Các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tinh vi và với tâm lý muốn tìm được công việc làm thêm kiếm thêm thu nhập của những người có thu nhập thấp hay các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn muốn kiếm thêm tiền để trang trải cuộc sống, nhiều đối tượng lợi dụng điều đó để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, cụ thể là thủ đoạn “tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng của các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee,Tiki, Sendo... và hưởng hoa hồng trên mỗi đơn hàng, khiến nhiều người mắc bẫy và bị chiếm đoạt tài sản”. Theo Khoản 1 Điều 174 BLHS năm 2015 sửa đổi bởi Bộ luật Hình sự 2017 quy định:
“Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.”
Theo đó, hành vi của các đối tượng đã thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Trong trường hợp nêu trên, nhiều đối tượng thực hiện hành vi với niềm tin chỉ cần thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền dưới 2.000.000 đồng đối với một nạn nhân sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng nếu có căn cứ cho thấy hành vi có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người và gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an ninh, an toàn xã hội thì vẫn có thể khởi tố vụ án hình sự để xử lý theo quy định của pháp luật.