích thực hiện quyền tài phán dân sự nếu tàu thuyền đó đang đậu trong lãnh hải hoặc đi qua lãnh hải sau khi rời khỏi nội thủy Việt Nam

    Điều 32. Thông tin liên lạc trong cảng, bến hay nơi trú đậu của Việt Nam. 

    Tổ chức, cá nhân và tàu thuyền khi ở trong các cảng, bến hay nơi trú đậu trong nội thuỷ hay trong công trình cảng, bến hay nơi trú đậu của Việt Nam ở bên ngoài nội thủy Việt Nam chỉ được tiến hành thông tin liên lạc theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan. 

    Điều 33. Tìm kiếm, cứu nạn và cứu hộ 

    1. Trường hợp người, tàu thuyền hoặc phương tiện bay gặp nạn hoặc nguy hiểm trên biển cần sự cứu giúp thì phải phát tín hiệu cấp cứu theo quy định và khi điều kiện cho phép phải thông báo ngay cho cảng vụ hàng hải hay Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam hay nhà chức trách địa phương nơi gần nhất biết để được giúp đỡ, hướng dẫn cần thiết. 

    2. Khi nhận biết tình trạng người, tàu thuyền gặp nạn hoặc nguy hiểm hay nhận được tín hiệu cấp cứu của người, tàu thuyền gặp nạn hoặc nguy hiểm cần được cứu giúp, mọi cá nhân, tàu thuyền khác phải bằng mọi cách tiến hành cứu giúp người, tàu thuyền gặp nạn hoặc nguy hiểm nếu điều kiện thực tế cho phép và không gây nguy hiểm đến tàu thuyền, những người đang ở trên tàu thuyền của mình và kịp thời thông báo cho cá nhân, tổ chức liên quan biết. 

    3. Nhà nước bảo đảm sự giúp đỡ cần thiết theo quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế có liên quan và trên tinh thần nhân đạo để người và tàu thuyền gặp nạn hoặc nguy hiểm trên biển có thể nhanh chóng được tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả. 

    4. Trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam, Nhà nước có đặc quyền trong việc thực hiện các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ người và tàu thuyền gặp nạn hoặc nguy hiểm cần sự cứu giúp, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác. 

    5. Lực lượng có thẩm quyền có quyền huy động cá nhân, tàu thuyền đang hoạt động trong vùng biển Việt Nam tham gia tìm kiếm, cứu nạn nếu điều kiện thực tế cho phép và không gây nguy hiểm cho cá nhân, tàu thuyền đó. 

    Việc huy động và yêu cầu quy định tại khoản này chỉ được thực hiện trong trường hợp khẩn cấp và chỉ trong thời gian cần thiết để thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn. 

    6. Việc cứu hộ hàng hải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng cứu hộ hàng hải theo thỏa thuận giữa chủ tàu thuyền hoặc thuyền trưởng tàu thuyền tham gia cứu hộ với chủ tàu thuyền hoặc thuyền trưởng của tàu thuyền gặp nạn, phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan. 

    7. Tàu thuyền nước ngoài vào vùng biển Việt Nam thực hiện việc tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan. 

    Điều 34. Đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển 

    1. Đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển bao gồm: 

    a) Các giàn khoan trên biển cùng toàn bộ các bộ phận phụ thuộc khác đảm bảo hoạt động bình thường và liên tục của các giàn khoan hoặc các thiết bị chuyên dùng để thăm dò, khai thác và sử dụng biển; 

    b) Các loại báo hiệu hàng hải; 

    c) Các thiết bị, công trình khác được lắp đặt và sử dụng ở biển. 

    2. Nhà nước có quyền tài phán đối với các đảo nhân tạo và thiết bị, công trình trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, bao gồm cả quyền tài phán theo các quy định của pháp luật về hải quan, thuế, y tế, an ninh và xuất nhập cảnh, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác. 

    3. Các đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển và các bộ phận kèm theo hoặc phụ thuộc có vành đai an toàn 500 mét tính từ điểm nhô ra xa nhất của đảo, thiết bị, công trình hoặc các bộ phận đó, nhưng không có lãnh hải và các vùng biển riêng, trừ trường hợp pháp luật hay điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác. 

    4. Không xây dựng đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển cũng như không thiết lập vành đai an toàn xung quanh đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển ở nơi có nguy cơ gây trở ngại cho việc sử dụng các đường hàng hải đã được thừa nhận là thiết yếu cho hàng hải quốc tế. 

    5. Khi hết hạn sử dụng, thiết bị, công trình trên biển phải được tháo dỡ khỏi vùng biển Việt Nam, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Đối với phần còn lại của thiết bị, công trình trên biển chưa kịp tháo dỡ hoàn toàn vì lý do kỹ thuật hoặc được phép gia hạn thì phải thông báo rõ vị trí, kích thước, hình dạng, độ sâu và phải đặt các tín hiệu, báo hiệu hàng hải và nguy hiểm thích hợp. 

    6. Thông tin liên quan tới việc thiết lập đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển, việc thiết lập vành đai an toàn xung quanh và việc tháo dỡ một phần hay toàn bộ thiết bị, công trình trên biển phải được cung cấp chậm nhất trước 15 ngày cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và được thông báo rộng rãi trong nước và quốc tế. 

    Điều 35. Gìn giữ, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển 

    1. Khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam, tàu thuyền, tổ chức, cá nhân phải tuân thủ mọi quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan đến việc gìn giữ, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển. 

    2. Khi vận chuyển, bốc, dỡ các loại hàng hóa, thiết bị có khả năng gây hại đối với tài nguyên, đời sống của con người và ô nhiễm môi trường biển, tàu thuyền, tổ chức, cá nhân phải sử dụng thiết bị và các biện pháp chuyên dụng theo quy định để ngăn ngừa và hạn chế tối đa thiệt hại có thể xảy ra cho người, tài nguyên và môi trường biển. 

    3.Tàu thuyền, tổ chức, cá nhân không được thải, nhận chìm hay chôn lấp các loại chất thải công nghiệp, chất thải hạt nhân hoặc các loại chất thải độc hại khác trong vùng biển Việt Nam. 

    4. Tàu thuyền, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan làm ảnh hưởng đến tài nguyên và môi trường biển trong vùng biển, cảng biển, bến hay nơi trú đậu của Việt Nam thì bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; nếu gây thiệt hại thì phải làm sạch, khôi phục lại môi trường và bồi thường theo quy định của pháp luật. 

    5. Tổ chức, cá nhân hoạt động trên các vùng biển Việt Nam có nghĩa vụ nộp thuế, phí, lệ phí và các khoản đóng góp về bảo vệ môi trường biển theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế có liên quan. 

    Điều 36. Nghiên cứu khoa học biển 

    1. Tàu thuyền, tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam phải có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam, chịu sự giám sát của phía Việt Nam, bảo đảm cho các nhà khoa học Việt Nam được tham gia và phải cung cấp cho phía Việt Nam các tài liệu, mẫu vật gốc và các kết quả nghiên cứu liên quan. 

    2. Khi tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam, tàu thuyền, tổ chức, cá nhân phải tuân thủ những quy định sau đây: 

    a) Có mục đích hòa bình; 

    b) Được thực hiện v���i phương thức và phương tiện thích hợp, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan; 

    c) Không được gây cản trở đối với các hoạt động hợp pháp trên biển theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan; 

    d) Nhà nước Việt Nam có quyền tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học của nước ngoài trong vùng biển Việt Nam và có quyền được chia sẻ các tài liệu, mẫu vật gốc, sử dụng và khai thác các kết quả khoa học thu được từ các hoạt động nghiên cứu, khảo sát đó. 

    Điều 37. Quy định cấm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam 

    Khi thực hiện quyền tự do hàng hải, tự do hàng không trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, tổ chức, cá nhân không được tiến hành các hoạt động sau đây: 

    1. Đe dọa chủ quyền, quốc phòng, an ninh của Việt Nam; 

    2. Khai thác trái phép tài nguyên sinh vật, đánh bắt hải sản trái phép; 

    3. Khai thác trái phép dòng chảy, năng lượng gió và tài nguyên phi sinh vật khác; 

    4. Xây dựng, lắp đặt, sử dụng trái phép các thiết bị, công trình nhân tạo; 

    5. Khoan, đào trái phép; 

    6. Tiến hành nghiên cứu khoa học trái phép; 

    7. Gây ô nhiễm môi trường biển; 

    8. Cướp biển, cướp có vũ trang; 

    9. Các hoạt động bất hợp pháp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế. 

    Điều 38. Cấm tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí, chất nổ, chất độc hại 

    Khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam, tàu thuyền, tổ chức, cá nhân không được tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí hoặc chất nổ, chất độc hại cũng như các loại phương tiện thiết bị khác có khả năng gây hại đối với người, tài nguyên và ô nhiễm môi trường biển. 

    Điều 39. Cấm mua bán người, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy 

    1. Khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam, tàu thuyền, tổ chức, cá nhân không được mua bán người, vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép các chất ma túy. 

    2. Khi có căn cứ về việc tàu thuyền, tổ chức, cá nhân đang mua bán người hoặc vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép các chất ma túy thì lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển của Việt Nam có quyền tiến hành khám xét, kiểm tra, bắt giữ, dẫn giải về các cảng, bến hay nơi trú đậu của Việt Nam hoặc dẫn giải, chuyển giao đến các cảng, bến hay nơi trú đậu của nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên để xử lý. 

    Điều 40. Cấm phát sóng trái phép 

    Khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam, tàu thuyền, tổ chức, cá nhân không được phát sóng trái phép hoặc tuyên truyền, gây phương hại cho quốc phòng, an ninh của Việt Nam. 

