Lòng hiếu thảo qua sự tích hoa cúc trắng, trách nhiệm của con cái với cha mẹ theo quy định pháp luật

Chủ đề   RSS   
  • #610024 29/03/2024

    HongThiaPham

    Sơ sinh

    Vietnam
    Tham gia:22/12/2023
    Tổng số bài viết (5)
    Số điểm: 55
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 0 lần


    Lòng hiếu thảo qua sự tích hoa cúc trắng, trách nhiệm của con cái với cha mẹ theo quy định pháp luật

    Lòng hiếu thảo là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ xa xưa, có rất nhiều sự tích, câu chuyện kể về lòng hiếu thảo trong gia đình. Một trong số đó là sự tích hoa cúc trắng. Vậy nội dung sự tích như thế nào và pháp luật quy định ra sao về trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ?

    Lòng hiếu thảo của người con qua sự tích hoa cúc trắng

    Truyện cổ tích kể về một gia đình nghèo gồm hai mẹ con sống nương tựa vào nhau, cuộc sống của họ bình yên trong một ngôi nhà nhỏ. Người mẹ hàng ngày tần tảo làm lụng nuôi con. Người con thì cũng hiếu thảo, biết vâng lời mẹ và chăm chỉ học hành.

    Một ngày kia, người mẹ bỗng lâm bệnh nặng, mặc dù người con rất thương mẹ, chạy chữa biết bao thầy lang giỏi trong vùng cũng không chữa khỏi cho mẹ. Em buồn lắm, ngày ngày đều cầu phúc cho mẹ. Thương mẹ, người con quyết tâm đi tìm thầy nơi khác về chữa bệnh. Người con đi mãi, qua bao nhiêu làng mạc, núi sông, ăn đói mặc rách vẫn không nản lòng.

    Đến một hôm, khi đi ngang qua một ngôi chùa, em xin nhà sư trụ trì được vào thắp hương cầu phúc cho mẹ. Lời cầu xin của em khiến trời nghe cũng phải nhỏ lệ, đất nghe cũng cúi mình. Lời cầu xin đó đến tai đức Phật từ bi, Người cảm thương tấm lòng hiếu thảo đó của em nên đã tự mình hóa thân thành một nhà sư. Nhà sư đi ngang qua chùa và tặng em một bông hoa trắng rồi nói:

    – Bông hoa này là biểu tượng của sự sống, là bông hoa chứa đựng niềm hi vọng, là ước mơ của loài người, là thần dược để chữa bệnh cho mẹ con, con hãy mang nó về chăm sóc. Nhưng phải nhớ rằng, cứ mỗi năm sẽ có một cánh hoa rụng đi và bông hoa có bao nhiêu cánh thì mẹ con chỉ sống được bấy nhiêu năm.

    Nói rồi nhà sư biến mất.

    Em nhận bông hoa, cảm tạ Đức Phật, lòng em rất đỗi vui mừng. Nhưng khi đếm những cánh hoa, lòng em bống buồn trở lại khi biết rằng bông hoa chỉ có năm cánh, nghĩa là mẹ em chỉ sống được thêm với em có năm năm nữa.

    Thương mẹ quá, em nghĩ ra một cách, em liền liều xé nhỏ những cánh hoa ra thành nhiều cánh nhỏ, nhiều đến khi không còn đếm được bông hoa có bao nhiêu cánh nữa. Nhờ đó mà mẹ em đã khỏi bệnh và sống rất lâu bên người con hiếu thảo của mình.

    Bông hoa trắng với vô số cánh nhỏ đó đã trở thành biểu tượng của sự sống, là ước mơ trường tồn, là sự hiếu thảo của người con đối với mẹ, là khát vọng chữa lành mọi bệnh tật cho mẹ của người con. Ngày nay, bông hoa đó được người đời gọi là hoa cúc trắng.

    Ý nghĩa truyện cổ tích: Sự tích hoa cúc trắng

    Qua câu chuyện “Sự tích hoa cúc trắng”, ta thấy không phải nhờ bông hoa thần mà chính tấm lòng hiếu thảo của người con đã tạo ra kì tích cứu sống mẹ của em. Nếu không có sự hiếu thảo thì đã không thể cảm động trời xanh và được Đức Phật ra tay cứu giúp. Đây cũng là lời răn dạy đối với tất cả những người con, hay luôn kính yêu và hiếu thảo đối với cha mẹ của mình.

    Truyện cổ tích thể hiện lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Kỳ tích nhất định sẽ xuất hiện nếu ta không bỏ cuộc.

    Trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ theo quy định của pháp luật?

    Trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ được quy định tại khoản 2 Điều 70 và khoản 2 Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, cụ thể như sau:

    “Con cái có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.

    Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.”

    Như vậy, trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ bao gồm:

    - Con cái có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.

    - Khi sống cùng với cha mẹ, con có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động, sản xuất, tạo thu nhập nhằm bảo đảm đời sống chung của gia đình; đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình phù hợp với khả năng của mình.

    - Con có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.

    Xử phạt hành chính thế nào khi con cái bỏ mặc không chăm sóc cha mẹ già yếu?

    Theo điểm b khoản 1 Điều 53 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình bị xử phạt như sau:

    - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

    + Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;

    + Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, yếu, khuyết tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.

    - Biện pháp khắc phục hậu quả:

    Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi đối xử tồi tệ, bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình.

    Như vậy, trường hợp con cái bỏ mặc không chăm sóc cha mẹ già yếu thì bị xử lý hành chính với mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Ngoài ra còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc xin lỗi công khai khi cha mẹ có yêu cầu.

     
    222 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận