Trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
I. Về vấn đề thi hành án.
Theo như thông tin bạn cung cấp với chúng tôi, bạn đang nghi ngờ tính minh bạch trong quá trình giải quyết của cơ quan thi hành án.
Nếu bạn có đủ căn cứ chứng minh được nhân viên cơ quan thi hành án đã không làm đúng hoặc không làm đủ thủ tục xác minh, kiểm tra thông tin mà vội vàng ra quyết định thi hành án thì cơ quan thi hành án đã vi phạm pháp luật về mặt thủ tục và đã ra một quyết định thi hành án không có cơ sở. Đây là căn cứ để bạn khiếu nại hoặc khiếu kiện về quyết định này. Căn cứ điều 140
Luật Thi hành án dân sự về Quyền khiếu nại về thi hành án
“1. Đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
2. Thời hiệu khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên như sau:
a) Đối với quyết định, hành vi về thi hành án trước khi áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó;
b) Đối với quyết định về áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định;
Đối với quyết định, hành vi về áp dụng biện pháp bảo đảm khác là 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó;
c) Đối với quyết định, hành vi về áp dụng biện pháp cưỡng chế là 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó;
d) Đối với quyết định, hành vi sau khi áp dụng biện pháp cưỡng chế là 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó.
Trường hợp do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hạn khiếu nại.
Lần khiếu nại tiếp theo, thời hiệu là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền.”
Như vậy, bạn xem xét về thời hạn cụ thể trên thực tế để xác định thời hiệu khiếu nại đối với quyết định của cơ quan thi hành án đó trên thực tế. Nếu vẫn còn thời hiệu khiếu nại, bạn có thể khiếu nại về quyết định thi hành án tới cơ quan thi hành án đã ra quyết định đó hoặc có thể khiếu kiện về quyết định đó đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Lưu ý: Nếu thời hiệu khiếu nại trên đã hết, bạn không có quyền khiếu nại nhưng vẫn có quyền khiếu kiện quyết định thi hành án tới Tòa án nhân dân để được giải quyết theo thủ tục Tố tụng hành chính.
Căn cứ điều 6
Luật Tố tụng hành chính về giải quyết bồi thường trong vụ án hành chính, căn cứ khoản 1 điều 38
Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước về phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự, nếu quá trình khiếu nại, khiếu kiện chứng minh cơ quan Thi hành án đã ra quyết định thi hành án trái pháp luật và quyết định đó đã gây thiệt hại, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm thì bạn có quyền yêu cầu được bồi thường theo đúng quy định.
II. Về quyền chăm sóc, thăm gặp con
Căn cứ theo Điều 83,
luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
“1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.
2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”
Như vậy, khi có quyết định, bản án ly hôn của Toà án đã có hiệu lực pháp luật thì Quyết định này chỉ có ý nghĩa chấm dứt quan hệ pháp lý giữa vợ chồng, còn quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với con cái vẫn phải được đảm bảo thực hiện. Việc thăm nom, chăm sóc con là quyền và nghĩa vụ lợi ích hợp pháp của bạn sau khi ly hôn mà không ai được cản trở. Quyền này đã được ghi nhận trong bản án của Tòa án. Bạn cần phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cấp dưỡng, theo căn cứ tại điều 116 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:
“1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”
Trong trường hợp, nếu vợ bạn gây khó, cản trở bạn đến quyền thăm nom con sau khi ly hôn. Bạn có thể thực hiện như sau:
1, Nhờ tổ trưởng dân phố chứng kiến và xác nhận vào đơn về việc có đến thăm nom nhưng người kia gây khó khăn, cản trở.
2, Đến trường làm đơn xác nhận, xin sao chụp hồ sơ học bạ, sổ liên lạc… để minh chứng tình trạng sức khỏe, hạnh kiểm và học lực của con
3, Làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án giải quyết cho thi hành vấn đề thăm nom, chăm sóc con chung theo án Tòa.
4. Tố cáo hành vi cản trở, ngăn cản quyền thăm gặp con để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi này.
Sau đó, cơ quan Thi hành án hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác mời các bên đến làm việc, người trực tiếp chăm sóc sẽ cam kết về việc tạo mọi điều kiện cho người kia được thăm con, không gây khó nữa.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi, nếu còn vướng mắc bạn có thể gọi để nghe luật sư tư vấn cụ thể hơn.
Trân trọng!
Luật sư: Vũ Văn Toàn - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội; Điện thoại: 0978 99 4377
Website: https://myskincare.vn ; https://tplgiabinh.blogspot.com ; Email: luatsuvutoan@gmail.com.