    Điều 41. Quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài 

    1. Lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam nếu các tàu thuyền này đang ở trong nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam. 

    Quyền truy đuổi được tiến hành sau khi lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển đã phát tín hiệu yêu cầu tàu thuyền vi phạm hay có dấu hiệu vi phạm pháp luật dừng lại để tiến hành kiểm tra nhưng tàu thuyền đó không chấp hành. Việc truy đuổi có thể được tiếp tục ở ngoài ranh giới của lãnh hải hay vùng tiếp giáp lãnh hải Viêt Nam nếu được tiến hành liên tục, không ngắt quãng. 

    2. Quyền truy đuổi cũng được áp dụng đối với hành vi vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, vi phạm trong phạm vi vành đai an toàn và trên các đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. 

    3. Việc truy đuổi của các lực lượng tuần tra, kiểm soát Việt Nam chấm dứt khi tàu thuyền bị truy đuổi đi vào lãnh hải của quốc gia khác. 

    CHƯƠNG IV: PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN 

    Điều 42. Nguyên tắc phát triển kinh tế biển 

    Phát triển kinh tế biển bền vững, hiệu quả theo các nguyên tắc sau đây: 

    1. Phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. 

    2. Gắn với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn trên biển. 

    3. Phù hợp với yêu cầu quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển. 

    4. Gắn với phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương ven biển và hải đảo. 

    Điều 43. Phát triển các ngành kinh tế biển 

    Nhà nước ưu tiên tập trung phát triển các ngành kinh tế biển sau đây: 

    1. Tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu, khí và các loại tài nguyên, khoáng sản biển; 

    2. Vận tải biển, cảng biển, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, phương tiện đi biển và các dịch vụ hàng hải khác; 

    3. Du lịch biển và kinh tế đảo; 

    4. Khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản; 

    5. Phát triển, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học – công nghệ về khai thác và phát triển kinh tế biển; 

    6. Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực biển. 

    Điều 44. Quy hoạch phát triển kinh tế biển 

    1. Căn cứ lập quy hoạch phát triển kinh tế biển bao gồm: 

    a) Chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của cả nước; chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia; 

    b) Định hướng chiến lược phát triển bền vững và chiến lược biển; 

    c) Đặc điểm, vị trí địa lý, quy luật tự nhiên của các vùng biển, vùng ven biển và hải đảo; 

    d) Kết quả điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường biển; thực trạng và dự báo nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển của cả nước, của vùng và của các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương; 

    đ) Giá trị tài nguyên và mức độ dễ bị tổn thương của môi trường biển; 

    e) Nguồn lực để thực hiện quy hoạch. 

    2. Nội dung quy hoạch phát triển kinh tế biển bao gồm: 

    a) Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội và hiện trạng khai thác, sử dụng biển; 

    b) Xác định phương hướng, mục tiêu và định hướng sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; 

    c) Phân vùng sử dụng biển cho các mục đích phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh; xác định các vùng cấm khai thác, các vùng khai thác có điều kiện, khu vực cần bảo vệ đặc biệt cho mục đích quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và bảo tồn hệ sinh thái và đảo nhân tạo, các thiết bị, công trình trên biển; 

    d) Xác định vị trí, diện tích và thể hiện trên bản đồ các vùng sử dụng mặt biển, đáy biển, đảo; 

    đ) Xác định cụ thể các vùng bờ biển dễ bị tổn thương như bãi bồi, vùng bờ biển xói lở, rừng phòng hộ, đất ngập nước, cát ven biển, xác định vùng đệm và có các giải pháp quản lý, bảo vệ phù hợp; 

    e) Giải pháp và tiến độ thực hiện quy hoạch. 

    3. Chính phủ xây dựng phương án tổng thể phát triển các ngành kinh tế biển quy định tại Điều 43 của Luật này và tổ chức thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển của cả nước trình Quốc hội xem xét, quyết định. 

    Điều 45. Xây dựng và phát triển kinh tế biển 

    1. Nhà nước có chính sách đầu tư xây dựng, phát triển các khu kinh tế, cụm công nghiệp ven biển, kinh tế các huyện đảo theo quy hoạch, bảo đảm hiệu quả, phát triển bền vững. 

    2. Việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển được thực hiện theo quy định của Chính phủ. 

    Điều 46. Khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế trên các đảo và hoạt động trên biển 

    1. Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mạng lưới hậu cần biển, phát triển kinh tế các huyện đảo; có chính sách ưu đãi để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư sinh sống trên các đảo. 

    2. Nhà nước khuyến khích, ưu đãi về thuế, vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư khai thác tiềm năng và thế mạnh phát triển trên các đảo. 

    3. Nhà nước khuyến khích, ưu đãi về thuế, vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tăng cường hoạt động ngư nghiệp và các hoạt động khác trên biển, đảo; bảo vệ hoạt động của nhân dân trên biển, đảo. 

    4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này. 

    CHƯƠNG V: TUẦN TRA, KIỂM SOÁT TRÊN BIỂN 

    Điều 47. Lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển 

    1. Lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển bao gồm:các lực lượng có thẩm quyền thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, các lực lượng tuần tra, kiểm soát chuyên ngành khác. 

    2. Lực lượng dân quân tự vệ của các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương, lực lượng bảo vệ của tổ chức, cơ quan đóng ven biển và các lực lượng khác có trách nhiệm tham gia tuần tra, kiểm soát trên biển khi được cơ quan có thẩm quyền huy động. 

    Điều 48. Nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm tuần tra, kiểm soát trên biển 

    1. Lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có nhiệm vụ sau đây: 

    a) Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên các vùng biển, đảo của Việt Nam; 

    b) Bảo đảm việc tuân thủ pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; 

    c) Bảo vệ tài sản nhà nước, tài nguyên và môi trường biển; 

    d) Bảo vệ, giúp đỡ, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đối với người, tàu thuyền hoạt động trên các vùng biển, đảo của Việt Nam; 

    đ) Xử lý hành vi vi phạm pháp luật trên các vùng biển, đảo của Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam. 

    2. Phạm vi trách nhiệm cụ thể của các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển thực hiện theo các quy định pháp luật. 

    3. Nhà nước bảo đảm những điều kiện cần thiết để các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

    Điều 49. Cờ, sắc phục và phù hiệu 

    Khi thi hành nhiệm vụ, tàu thuyền thuộc lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển phải được trang bị đầy đủ quốc kỳ Việt Nam, số hiệu, cờ hiệu; cá nhân thuộc lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển được trang bị đầy đủ quân phục, trang phục của lực lượng cùng với các dấu hiệu đặc trưng khác theo quy định của pháp luật. 

    CHƯƠNG VI: XỬ LÝ VI PHẠM 

    Điều 50. Dẫn giải và địa điểm xử lý vi phạm 

    1. Căn cứ vào quy định của pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển ra quyết định xử lý vi phạm tại chỗ hoặc dẫn giải người, tàu thuyền vi phạm vào bờ hoặc yêu cầu cơ quan hữu quan của quốc gia mà tàu mang cờ, quốc gia nơi tàu đó đến để xử lý vi phạm. 

    2. Khi dẫn giải vào bờ để xử lý, người và tàu thuyền vi phạm phải được áp giải về cảng, bến hay nơi trú đậu gần nhất được liệt kê trong danh mục cảng, bến hay nơi trú đậu đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công bố theo quy định của pháp luật. 

    Trường hợp vì yêu cầu bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người trên tàu thuyền, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có thể quyết định dẫn giải người và tàu thuyền vi phạm đó đến cảng, bến hay nơi trú đậu gần nhất của Việt Nam hoặc của nước ngoài theo quy định của pháp luật. 

    Điều 51. Biện pháp ngăn chặn 

    1. Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam; tàu thuyền được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm có thể bị tạm giữ nhằm ngăn chặn việc vi phạm pháp luật hoặc để bảo đảm việc xử lý theo pháp luật. 

    2. Việc bắt, tạm giữ, tạm giam người có hành vi vi phạm pháp luật; việc tạm giữ tàu thuyền được thực hiện theo quy định của pháp luật. 

    Điều 52. Thông báo cho Bộ Ngoại giao 

    Khi tiến hành bắt, tạm giữ, tạm giam người có hành vi vi phạm pháp luật, hoặc tạm giữ tàu thuyền nước ngoài, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo ngay cho Bộ Ngoại giao để phối hợp xử lý. 

    Điều 53. Xử lý vi phạm 

    Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Luật này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. 

    CHƯƠNG VII: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH 

    Điều 54. Hiệu lực thi hành 

    Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013

    Điều 55. Hướng dẫn thi hành 

    Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật."

     

     

    (Lưu ý, có khả năng những nội dung trên đây có thể giống với toàn bộ nội dung của Luật Biển Việt Nam 2012 sẽ được công bố trong thời gian tới) 

     

    Download - tải toàn văn LUẬT BIỂN VIỆT NAM 2012 trực tiếp tại đây:

    Luật biển Việt Nam 2012

    Cập nhật bởi lawcao ngày 04/07/2012 08:04:04 SA Cập nhật bởi lawcao ngày 04/07/2012 07:54:55 SA

    Luật sư Lê Cao - Công ty Luật hợp danh FDVN,

    193 Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng,

    www.fdvn.vn ĐT: 05113. 890 568

    ..................................................Chơi với phù phiếm!......................

