Theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 11 Nghị định 86/2014/NĐ-CP thì xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe taxi, xe buýt, xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng, xe chở công - ten - nơ, xe đầu kéo kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe ô tô vận tải hàng hóa phải được gắn phù hiệu; xe ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch phải được gắn biển hiệu theo quy định của Bộ Giao thông vận tải;
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì các xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng phải được gắn phù hiệu theo quy định của pháp luật.
Trong đó, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là kinh doanh vận tải không theo tuyến cố định và được thực hiện theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người thuê vận tải.
Trường hợp xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng mà không gắn phù hiệu thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Tại Điểm đ Khoản 6 Điều 23 Nghị định 46/2016/NĐ-CP có quy định:
"Điều 23. Xử phạt người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ
6. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
...
đ) Điều khiển xe chở hành khách không có hoặc không gắn phù hiệu (biển hiệu) theo quy định hoặc có nhưng đã hết giá trị sử dụng hoặc sử dụng phù hiệu (biển hiệu) không do cơ quan có thẩm quyền cấp;"
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì người điều khiển xe chở hành khách theo hợp đồng mà không có phù hiệu (biển hiệu) xe hợp đồng thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Mặt khác, Tại Điểm a Khoản 8 Điều 23 Nghị định 46/2016/NĐ-CP có quy định:
"Điều 23. Xử phạt người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ
...
8. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Thực hiện hành vi quy định tại Khoản 2, Khoản 4 (trường hợp vượt trên 50% đến 100% số người quy định được phép chở của phương tiện); Điểm c, Điểm d, Điểm e Khoản 3; Điểm a, Điểm b, Điểm c, Điểm d, Điểm đ, Điểm e, Điểm h, Điểm i, Điểm k, Điểm l, Điểm m Khoản 5; Khoản 6; Khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;"
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì trường hợp người điều khiển xe chở hành khách theo hợp đồng mà không có phù hiệu ngoài bị xử phạt theo quy định tại Điểm a Khoản 8 Điều 23 Nghị định 46/2016/NĐ-CP thì còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng theo quy định.