Chào các thành viên của Dân Luật,
Dạo này xã hội mình có nhiều người lợi dụng lòng từ bi, trắc ẩn của của con người để trục lợi quá. Chẳng hạn:
- Công an phát hiện ra một đôi tự xưng là vợ chồng, đưa một đứa trẻ bại não đi ăn xin. Đôi vợ chồng này đi xe cả trăm triệu, ở khách sạn trong thời gian đi xin;
- Nhiều kẻ cũng bị phát hiện gom trẻ em lang thang đường phố và buộc các trẻ em này phải đi xin rồi nộp tiền cho họ...
- Cũng một chiêu đánh vào lòng trắc ẩn, từ bi của người dân để xin tiền, nhiều người đã đội lốt thầy tu để xin hoặc để quyên góp tiền nhằm trục lợi.
Chúng ta hãy bàn về khía cạnh pháp lý của những hành vi nói trên.
- Về hành vi thứ nhất và hành vi thứ 2: các hành vi nói trên là hành vi vi phạm pháp luật . Theo pháp luật Việt nam hiện hành, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính với mức từ 5 - 10 triệu đồng căn cứ vào Điều 13, khoản 2 Nghị định 91/2011/ NĐ- CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em. Hành vi nói trên chưa phải là tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành.
- Về hành vi thứ ba: Hành vi này có thể bị xử lý hành chính theo Điều 18, với mức phạt từ 1 - 5 triệu đồng theo Nghị định Số:73/2010/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội. Ngoài ra, nếu lợi ích thu được từ hành vi này mà lớn hơn 2 triệu đồng, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật hình sự 1999 (2009).
Theo ý kiến của cá nhân tôi, các hành vi nói trên là hành vi bị xã hội cực lực lên án. Tuy nhiên, đối với hành vi thứ nhất và hành vi thứ 2, nếu xử phạt với mức như trên thì chưa đủ sức răn đe, chưa đủ sức giáo dục người vi phạm. Người vi phạm, chỉ nộp số tiền bị phạt thế là xong. Mà số tiền vi phạm chỉ là một phần nhỏ trong số lợi ích mà họ thu được từ hành vi vi phạm pháp luật. Nhà nước khó lòng chứng minh được các tài sản của họ là tài sản có được do hành vi vi phạm pháp luật nên không thể tịch thu tài sản của họ. Do đó, nếu bị bắt, bị phạt ở địa bàn này, họ lại sẽ thay đổi địa bàn và hành nghề ở địa bàn khác. Nhà nước cần phải có những hình thức xử phạt thiết thực và hiệu quả hơn so với hình thức xử phạt tiền đối với trường hợp này. Chẳng hạn, bắt những người lớn nói trên lao động công ích trong thời gian 30 ngày chẳng hạn. Đồng thời, nhà nước cũng phải nghiên cứu để xử lý hình sự đối với những hành vi này thì mới đủ sức răn đe.
Còn đối với hành vi thứ 3, việc truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh là lừa đảo thì cũng xứng đáng. Tuy nhiên, nhà nước cũng cần phải nghiên cứu một hình phạt nào đó thật hiệu quả đối với hành vi nói trên. Có một thực tế là các hình phạt ở nước ta hiện nay không phải là nhẹ nhưng có lẽ chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Trên đây là vài ý kiến cá nhân của tôi. Mong mọi người cho ý kiến trao đổi thêm.
Trân trọng cám ơn!
Cập nhật bởi chaulevan ngày 21/12/2012 02:28:14 CH