     
    66863 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn lawcao vì bài viết hữu ích
    BacCAND (21/08/2012)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #198600   04/07/2012
    Được đánh dấu trả lời

    lawcao
    lawcao

    Male
    Chồi

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:22/07/2010
    Tổng số bài viết (65)
    Số điểm: 1058
    Cảm ơn: 15
    Được cảm ơn 63 lần


     

    Tên sách: SỔ TAY PHÁP LÝ CHO NGƯỜI ĐI BIỂN Tác giả: Tập thể tác giả, Luật sư, TS Hoàng Ngọc Giao chủ biên Phát hành: Bộ Ngoại giao, Ban Biên giới, NXB Chính trị Quốc gia.

    ***

    CHƯƠNG III. CÁC THỰC THỂ LIÊN QUAN ĐẾN BIỂN

     

    Về quốc gia ven biển, quốc gia không có biển, quốc gia quần đảo

    Quốc gia ven biển là các quốc gia có bờ biển.

    Quốc gia không có biển là các quốc gia không có bờ biển. Hiện trên thế giới có 42 quốc gia không có bờ biển. Lào, nước láng giềng của nước ta, là quốc gia không có bờ biển.

    Các quốc gia không có biển có quyền đi ra biển và đi từ biển vào để thực hiện các quyền mà những quốc gia này được hưởng theo Công ước Luật biển 1982 (quyền tự do trên biển cả, các quyền với vùng…), quyền có hạm đội treo cờ của nước mình, được khai thác số cá thừa tại vùng đặc quyền về kinh tế của quốc gia ven biển theo thỏa thuận với quốc gia ven biển.

    Thực hiện các quyền này, các quốc gia không có biển có quyền quá cảnh các quốc gia khác thông qua thỏa thuận với các quốc gia đó. Việc quá cảnh được thực hiện trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của quốc gia không có biển và lợi ích chính đáng của quốc gia quá cảnh hữu quan.

    Lào thực hiện quyền quá cảnh qua Việt Nam theo Hiệp ước năm 1959 giữa Lào và Nam Việt Nam, bảo đảm quyền tự do quá cảnh. Sau năm 1975, CHXHCN Việt Nam tạo điều kiện cho Lào quá cảnh qua cảng Đà Nẵng và cảng Cửa Lò. Ngoài ra, Việt Nam còn cho phép Lào đánh bắt lượng cá dư thừa trên vùng đặc quyền về kinh tế theo thỏa thuận giữa hai bên.

    Quốc gia quần đảo là một quốc gia hoàn toàn được cấu thành bởi một hay nhiều quần dảo và có thể bao gồm một số hòn đảo khác nữa. Ven bờ Biển Đông có hai quốc gia quần đảo thuộc loại lớn nhất trên thế giới là Philippines và Indonesia. Nước ta tuy có nhiều đảo và quần đảo song vẫn không phải là quốc gia quần đảo mà chỉ là quốc gia ven biển.

    Khái niệm quốc gia quần đảo lần đầu tiên được công nhận trong Công ước Luật biển 1982, tại Điều 46. Trên thế giới có nhiều quốc gia quần đảo, gần gũi với chúng ta có Indonesia, Philippines, hay Cabo Verde.

    ….

    Đảo là gì?

    Đảo theo cách hiểu thông thường là một vùng đất có nước bao quanh. Theo cách hiểu này, ta có đảo nằm trong các sông hồ và đảo nằm trong biển (hải đảo). Đối với người đi biển thì đảo được hiểu là các hải đảo nói chung, bao gồm các đảo, đá.

    Theo nghĩa pháp lý:

    Một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước. (trích Điều 121, Công ước Luật biển 1982)

    Định nghĩa trên đã đưa ra các điều kiện pháp lý để một vùng đất có nước bao quanh được công nhận là đảo trước pháp luật:

    1. một đảo phải được hình thành một cách tự nhiên: “Vùng đất tự nhiên” này phải có sự gắn bó hữu cơ với đáy biển;
    2. có cùng độ nổi thường xuyên như đất liền, khi thủy triều lên vẫn ở trên mặt nước, ở trên mực triều cường và
    3. Đảo cần phải có nước bao bọc xung quanh. Tuy nhiên, khi một đảo được nối với đất liền bởi cây cầu hoặc đường hầm thì đương nhiên vẫn có giá trị như một đảo. Trong các quy định của luật pháp quốc tế cũng như thực tiễn đời sống quốc tế đã chứng minh thành phần vật chất cấu tạo nên đảo có thể từ bùn, san hô, cát, đất… mà không ảnh hưởng đến chế độ pháp lý của các đảo.

    Chế độ pháp lý của đảo:

    Với điều kiện phải tuân thủ Khoản 3, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của một hòn đảo được hoạch định theo đúng các quy định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác. (trích Điều 121 Công ước Luật biển 1982)

    Quy định này khẳng định các đảo cũng có cùng các danh nghĩa và được đối xử ngang bằng như các vùng lãnh thổ đất liền. Có nghĩa là, các đảo có lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa được hoạch định theo đúng các quy định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác.

    Trên các đảo, quốc gia cũng có chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ như trên lãnh thổ đất liền (các quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp). Điều này đã làm tăng thêm vai trò của các đảo. Năm 1955, Nữ hoàng Anh đã ra lệnh cho Hải quân cắm cờ, dựng bia chủ quyền trên Rock All rộng 3 m vuông, cao 21 m, để tuyên bố vùng đặc quyền về kinh tế xung quanh Rock All là 200 hải lý.

    Đảo Cook rộng 243 km vuông có quyền nhận 352.240 km vuông vùng đặc quyền về kinh tế. Đảo Naru với 21 km vuông sẽ có 323.750 km vuông vùng đặc quyền về kinh tế. (1)

    Phân loại

    Mặc dù có một quy chế cho các đảo, nhưng Công ước Luật biển 1982 không đưa ra được các tiêu chuẩn để phân loại các đảo. Trước đây, trong dự thảo các điều khoản liên quan tới việc hoạch định quyền tài phán của quốc gia ven biển trong các vùng biển thuộc quyền tài phán của họ đưa ra trong Hội nghị lần thứ III của LHQ về Luật biển ngày 17-7-1973 có đưa ra đề nghị đảo “là một diện tích tự nhiên có diện tích trên 1 km vuông” (2). Kiến nghị này có vẻ như giống các nỗ lực phân loại của Văn phòng Thủy văn Quốc tế và một số chuyên gia:

    + Đá (rocks) có diện tích nhỏ hơn 0,001 hải lý vuông + Đảo nhỏ (islets) có diện tích 0,001 - 1 hải lý vuông + Đảo vừa (isles) có diện tích 1 - 1.000 hải lý vuông + Đảo lớn (islands) có diện tích trên 1.000 hải lý vuông

    Cho đến nay, vẫn chưa có sự phân loại các đảo một cách cụ thể chính xác của bất cứ cơ quan, tổ chức quốc tế nào.

    Các đảo và các quy định của Việt Nam về các đảo?

    Việt Nam là một quốc gia ven biển, với chiều dài bờ biển khoảng 3.620 km và rất nhiều các đảo ven bờ và xa bờ. Hệ thống đảo tiền tiêu phía Bắc có các đảo: đảo Trần (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Hòn Mát, Hòn Mê (Thanh Hóa)… Các đảo lớn ven bờ, giàu tiềm năng như: Phú Quốc, Phú Quý, Côn Đảo và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở giữa Biển Đông… Các đảo của nước ta có vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

    Ngày 23 tháng 6 năm 1994, Việt Nam phê chuẩn Công ước Luật biển 1982. Theo quy định chung, Việt Nam phải có các quy định phù hợp với Công ước. Về các đảo, chúng ta cũng như các quốc gia khác thường không có các quy định cụ thể, chế độ pháp lý của các đảo. Chỉ trong trường hợp cụ thể (liên quan đến việc hoạch định quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển, quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển trong các vùng biển…) có thể sẽ có các quy định riêng.

    Đá có phải là đảo không?

    Đá là một dạng của đảo, thường được gọi là đảo đá hoặc bãi đá. Đây là những đảo được hình thành một cách tự nhiên từ đá. Các đảo này thường được cấu thành từ một khối liền nhất hoặc từ nhiều chỏm đá, diện tích nhỏ (thường nhỏ hơn 0,001 hải lý vuông).

    Các đảo đá không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì chỉ được có vùng lãnh hải tối đa 12 hải lý, không được phép có vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền về kinh tế (trích Khoản 3, điều 121 Công ước Luật biển 1982).

    Trong điều 10 của Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1958 đã trao một lãnh hải cho tất cả các phần nhô lên một cách tự nhiên trên biển. Và theo quy định của Công ước Luật biển năm 1982, đã không được hưởng quy chế của các đảo, có nghĩa là đá chỉ có được vùng lãnh hải 12 hải lý và vùng tiếp giáp lãnh hải 12 hải lý.

    Trong thực tiễn quốc tế, có những trường hợp, bãi đá chỉ được 3, 6 hay 9 hải lý lãnh hải và vùng tiếp giáp, tùy vào sự thỏa thuận của các quốc gia liên quan hoặc phán quyết của Tòa án Quốc tế, Tòa Trọng tài hoặc các cơ quan tài phán quốc tế khác mà các bên liên quan chấp nhận đề nghị hoặc trưng cầu.

    CÁC VÙNG BIỂN VÀ THỀM LỤC ĐỊA

    Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982 quy định về các vùng biển như thế nào?

