Với trường hợp của bạn tôi có một số ý kiến như sau:
Việc bạn cho người yêu bạn và mẹ người yêu bạn vay tiền là việc thiết lập một giao dịch dân sự vay tài sản.
Theo quy định tại điều 463- BLDS 2015 về hợp đồng vay tài sản:
“Điều 463. Hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”
Trong trường hợp bạn kiện anh ta ra trước pháp luật đòi trả nợ thì bạn phải cung cấp được các bằng chứng, chứng cứ chứng mình đến tòa về việc anh ta đã vay tiền bạn.
Căn cứ theo quy định tại điều 6- BLTTDS 2015 về cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự.
“Điều 6. Cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự
1. Đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có quyền và nghĩa vụ thu thập, cung cấp chứng cứ, chứng minh như đương sự.
2. Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ và chỉ tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ trong những trường hợp do Bộ luật này quy định.”
Chỉ khi có các chứng cứ chứng minh có giao dịch dân sự vay mượn này tồn tại thì tòa án mới có cơ sở để thụ lí giải quyết vụ việc.
Trong trường hợp của bạn, bạn không có giấy vay nợ nhưng bạn vẫn có thể khởi kiện đến tòa án nhân dân cấp huyện nơi anh ta đang cư trú để đòi lại tiền. Bạn có thể xuất trình trước tòa bản ghi âm cuộc giao dịch vay tiền, tin nhắn anh ta vay tiền bạn, người làm chứng xác nhận việc bạn cho anh ta vay mượn tiền. Chỉ cần xác minh được các bằng chứng trên là chính xác thì tòa sẽ giải quyết yêu cầu cho bạn.
Theo điều 351: Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ
“1. Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.
Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.
2. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
3. Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.”
Theo điều 357- BLDS 2015 về trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền
“1. Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
2. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này”
Theo điều 1 của quyết định về mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là
"Điều 1. Quy định mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9,0%/năm."
Như vậy, anh ta sẽ phải trả cho bạn đầy đủ số tiền đã vay bạn thêm vào đó là phần tiền lãi của số tiền anh ta đã trả chậm.
theo điều 429- BLDS 2015 “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm."
- Hồ sơ khởi kiện gồm:
+ Đơn khởi kiện (theo mẫu)
+ Giấy tờ vay nợ và các tài liệu khác , các chứng cứ (nếu
có)
Trên đây là một số ý kiến của tôi bạn có thể tham khảo.
[ Vũ Thị Hà Phương] Công ty luật Việt Kim ( www.vietkimlaw.com)
M: (+ 84-4 ) 899.888
E: luatvietkim.@gmail.com
Ad: tầng 5 tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, Hà Nội.
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ lại, chúng tôi rất sẵn lòng giải đáp.
Trân trọng!