    Công ước Luật biển 1982 chính thức xác lập cơ sở pháp lý cho việc xác lập các vùng biển – một vấn đề vốn gây rất nhiều bất đồng giữa các quốc gia trong cộng đồng quốc tế. Công ước quy định cụ thể về cách xác định, phạm vi, quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền tài phán và quyền chủ quyền của quốc gia, các vùng biển nằm ngòai phạm vi chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển, theo đó:

    Các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền tài phán hoặc quyền chủ quyền của quốc gia ven biển gồm:

    • Nội thủy
    • Lãnh hải
    • Vùng tiếp giáp lãnh hải
    • Vùng đặc quyền về kinh tế
    • Thềm lục địa

    Các vùng biển nằm ngoài phạm vi chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển gồm:

    • Biển cả
    • Vùng đáy đại dương – di sản chung của nhân loại

    ____________

    Ghi chú:

    (1) Quy chế pháp lý của các đảo trong luật biển mới. Tạp chí Luật quốc tế của các khoa học ngoại giao và chính trị, tập 65, 1987, tr. 162.  (2) Tư liệu A.AC, 138 SC II.L. 28 ngày 17-7-1973 

     

    Lãnh hải Việt Nam, luật biển và Biển Đông - những điều cần biết

    Tên sách: SỔ TAY PHÁP LÝ CHO NGƯỜI ĐI BIỂN Tác giả: Tập thể tác giả, Luật sư, TS Hoàng Ngọc Giao chủ biên Phát hành: Bộ Ngoại giao, Ban Biên giới, NXB Chính trị Quốc gia.

    ***

     

    Đường cơ sở là gì? Ý nghĩa của nó trong việc xác định không gian biển?

    Đường cơ sở là cách nói ngắn của từ “đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải”. Tuy nhiên, do sau này đường cơ sở này còn là căn cứ để xác định ranh giới của tất cả các vùng biển còn lại nên người ta có xu hướng gọi tắt. Theo cách hiểu trực quan nhất, đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải chính là đường ranh giới bên trong của lãnh hải. Theo Công ước Luật biển 1982, ta có hai loại đường cơ sở: đường cơ sở thông thường và đường cơ sở thẳng.

    Đường cơ sở thông thường “… là ngấn nước triều thấp nhất dọc theo bờ biển như được thể hiện trên các hải đồ tỷ lệ lớn đã được quốc gia ven biển chính thức công nhận” (Điều 5, Công ước Luật biển 1982).

    Đường cơ sở thẳng là đường cơ sở nối liền các điểm thích hợp và được áp dụng “ở những nơi nào bờ biển bị khoét sâu và lồi lõm hoặc nếu có một chuỗi đảo nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển”, hoặc “ở nơi nào bờ biển cực kỳ không ổn định do có một châu thổ và do những điều kiện tự nhiên khác” (Điều 7, Công ước Luật biển 1982). Việc vạch đường cơ sở thẳng phải tuân thủ hai điều kiện:

    1. Tuyến đường cơ sở thẳng vạch phải đi theo xu hướng chung của bờ biển, và
    2. Các vùng biển ở bên trong đường cơ sở này phải gắn với đất liền đủ đến mức đặt dưới chế độ nội thủy, nghĩa là tuyến đường cơ sở thẳng vạch ra không được cách xa bờ.

    Khi vạch ra đường cơ sở thẳng phải tuân thủ theo các hạn chế sau:

    1. Các bãi cạn lúc nổi lúc chìm không được chọn làm các điểm cơ sở trừ trường hợp ở đó có những đèn biển hoặc các thiết bị tương tự thường xuyên nhô lên khỏi mặt nước, hoặc việc kẻ đường cơ sở thẳng đó đã được sự thừa nhận chung của quốc tế;
    2. Khi vạch đường cơ sở thẳng phải lưu ý không được làm cho lãnh hải của một quốc gia khác bị tách khỏi biển cả hay một vùng đặc quyền về kinh tế.

    Đường cơ sở quần đảo: là đường cơ sở thẳng nối các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá nổi xa nhất của quần đảo. Đường cơ sở thẳng này phải bảo đảm các điều kiện:

    • Khu vực trong đường cơ sở quần đảo phải có tỷ lệ diện tích nước so với đất, kể cả vành đai san hô, từ tỷ số 1/1 đến 9/1.
    • Chiều dài các đường cơ sở này không vượt quá 100 hải lý; có thể có tối đa 3% tổng số đường cơ sở dài quá 100 hải lý nhưng cũng không được quá 125 hải lý.
    • Tuyến đường cơ sở không được tách xa rõ rệt đường bao quanh chung của hòn đảo.
    • Đường cơ sở quần đảo không được phép làm cho lãnh hải của một quốc gia khác tách rời khỏi biển cả hay vùng đặc quyền về kinh tế.

    Đường cơ sở có ý nghĩa rất lớn trong việc xác định ranh giới các vùng biển. Theo Công ước Luật biển 1982, đường cơ sở được dùng để xác định nội thủy (vùng biển nằm phía bên trong đường cơ sở), lãnh hải (12 hải lý tính từ đường cơ sở), vùng tiếp giáp (24 hải lý tính từ đường cơ sở, vùng đặc quyền về kinh tế (200 hải lý tính từ đường cơ sở)…

    Đường cơ sở của Việt Nam? Phao số 0 có phải là điểm mốc xác định ranh giới phía bên ngoài của lãnh hải nước ta không?

    Việt Nam tuyên bố đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải vào ngày 22-11-1982. Theo Tuyên bố của Chính phủ ngày 12 tháng 11 năm 1982 (sau đây gọi là Tuyên bố 82), hệ thống đường cơ sở của Việt Nam gồm 11 điểm có tọa độ xác định.

    Hệ thống này thực tế là kiểu đường cơ sở thẳng và còn để ngỏ hai điểm: điểm 0 nằm trên giao điểm giữa đường thẳng nối liền quần đảo Thổ Chu (Việt Nam) và đảo Poulowai (của Campuchia) và đường phân định biên giới giữa hai bên trong vùng nước lịch sử; và điểm kết thúc ở cửa vịnh Bắc Bộ là giao điểm đường cưa vịnh với đường phân dịnh biển trong vịnh Bắc Bộ.

    Theo Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ giữa nước ta và CHND Trung Hoa ngày 25-12-2000, đường phân định biển trong Vịnh Bắc Bộ và đường cửa vịnh đã được xác lập. Tuy nhiên, đường phân định trong Vịnh Bắc Bộ chỉ là đường phân định lãnh hải (các điểm từ 1 đến 9) hoặc đường phân định vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa (các điểm từ 9 đến 21) giữa hai nước. Như vậy, theo tinh thần của Hiệp định, Vịnh Bắc Bộ là vịnh chung giữa hai nước, không phải là vịnh lịch sử như trong các tuyên bố năm 1977 và 1982 của ta. Trong thời gian tới, ta sẽ phải xác lập hệ thống đường cơ sở trong vịnh để xác lập nội thủy và các vùng biển khác của ta trong Vịnh Bắc Bộ.

    Đây là trường hợp hiếm thấy trong tiền lệ phân định biển: Đường cơ sở được xác lập sau đường ranh giới bên ngoài của lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, vì thông thường các đường ranh giới bên ngoài của lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác lập sau khi đã xác lập được đường cơ sở.

    Trong khi hoạt động trên biển, nhiều bà con thường thấy có phao số 0 và cho rằng đó là biên giới quốc gia trên biển. Sự thực phao số 0 không phải là điểm mốc của đường biên giới quốc gia trên biển. Nó chỉ là điểm đầu tiên của hệ thống mốc tiêu dẫn luồng vào cảng, được đặt theo quy định của Luật Hàng hải.

     

    Đảo Phú Quốc - một địa điểm du lịch đẹp của Việt Nam. (Nguồn ảnh: saigontimesusa.com)

    Đường cơ sở có phải là biên giới nước ta trên biển không?

    Đường cơ sở không phải là đường biên giới quốc gia trên biển, nhưng nó là cơ sở để xác định đường biên giới đó. Đường biên giới quốc gia trên biển chính là đường song song với đường cơ sở và cách đường cơ sở một khoảng cách vừa bằng chiều rộng của lãnh hải. Như vậy, đường biên giới của nước ta trên biển chính là ranh giới bên ngoài của lãnh hải, chạy song song với đường cơ sở và cách đường cơ sở 12 hải lý. Tại những vùng chồng lấn lãnh hải với Trung Quốc hay Campuchia, ranh giới bên ngoài của lãnh hải được xác lập theo thỏa thuận giữa ta và bạn.

    Nội thủy là gì? Tàu thuyền khi hoạt động trong vùng nội thủy phải tuân thủ những hệ thống pháp luật nào?

    Nội thủy là vùng nước nằm phía bên trong của đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải, tại đó quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn, tối cao và đầy đủ như trên lãnh thổ đất liền. Nội thủy bao gồm: các vùng nước cảng biển, các vũng tàu, cửa sông, vịnh, các vùng nằm giữa đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải và lãnh thổ đất liền.

    Trong nội thủy, quốc gia có chủ quyền không chỉ với vùng nước mà cả với vùng trời, vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Theo nguyên tắc chủ quyền, luật quốc gia là luật áp dụng trong nội thủy. Tuy nhiên, vẫn có đôi chút khác biệt giữa chủ quyền trong nội thủy và chủ quyền với đất liền ở một số trường hợp cụ thể:

    • Vùng nước nội thủy tại các cảng biển quốc tế theo chế độ tự do thông thường cho tàu thuyền thương mại (Công ước Geneva 09-12-1923). Tàu chạy bằng năng lượng nguyên tử chỉ được vào cảng quốc tế khi có thỏa thuận giữa quốc gia ven biển và quốc gia tàu mang cờ.
    • Khi quốc gia ven biển áp dụng đường cơ sở thẳng làm cho những vùng nước trước đây chưa phải là nội thủy trở thành nội thủy, thì chế độ qua lại không gây hại vẫn áp dụng với vùng nước nội thủy đó.
    • Tàu thuyền nước ngoài được đặt dưới thẩm quyền tuyệt đối của quốc gia ven biển về trật tự, an ninh, cảnh sát, y tế, hàng hải. Quốc gia ven biển có quyền khám xét trên boong.
    • Tàu nhà nước dùng vào mục đích không thương mại và tàu quân sự nước ngoài được hưởng quyền miễn trừ. Thẩm quyền tài phán hình sự của quốc gia cảng đối với các tàu này chỉ được thực hiện khi:
    1. Tội phạm xảy ra trên boong tàu, người thực hiện hành vi là người ngoài thủy thủ đoàn và nạn nhân là người thuộc thủy thủ đoàn. Trường hợp này, quốc gia cảng có thẩm quyền nhưng quốc gia tàu mang cờ cũng có thẩm quyền;
    2. Tội phạm xảy ra trên boong tàu, người thực hiện hành vi và nạn nhân đều không thuộc thủy thủ đoàn, thì quốc gia cảng có thẩm quyền tuyệt đối;
    3. Nếu thành viên thủy thủ đoàn phạm tội ngoài tàu thì quốc gia cảng có thể bắt giữ nhưng phải trao trả ngay cho thuyền trưởng nếu ông ta yêu cầu.

    Vùng nước quần đảo có được hưởng quy chế của nội thủy không?

    Vùng nước quần đảo là vùng nước nằm phía bên trong của đường cơ sở quần đảo. Vùng nước này không phải là nội thủy nhưng quốc gia quần đảo có chủ quyền với vùng nước, vùng trời và vùng đáy và lòng đất tương ứng cũng như tài nguyên ở đó. Các quốc gia khác có quyền qua lại không gây hại trong vùng nước quần đảo theo đúng các quy định của Công ước về Luật biển 1982. Như vậy, vùng nước quần dảo có quy chế pháp lý gần giống với nội thủy, chỉ trừ quy chế qua lại không gây hại.

    Vùng nước lịch sử là gì? Sao trong Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982 lại không thấy có quy định về nó?

    Đúng là trong Công ước Luật biển 1982 không có quy định về vùng nước lịch sử cũng như về vịnh lịch sử. Các khái niệm này được hình thành thông qua thực tiễn pháp lý, cụ thể là qua các phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế. Theo phán quyết ngày 18-12-1951 của Tòa án Công lý Quốc tế về vụ Ngư trường Anh - Na Uy, “Người ta gọi chung ‘vùng nước lịch sử’ là các vùng nước người ta đối xử như vùng nước nội thủy, trong khi nếu các vùng nước này thiếu một danh nghĩa lịch sử thì nó sẽ không có tính chất đó”. Các vùng nước lịch sử được đặt dưới quy chế của nội thủy và không tồn tại quyền qua lại không gây hại.

    Nội thủy của Việt Nam gồm những khu vực nào?

    Theo Tuyên bố 77, nội thủy của nước CHXHCN Việt Nam bao gồm:

    • Vùng biển nằm phía trong đường cơ sở ven bờ lục địa VIệt Nam, gồm: các vùng nước cảng biển, các vũng tàu, cửa sông, các vịnh, các vùng nước nằm kẹp giữa lãnh thổ đất liền và đường cơ sở.
    • Vùng biển nằm ở phía trong đường cơ sở của các đảo, quần đảo của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
    • Vùng nước lịch sử của Việt Nam trong vịnh Thái Lan (xác định theo Hiệp định về vùng nước lịch sử chung Việt Nam - Campuchia 07-7-1982).

    Lãnh hải và quy chế pháp lý của nó? Tàu biển khi hoạt động trong vùng lãnh hải phải tuân thủ theo những hệ thống pháp luật nào?

    Lãnh hải là vùng biển nằm giữa vùng nước nội thủy và các vùng biển thuộc quyền tài phán của quốc gia. Các vùng đất ven biển của quốc gia và các đảo đáp ứng tiêu chuẩn của Điều 121 Công ước Luật biển 1982 đều có lãnh hải.

    Bản chất pháp lý của lãnh hải: Từ lãnh hải lần đầu tiên được sử dụng chính thức tại Hội nghị của LHQ tại La Haye, đó là sự kết hợp thành công giữa hai từ lãnh thổ và biển. Biển theo luật quốc tế được cấu thành bởi vùng bề mặt biển phục vụ cho thông thương tự nhiên và vùng đáy biển cũng như lòng đất dưới đáy biển.

    Lãnh thổ là khoảng không gian thuộc một quốc gia và được đặt dưới chủ quyền của quốc gia đó.

     

    Hai khía cạnh trái ngược nhau này được kết hợp trong cùng một khái niệm pháp lý đã tạo ra bản chất pháp lý lưỡng cực của lãnh hải, trong đó chủ quyền của quốc gia ven biển thống trị và quyền tự do hàng hải được bảo đảm với một số điều kiện. Lãnh hải trở thành vùng đệm giữa một bên là lãnh thổ do quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ, bên kia là các vùng biển mà tại đó các quyền chủ quyền và tài phán của quốc gia ven biển bị hạn chế bởi các nguyên tắc tự do trên biển và nguyên tắc di sản chung của nhân loại.

    Lãnh hải được coi như một bộ phận hữu cơ của lãnh thổ quốc gia, trên đó quốc gia ven biển thực hiện thẩm quyền riêng biệt về phòng thủ quốc gia, về cảnh sát, thuế quan, đánh cá, khai thác tài nguyên thiên nhiên, đấu tranh chống ô nhiễm như đối với lãnh thổ đất liền của mình. Tuy nhiên, trong lãnh hải, các tàu thuyền nước ngoài có quyền qua lại không gây hại.

    Chiểu rộng của lãnh hải được chính thức xác lập là không quá 12 hải lý. Đường ranh giới phía trong của lãnh hải chính là đường cơ sở, và đường ranh giới phía ngoài chính là đường thẳng song song với đường cơ sở và cách đường cơ sở một khoảng cách chính bằng chiều rộng của lãnh hải.

    Khi đi trong lãnh hải của một quốc gia, tàu thuyền mang quốc tịch của quốc gia đó phải tuân thủ theo pháp luật của quốc gia đó. Các tàu thuyền nước ngoài được hưởng quyền qua lại không gây hại, nhưng phải tuân thủ theo pháp luật quốc gia ven biển về:

    • An toàn hàng hải, điều phối giao thông đường biển;
    • Bảo vệ các thiết bị công trình, đường dây cáp, ống dẫn ở biển;
    • Bảo tồn tài nguyên sinh vật biển, gìn giữ môi trường biển;

    Hải quan, thuế khóa, y tế, nhập cư.

     

     

    Lãnh hải VN, luật biển và Biển Đông - những điều cần biết (kỳ 3)

    Quyền qua lại không gây hại là một quyền dành riêng cho tàu thuyền nước ngoài tại lãnh hải của một quốc gia ven biển. Quyền này là một nguyên tắc tập quán của luật quốc tế và được thừa nhận bằng thực tiễn của các quốc gia. Nền tảng của nó là nguyên tắc tự do hàng hải.

    Đi qua lãnh hải được hiểu là: đi qua lãnh hải mà không vào nội thủy, không đậu lại tại các công trình cảng hay một vũng tàu ở bên ngoài nội thủy, đi qua lãnh hải để vào nội thủy hoặc rời nội thủy đi ra biển cả.

     

    Việc đi qua được tiến hành liên tục và nhanh chóng. Các tàu thuyền nước ngoài chỉ có thể dừng lại và thả neo khi gặp những sự cố thông thường về hàng hải hoặc vì một trường hợp bất khả kháng, hay mắc nạn, hoặc vì mục đích cứu giúp người hay tàu thuyền, phương tiện bay đang lâm nguy hoặc mắc nạn. Sau khi các sự biến trên kết thúc, tàu thuyền nước ngoài phải tiếp tục hành trình liên tục và nhanh chóng (Điều 18, Công ước Luật biển 1982).

    Qua lại không gây hại được hiểu là không làm phương hại đến hòa bình, trật tự hay an ninh của quốc gia ven biển. Việc qua lại không gây hại phải được tiến hành phù hợp với Công ước Luật biển 1982 và pháp luật quốc tế. Tàu ngầm nước ngoài khi đi trong lãnh hải phải đi trong trạng thái nổi và treo cờ quốc tịch.

    Việc đi qua của tàu thuyền nước ngoài bị coi là phương hại đến hòa bình, trật tự, an ninh của quốc gia ven biển nếu như ở trong lãnh hải tàu thuyền nước ngoài tiến hành một trong bất kỳ hành động nào sau đây:

    • Đe dọa hoặc dùng vũ lực chống lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của quốc gia ven biển, hay dùng mọi cách khác trái với các nguyên tắc của pháp luật quốc tế đã được nêu trong Hiến chương của LHQ;
    • Luyện tập hoặc diễn tập với bất kỳ kiểu loại vũ khí nào;
    • Thu thập tình báo gây thiệt hại cho quốc phòng hay an ninh của quốc gia ven biển;
    • Tuyên truyền nhằm làm hại đến quốc phòng hay an ninh của quốc gia ven biển;
    • Phóng đi, tiếp nhận hay xếp lên tàu các phương tiện bay;
    • Phóng đi, tiếp nhận hay xếp lên tàu các phương tiện quân sự;
    • Xếp hoặc dỡ hàng hóa, tiền bạc hay đưa người lên xuống tàu trái với các luật và quy định về hải quan, thuế khóa, y tế hoặc nhập cư của quốc gia ven biển;
    • Gây ô nhiễm cố ý và nghiêm trọng, vi phạm Công ước Luật biển 1982;
    • Đánh bắt hải sản;
    • Nghiên cứu hay đo đạc;
    • Làm rối loạn hoạt động của bất kỳ hệ thống giao thông liên lạc hoặc mọi trang thiết bị hay công trình khác của quốc gia ven biển;
    • Mọi hoạt động khác không trực tiếp liên quan đến việc đi qua.

    Khi tiến hành bất kỳ hành động nào được liệt kê trên đây, tàu thuyền nước ngoài bị coi là vượt quá quyền qua lại không gây hại và sẽ bị xử lý theo pháp luật.

    Lãnh hải của Việt Nam được xác định gồm những khu vực nào?

    Lãnh hải Việt Nam được xác lập theo Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam ngày 12-5-1977 về các vùng biển của Việt Nam.

    Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải của mình cũng như đối với vùng trời phía trên, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải.

    (trích Tuyên bố của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ngày 12-5-1977)

    Chiều rộng của lãnh hải được xác lập là 12 hải lý tính từ đường cơ sở trở ra. Điều này phù hợp với luật quốc tế.

    Lãnh hải ven bờ lục địa được tính từ hệ thống đường cơ sở thẳng đã công bố trong Tuyên bố 82. Nhưng hệ thống này vẫn còn hai điểm ngỏ ở cửa vịnh Bắc Bộ và trên vịnh Thái Lan. Hơn nữa, hiện hệ thống này bị các nước khác phản đối vì chúng ta đã sử dụng nhiều đảo xa bờ làm điểm cơ sở. Chúng ta đang xem xét việc vạch lại đường cơ sở đã công bố này trong thời gian thích hợp.

    Theo Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa giữa ta và Trung Quốc, các điểm từ 1 đến 9 là biên giới lãnh hải của nước ta trong vịnh Bắc Bộ. Như vậy, các điểm này là ranh giới bên ngoài của lãnh hải Việt Nam tại khu vực đó (xem Bản đồ phân định vịnh Bắc Bộ giữa CHXHCN Việt Nam và CHND Trung Hoa).

    Lãnh hải của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ được xác lập khi vấn đề chủ quyền được giải quyết.

    Như vậy, việc xác lập khu vực lãnh hải cụ thể trên thực địa của chúng ta hiện nay vẫn chưa hoàn tất vì hệ thống đường cơ sở của ta vẫn chưa đầy đủ. Điểm này gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động của các lực lượng quản lý biển cũng như người đi biển. Trong thời gian tới, Nhà nước cần khẩn trương xác lập và công bố hệ thống đường cơ sở hoàn chỉnh.  

     

    Một phần quần đảo Trường Sa nhìn từ trên cao. (Nguồn ảnh: photobucket.com)

    Quyền đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài tại lãnh hải Việt Nam? Tàu của nước ta có được hưởng quyền qua lại vô hại trong lãnh hải nước ta không?

    Nước ta tôn trọng quyền qua lại không gây hại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải theo đúng quy định của Công ước Luật biển 1982.

    Mọi tàu thuyền nước ngoài hoạt động trên các vùng biển Việt Nam (bao gồm việc vào, ra, qua lại, trú đậu, và làm các công việc khác) đều phải tôn trọng chủ quyền của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đối với từng vùng biển, phải chấp hành đầy đủ những quy định của nghị định này và những luật lệ, chế độ, quy định khác có liên quan của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, do các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước Việt Nam ban hành.

    Tàu, thuyền nước ngoài hoạt động trong vùng biển của Việt Nam phải chịu sự giám sát và sự kiểm soát của các lực lượng Việt Nam có thẩm quyền nhằm bảo đảm sự tôn trọng và chấp hành nghị định này và những luật lệ, chế độ, quy định khác có liên quan của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

    (trích Điều 2 Nghị định 30/CP ngày 21-01-1980)

    Điều này rõ ràng đã thừa nhận quyền qua lại không gây hại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải Việt Nam.

    Trong nội thủy và lãnh hải Việt Nam, tàu thuyền nước ngoài phải đi nhanh chóng, liên tục, theo đúng tuyến đường và đúng các hành lang quy định, không được vào các khu vực cấm (Điều 9, Nghị định 30/CP).

    Việc quy định các tàu phải đi theo tuyến đường và hành lang quy định hoàn toàn không trái với Điều 22 của Công ước Luật biển 1982. Nhưng trên thực tế, cho đến nay, ta vẫn chưa quy định các tuyến đường và hành lang, nên các tàu thuyền nước ngoài vẫn đi theo các tuyến đường hàng hải truyền thống.

    Tàu thuyền nước ngoài trong những trường hợp khẩn cấp không thể khắc phục được như gặp thiên tai, tai nạn uy hiếp đến an toàn của tàu thuyền và sinh mạng của những người đi trên tàu thuyền… bắt buộc phải dừng lại hoặc thả neo trong lãnh hải Việt Nam, thì phải tìm mọi cách liên lạc nhanh chóng và báo cáo lập tức với cơ quan có thẩm quyền Việt Nam ở nơi gần nhất; phải chịu mọi sự kiểm soát của các nhà chức trách Việt Nam để làm rõ tính chân thực của lý do nêu ra, và phải tuân theo mọi hướng dẫn của các nhà chức trách Việt Nam (Điều 6 Nghị định 30/CP).

    Việc qua lại không gây hại cũng được quy định trong Nghị định 30/CP trong các Điều 2, 10, 11, 12, 13, 14 và 17. Về cơ bản, chúng giống với quy định tại Điều 19 Công ước Luật biển 1982.

    Tàu ngầm nước ngoài (bao gồm tàu ngầm quân sự và dân sự) khi thực hiện quyền qua lại không gây hại trong lãnh hải Việt Nam nhất thiết phải ở tư thế nổi, phải treo cờ của nước mà tàu đó mang quốc tịch.

    Việt Nam không công nhận quyền qua lại không gây hại của tàu quân sự nước ngoài. Tàu thuyền quân sự (bao gồm cả tàu chiến và tàu bổ trợ) muốn vào vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam phải xin phép Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (qua đường ngoại giao) ít nhất 30 ngày trước, và sau khi được phép vào, phải thông báo cho các nhà đương cục quân sự Việt Nam (qua Bộ Giao thông Vận tải nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) 48 giờ trước khi bắt đầu đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam (Điều 3 Nghị định 30/CP).

    Quy định này không phù hợp với Công ước Luật biển 1982, vì Công ước này cho phép tất cả các loại tàu thuyền, kể cả tàu thuyền quân sự, đều được hưởng quyền qua lại không gây hại trong lãnh hải Việt Nam.

    Đối với tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân hoặc chuyên chở chất phóng xạ/ các chất gây nguy hiểm độc hại khác cũng được quyền qua lại không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, nhưng phải cung cấp cho các nhà chức trách Việt Nam các tài liệu kỹ thuật và tiến hành các biện pháp phòng chống đặc biệt nhằm tránh ô nhiễm do tàu thuyền gây ra, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực này. Các tàu thuyền cũng phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự phòng chống ô nhiễm môi trường (Điều 23 Bộ luật Hàng hải). Việc Điều 23 Bộ luật Hàng hải quy định các tàu thuyền loại này khi vào hoạt động trong lãnh hải Việt Nam phải được phép của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) là trái với Công ước Luật biển 1982.

    Các tàu thuyền Việt Nam đương nhiên được quyền qua lại trên các vùng biển Việt Nam. Vấn đề quyền qua lại không gây hại trong lãnh hải Việt Nam không đặt ra với các tàu thuyền Việt Nam mà chỉ đặt ra với tàu thuyền nước ngoài. Khi hoạt động trên các vùng lãnh hải nước ngoài, tàu thuyền Việt Nam đương nhiên được hưởng quyền lại không gây hại.

     

    Vùng biển Việt Nam có tới 11.000 loài sinh vật cư trú và được công nhận là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển và là một trong 20 vùng biển giàu hải sản trên thế giới. (Nguồn: TTXVN)

    Vùng tiếp giáp lãnh hải là gì? Quy chế vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam như thế nào?

    Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển nằm ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải, tại đó quốc gia ven biển thực hiện các thẩm quyền có tính riêng biệt và hạn chế đối với các lĩnh vực nhất định. Phạm vi vùng tiếp giáp lãnh hải không quá 24 hải lý tính từ đường cơ sở.

    Nguồn gốc sự ra đời vùng này là do nhu cầu kiểm soát thuế quan của quốc gia ven biển chống lại các hoạt động buôn lậu trên biển.

    Trong vùng tiếp giáp lãnh hải, quốc gia ven biển có quyền thi hành sự kiểm soát cần thiết nhằm:

    • Ngăn ngừa những vi phạm đối với các luật và quy định về hải quan, thuế khóa, y tế hay nhập cư trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình;
    • Trừng trị những vi phạm đối với các luật và quy định nói trên xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải của mình.

    Vùng tiếp giáp lãnh hải không phải là vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia, nhưng cũng không phải là biển cả. Nó là một phần của vùng đặc quyền về kinh tế và có quy chế đặc biệt (sui generic).

    Trong vùng tiếp giáp lãnh hải, quốc gia ven biển có quyền đối với các hiện vật có tính lịch sử và khảo cổ. Mọi việc trục vớt các hiện vật này từ đáy biển thuộc vùng tiếp giáp lãnh hải mà không được sự cho phép của quốc gia ven biển đều bị coi là vi phạm xảy ra trên lãnh thổ và lãnh hải của quốc gia ven biển.

    Tuyên bố 77 quy định rõ việc Việt Nam thực hiện quyền kiểm soát với vùng biển rộng 12 hải lý tiếp liền với lãnh hải nhằm bảo vệ an ninh, bảo vệ các quyền lợi về hải quan, thuế khóa, và nhằm bảo đảm sự tuân thủ các quy định về y tế, di cư và nhập cư trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam.

    Những quy định này về cơ bản phù hợp với Công ước Luật biển 1982, nhưng có mở rộng thêm phạm vi kiểm soát cả với các tàu thuyền nước ngoài nhằm ngăn chặn và trừng trị vi phạm về an ninh và di cư trên đất liền hay trong lãnh hải Việt Nam. Việc mở rộng này là do hoàn cảnh lịch sử, và chúng ta đang xem xét sửa đổi lại cho phù hợp với Công ước. Trong khi chưa sửa đổi, các cơ quan quản lý cần thực hiện việc kiểm soát một cách linh hoạt, phù hợp với tinh thần Công ước Luật biển 1982 đã có hiệu lực với nước ta.

    Pháp luật Việt Nam cũng chưa quy định về việc trục vớt hiện vật có tính lịch sử và khảo cổ trong vùng tiếp giáp lãnh hải.

     

    Bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải Tổ quốc

    (TuanVietNam) - Việc Trung Quốc ngang nhiên làm điều họ cho là “thi hành quyền chủ quyền” trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cả chục năm qua là một sự xâm phạm nghiêm trọng đến nước ta...  

     

    LTS: Việc Trung Quốc ngang nhiên cấm ngư dân các nước đánh bắt cá ở Biển Đông đã gây phản ứng trong dư luận.

    Theo yêu cầu của nhiều độc giả, Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết của hai tác giả Dương Danh Huy và Lê Minh Phiếu - Quỹ Nghiên cứu Biển Đông.  

     

    Bài viết thể hiện quan điểm và kết quả nghiên cứu riêng của hai tác giả. (Tuần Việt Nam chưa thể kiểm chứng các sự kiện đưa ra trong bài).

     

    Ngày 17/3, Trung Quốc gửi tàu Ngư chính 311 tới Biển Đông[1] để “tuần tra nghề cá” và sau đó còn tuyên bố rằng sẽ tăng cường lực lượng tuần tra bằng cách dùng chiến hạm cũ hay đóng tàu tuần dương mới. Việc tuần tra này được tiến hành cả trong một số vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

    Ngày 19/3, BP tuyên bố chính thức rút ra khỏi dự án với vốn đầu tư 2 tỷ USD có mục đích thăm dò dầu khí tại hai vùng Hải Thạch (trong lô 5.2) và Mộc Tinh (trong lô 5.3) trong bồn trũng Nam Côn Sơn[2]. Hai lô 5.2 và 5.3 nằm gần đảo Phú Quý, đảo gần bờ của Việt Nam, hơn là đảo Trường Sa (đảo gần đó nhất trong số các đảo trong quần đảo Trường Sa), và cách bờ biển đất liền Việt Nam dưới 200 hải lý. Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định rằng hai lô này nằm trong vùng thềm lục địa tối thiểu 200 hải lý, tức là vùng đặc quyền kinh tế, của Việt Nam[3].

    BP đưa ra lý do thương mại cho việc rút ra khỏi dự án mặc dù đã đầu tư 200 triệu USD để thăm dò và đã đánh giá vùng Hải Thạch là có thể có nhiều khí đốt nhất trong bồn trũng Nam Côn Sơn. Trước đó, vào năm 2007, Trung Quốc đã đe dọa quyền lợi thương mại của BP tại nước này để áp lực BP rút ra khỏi dự án với Việt Nam.

    Ngày 16/5/2009, Trung Quốc điều thêm tàu Ngư chính 44183 tới Biển Đông[4]. Ngày 19/5/2009, Trung Quốc điều thêm tàu Ngư chính 44061[5]. Cuối tháng 5/2009, Trung Quốc điều thêm 8 tàu nữa[6].

     

     Tàu Ngư Chính 44183 được trang bị đại liên trên boong tàu[7].

    Như mọi năm khác kể từ năm 1999, Trung Quốc đơn phương tuyên bố cấm đánh cá tại Biển Đông từ vĩ độ 12 trở lên phía Bắc, với cớ bảo quản nguồn lợi thuỷ sản ở Biển Đông. Vùng cấm bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và vùng biển quốc tế giữa Biển Đông.

    Nếu lý do cho hành động này thật sự là bảo quản nguồn lợi thuỷ sản ở Biển Đông thì Trung Quốc đã phải phối hợp với Việt Nam, Philippines và các nước khác trong việc cấm đánh cá, vì vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và của Philippines thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam và Philippines, và tất cả các nước trên thế giới có quyền đánh cá trong vùng biển quốc tế giữa Biển Đông.

    Bài cùng chủ đề:

    Biển Đông và vấn đề chủ quyền lãnh thổ đất nước

    Ứng xử biển Đông: Nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc lợi ích

    Lãnh hải VN, luật biển và Biển Đông - những điều cần biết (kỳ 4)

    Lãnh hải VN, luật biển và Biển Đông - những điều cần biết (kỳ 3)

    Lãnh hải Việt Nam, luật biển và Biển Đông - những điều cần biết (kỳ 2)

    Lãnh hải VN, luật biển và Biển Đông - những điều cần biết (kỳ 1)

    Trung Quốc không có quyền như thế trong vùng biển quốc tế và càng không có quyền như thế trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác. Bằng việc hành động một cách đơn phương như thế, Trung Quốc đã cố ý vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam và Philippines đối với vùng đặc quyền kinh tế của hai nước này, và vi phạm quyền đánh cá mà UNCLOS ban cho tất cả các nước trên thế giới trong vùng biển quốc tế giữa Biển Đông.

    Mục đích của Trung Quốc khi hành động đơn phương không phải là bảo quản nguồn lợi thuỷ sản mà là tỏ với thế giới rằng Trung Quốc làm cái mà nước này gọi là “thực thi chủ quyền một cách hoà bình” ở Biển Đông. Đây là những bước trong chiến lược “tằm ăn dâu” của Trung Quốc để biến 75% diện tích trên Biển Đông thành “cái ao nhà” của họ.

    Trong tháng Năm, một số thuyền đánh cá Việt Nam bị tàu nước ngoài bắt, tịch thu cá, phá hoại, đuổi, và đâm chìm.

    Trong một trường hợp cụ thể, ngày 19/5, tàu cá của ông Nguyễn Thanh Thu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) số QNg 95048 TS bị một tàu nước ngoài tông chìm trên biển Đông tại tọa độ 10°59’ vĩ độ Bắc, 111°34’ kinh độ Đông[8]. Tất cả 26 thuyền viên bị rơi xuống biển nhưng may mắn được một tàu cá Việt Nam khác cứu sống. 

     

    Tàu cá QNg 95048TS bị tàu nước ngoài tông chìm tại điểm có ký hiệu "X", bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

    Trong một trường hợp cụ thể khác, ngày 19/5/2009 tàu cá QNg 94734 TS của ông Lệ (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) bị một tàu nước ngoài tấn công ngay trên ngư trường lấy đi hơn một nửa số cá vừa đánh bắt được[9]. Đã vậy, trước khi bỏ đi, các thuyền viên của tàu ngoài còn dùng lưỡi lê đâm thủng một chiếc thuyền thúng dùng làm thuyền cứu nạn trên tàu cá.

     

    Báo Trung Quốc đăng hình và đưa tin về sự kiện tàu cá QNg 94734 bị tấn công[10].

    Ngày 24/5, China News Service của Trung Quốc xác nhận các tàu tuần tra của Trung Quốc đã khống chế thuyền viên tàu nước ngoài và đuổi tàu nước ngoài[11].

    Trước tình hình này, hàng trăm tàu đánh cá miền Trung không dám ra biển ngay trong chính vụ cá của ngư dân[12].

    Những sự kiện này đặt ra nhu cầu bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông.

    Trong các vùng biển mà Việt Nam có chủ quyền hay quyền chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế, từ 12 hải lý ra tới tối đa là 200 hải lý, là vùng có diện tích rộng lớn nhất, có nhiều tiềm năng dầu khí nhất, và có nhiều quyền chủ quyền hơn vùng thềm lục địa mở rộng. Vì vậy, vùng đặc quyền kinh tế có tiềm năng đem lại nhiều quyền lợi kinh tế cho Việt Nam nhất.

    Thế nhưng Việt Nam có một số hạn chế cần khắc phục trong việc bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của mình.

    Khẳng định phạm vi vùng đặc quyền kinh tế

    Cho tới khi nộp báo cáo về thềm lục địa cho Ủy ban Ranh giới Thềm Lục địa ngày 6/5/2009 và 7/5/2009, Việt Nam chưa công bố rộng rãi ranh giới cụ thể cho vùng đặc quyền kinh tế của mình ngoại trừ trong Vịnh Thái Lan và Vịnh Bắc Bộ.

    Trên nguyên tắc, đó là một điều bất lợi cơ bản cho việc bảo vệ quyền chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông. Với thực trạng Trung Quốc có chủ trương và hành động cụ thể để chiếm 75% Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sự chưa công bố này lại càng gây bất lợi nghiêm trọng. Việt Nam cần phải quảng bá càng rộng rãi càng tốt phạm vi cụ thể của vùng đặc quyền kinh tế tính từ lãnh thổ không bị tranh chấp của mình, thay vì chỉ tuyên bố nguyên tắc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

    Tất nhiên việc quảng bá rộng rãi phạm vi cụ thể của vùng đặc quyền kinh tế tính từ lãnh thổ không bị tranh chấp sẽ không làm cho Trung Quốc ngưng tranh chấp vùng đặc quyền kinh tế đó. Tác dụng của việc này là làm cho thế giới thấy rõ vùng biển nào thuộc Việt Nam và như thế có hợp lý hay không. Như vậy, mỗi khi Bộ Ngoại giao Việt Nam cần phải phản đối việc Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thế giới sẽ dễ thấy quan điểm của nước nào hợp lý hơn.

    Yêu sách của Trung Quốc đối với 75% diện tích Biển Đông là vô lý và Trung Quốc phải ngụy trang cho yêu sách đó bằng sự mù mờ. Việt Nam phải đối trọng điều đó bằng một ranh giới hợp lý và minh bạch.

    Sau việc vạch ranh giới vùng đặc quyền kinh tế trong báo cáo về thềm lục địa, Việt Nam cần khuyến khích các nhà xuất bản trong nước vẽ ranh giới này trên bản đồ Việt Nam và quảng bá ranh giới này với thế giới và với các cơ quan của Liên Hiệp Quốc.

    Ngoài ra, để tranh thủ sự đồng thuận của thế giới, Việt Nam cũng có thể vạch ranh giới vùng đặc quyền kinh tế dùng ngấn thủy triều thấp của bờ biển lục địa và các đảo không bị tranh chấp thay vì dùng đường cơ sở 1982. Như vậy sẽ tăng khả năng đạt được sự đồng thuận trong khi không giảm đáng kể diện tích mà Việt Nam có thể đòi hỏi.

    Vì các đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang trong tình trạng tranh chấp, vì hiệu lực để tính vùng đặc quyền kinh tế cho các đảo này chưa được xác định và chưa được các nước trong khu vực công nhận, vì vùng đặc quyền kinh tế cho các đảo này sẽ nằm chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế từ lãnh thổ không bị tranh chấp của các nước khác, Việt Nam có thể tuyên bố là sẽ công bố phạm vi vùng đặc quyền kinh tế cho các đảo này sau. Như vậy sẽ phù hợp với tinh thần của Tuyên bố 2002 của ASEAN và Trung Quốc về quy tắc ứng xử về Biển Đông.

    Thực thi chủ quyền càng đầy đủ càng tốt trong vùng đặc quyền kinh tế

    Việt Nam cần phải đầu tư thêm cho lực lượng tuần tra vùng đặc quyền kinh tế của mình.

    Hiện nay “trung bình một người trong lực lượng Thanh tra vảo vệ nguồn lợi thuỷ sản phải kiểm soát 1000 km² mặt biển và khoảng 25-30 km bờ biển. Cả nước mới chỉ có chưa đến 100 tàu thuyền làm nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra hoạt động nghề cá trên biển, trong đó chỉ có khoảng 25% là có khả năng hoạt động cách bờ từ 50-100 hải lý [trong khi vung đặc quyền kinh tế ra tới cách bờ 200 hải lý]...Kinh phí hoạt động kiểm tra, kiểm soát bình quân chỉ đủ cho Chi cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tổ chức được từ ba tới năm chuyến biển/năm với thời lượng từ ba đến bảy ngày”[13].

    Trong tình trạng tính mạng, tài sản, kế mưu sinh của ngư dân Việt Nam bị đe doạ trong vùng đặc quyền kinh tế phù hợp với UNCLOS của Việt Nam, chúng ta không thể chấp nhận được việc thiếu một đội ngũ có khả năng tuần tra vùng đặc quyền kinh tế.

    Tính mạng, tài sản và quyền hợp pháp của công dân Việt Nam cần được bảo vệ trong vùng đặc quyền kinh tế không khác gì trên đất liền.

    Về lâu về dài, trong tình trạng Trung Quốc tranh chấp vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nếu Việt Nam thiếu sót trong việc thực thi chủ quyền của mình, trong khi Trung Quốc làm những điều mà nước này gọi là thực thi chủ quyền, thì điều đó ít nhất sẽ tổn hại cho việc tranh thủ dư luận, và không ngăn cản được chiến lược “tằm ăn dâu” của Trung Quốc trên Biển Đông.

    Đội ngũ tuần tra vùng đặc quyền kinh tế sẽ đảm nhận nhiều vai trò :

    • Thể hiện sự hiện diện, thực thi chủ quyền và trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế;
    • Bảm đảm cho ngư dân Việt Nam không phải lẻ loi khi đối phó với những trường hợp có sự xâm phạm chủ quyền đất nước, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của họ;
    • Để cho Trung Quốc không tiến hành những điều mà họ cho là thực thi chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam như ở chỗ không người, hay như đó là vùng đặc quyền kinh tế của họ.

    Việc ngư dân Việt Nam hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế không chỉ là quyền và cần thiết cho sự mưu sinh của họ, mà còn quan trọng trong việc khẳng định và thực thi chủ quyền của Việt Nam. Vì vậy ngư dân Việt Nam không chỉ cần được Nhà nước bảo vệ, mà còn phải được Nhà nước hỗ trợ, thí dụ như:

    • Nhà nước cần hỗ trợ hơn nữa đối với phương tiện để đánh cá xa bờ, để khuyến khích ngư dân đánh cá trong toàn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thay vì đánh cá gần bờ hơn[14].
    • Nhà nước cần tài trợ bảo hiểm cho trường hợp ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt phạt hay phá hoại phương tiện đánh cá trong khi hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hay trong vùng biển quốc tế giữa Biển Đông.
    • Đi đôi với bảo hiểm trên, ngư dân cần phải chứng minh được là mình hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hay trong vùng biển quốc tế giữa Biển Đông. Chứng minh này cũng có ích lợi khi các cơ quan có chức năng của Việt Nam cần phải đấu tranh với Trung Quốc.

    Đấu tranh ngoại giao

    Quan trọng nhất, song song với các biện pháp trên chính phủ cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa nhằm phản đối Trung Quốc. Ngoài việc phản đối mạnh mẽ với Trung Quốc, Chính phủ cần tiến hành các biện pháp để thế giới biết rõ sự bất hợp pháp này của Trung Quốc. Đây là việc đã diễn ra từ lâu, nhưng không phải vì vậy mà chúng ta xem nhẹ. Nếu cứ xem nhẹ, hay tiếp tục thiếu các biện pháp đủ mạnh mẽ, thì hậu quả của nó về sau sẽ khó mà khắc phục được.

    ***

    Việc Trung Quốc ngang nhiên làm điều họ cho là “thi hành quyền chủ quyền” trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cả chục năm qua là một sự xâm phạm nghiêm trọng đến nước ta. Nó xâm phạm và ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản và cơ hội kiếm sống của hàng triệu người dân ven biển. Nó còn ảnh hưởng đến chủ quyền thiêng liêng của đất nước và nguy hiểm hơn, là những bước tiến nguy hiểm trong chiến lược “tằm ăn dâu” của Trung Quốc nhằm chiếm trọn Biển Đông. Chúng ta cần nhận thức về tầm nguy hiểm của việc này và cần chủ động, tích cực và kiên quyết hơn nữa trong việc bảo đảm quyền chủ quyền của nước ta đối với vùng đặc quyền kinh tế. Điều đó cũng là điều cần thiết để bảo đảm tính mạng, tài sản và đời sống cho hàng triệu người dân ven biển.

     

    Dương Danh Huy và Lê Minh Phiếu (Quỹ Nghiên cứu Biển Đông)

    Luật sư Lê Cao - Công ty Luật hợp danh FDVN,

    193 Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng,

    www.fdvn.vn ĐT: 05113. 890 568

    ..................................................Chơi với phù phiếm!......................

     
    Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn lawcao vì bài viết hữu ích
    mr_dudang (09/07/2012)
  • #198761   04/07/2012

    lawcao
    lawcao

    Male
    Chồi

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:22/07/2010
    Tổng số bài viết (65)
    Số điểm: 1058
    Cảm ơn: 15
    Được cảm ơn 63 lần


    Tks AD rất nhiều :) 

    Luật sư Lê Cao - Công ty Luật hợp danh FDVN,

    193 Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng,

    www.fdvn.vn ĐT: 05113. 890 568

    ..................................................Chơi với phù phiếm!......................

     
    Báo quản trị |  
    3 thành viên cảm ơn lawcao vì bài viết hữu ích
    SAdmin (04/07/2012) mr_dudang (09/07/2012) vuhien001 (20/07/2012)
  • #251189   27/03/2013

    vphdndtg
    vphdndtg

    Sơ sinh

    Tiền Giang, Việt Nam
    Tham gia:07/11/2008
    Tổng số bài viết (1)
    Số điểm: 5
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 0 lần


    Luật Biển Việt Nam

    Cho mình hỏi theo Luật biển VN: Những nhóm hành vi nào bị nghiêm cấm khi hoạt động trong vùng biển VN?

    Cập nhật bởi vphdndtg ngày 27/03/2013 08:50:47 SA
     
    Báo quản trị |  
  • #251599   29/03/2013

    hakhungbi
    hakhungbi
    Top 150
    Lớp 5

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:12/03/2013
    Tổng số bài viết (525)
    Số điểm: 6431
    Cảm ơn: 39
    Được cảm ơn 143 lần


    Chào bạn!

    Vấn đề này đã có sẵn trong luật nên bạn vui lòng vào xem nhé!

    Chỉ có tự đọc, tự tìm hiểu mới nhớ lâu bạn à.

    Chúc bạn thành công!

     
    Báo quản trị |  
  • #322245   09/05/2014

    danusa
    danusa
    Top 25
    Female
    Cao Đẳng

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:12/07/2008
    Tổng số bài viết (2776)
    Số điểm: 32598
    Cảm ơn: 943
    Được cảm ơn 1127 lần


    Nói đến vấn đền Luật biển thì tranh chấp tại Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng là điều đáng lưu tâm. 

    Sơ đồ về vùng biển của quốc gia

     
    Báo quản trị |